Hôi miệng là vấn đề phổ biến nhiều người gặp phải, thường do vi khuẩn gây ra. Những vi khuẩn này tạo ra khí có mùi hôi khi phân hủy đường và tinh bột trong thức ăn. Chứng hôi miệng cũng báo hiệu bệnh răng miệng (viêm nướu, sâu răng) hoặc bệnh tiêu hóa. Dưới đây là 7 cách giúp chữa hôi miệng tại nhà, theo Medical News Today.
Uống nước
Khô miệng có thể gây chứng hôi miệng cũng như các vấn đề sức khỏe răng miệng khác. Bệnh xảy ra khi các tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt để rửa sạch các mảnh vụn thức ăn trong miệng. Mất nước, thuốc và chế độ ăn uống ảnh hưởng độ ẩm trong miệng cũng gây khô miệng. Uống nước giúp cải thiện tình trạng khô miệng, qua đó, loại bỏ được mùi hôi. Lượng nước mỗi ngày cho phụ nữ là 2,7 lít và cho nam giới là 3,7 lít (gồm nước từ thực phẩm và đồ uống).
Uống trà xanh
Trà xanh giàu chất chống oxy hóa epigallocatechin-3-gallate (EGCG), có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo nghiên cứu của Canada, EGCG và chiết xuất trà xanh có khả năng kích hoạt các tế bào trong nướu răng tiết ra một chất hóa học kháng khuẩn. Chất này có thể tiêu diệt vi khuẩn porphyromonas gingivalis, S. mooreigây bệnh nướu răng và chứng hôi miệng.
Sữa chua
Sữa chua giống như men vi sinh chứa nhiều vi khuẩn sống. Ăn các thực phẩm chứa men vi sinh làm giảm mức độ vi khuẩn có hại trong miệng, cải thiện hơi thở. Theo nghiên cứu của Iran, ăn sữa chua có thể ngăn ngừa sâu răng và cải thiện chứng hôi miệng như nhai kẹo cao su xylitol.
Ăn sữa chua giúp ngăn ngừa sâu răng và cải thiện chứng hôi miệng. Ảnh: Freepik
Thảo dược có mùi thơm
Một số gia vị, thảo dược có chứa tinh dầu thơm, giúp giảm mùi hơi thở sau ăn các thực phẩm có mùi (tỏi, mắm). Các thảo dược này cũng chứa các chất kháng khuẩn có thể tiêu diệt vi khuẩn gây hôi miệng . Một số thảo dược có tinh dầu thơm như hạt cây thì là, hoa hồi, đinh hương, thảo quả, quế, gừng, bạc hà, xạ hương, ngò. Để làm thơm mát hơi thở sau ăn, bạn hãy pha các loại gia vị, thảo dược với nước nóng, để nguội và thưởng thức.
Dầu cây trà
Một số vi khuẩn trong miệng bài tiết hợp chất khí lưu huỳnh (H2S) gây hôi miệng. Nghiên cứu của Brazil chỉ ra, tác dụng của tinh dầu trà tương tự như tác dụng của chlorhexidine (một chất kháng khuẩn phổ biến trong nước súc miệng), làm giảm sự phát triển vi khuẩn và cắt giảm sản xuất khí gây hôi miệng.
Dầu cây trà ít tác dụng phụ, có thể dùng thay thế cho nước súc miệng. Pha loãng vài giọt dầu này với dầu vận chuyển (dầu có nguồn gốc từ phần béo của thực vật được dùng để pha loãng tinh dầu trước khi sử dụng) và nước ấm. Bạn ngậm dung dịch trong 30 giây rồi nhổ ra, lặp lại vài lần cho đến khi hết cốc nước để trị hôi miệng; tránh nuốt dầu cây trà vì có thể gây độc.
Dầu quế
Theo nghiên cứu của Đại học Laval (Canada), dầu quế có tác dụng kháng khuẩn mạnh mẽ chống lại vi khuẩn S. moorei, làm giảm sản xuất hợp chất khí lưu huỳnh gây hôi miệng. Dầu quế không gây tổn thương cho các tế bào nướu răng, do đó, bạn có thể thêm dầu quế vào các sản phẩm vệ sinh răng miệng để trị hôi miệng.
Dầu quế có tác dụng kháng khuẩn, góp phần chống lại vi khuẩn gây hôi miệng. Ảnh: Freepik.
Nước súc miệng thảo dược
Mảng bám răng và viêm lợi là những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này. Nước súc miệng chứa tinh dầu thảo dược như tinh dầu cây trà, đinh hương và húng quế... đều có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm, ngăn hình thành mảng bám, giảm chứng hôi miệng .
Chứng hôi miệng có thể là dấu hiệu của sâu răng, bệnh nướu răng, tác dụng phụ của thuốc hoặc một vấn đề khác như viêm xoang, nhiễm trùng phổi mãn tính, bệnh tiêu hóa, bệnh gan, bệnh thận hoặc tiểu đường. Nếu áp dụng các cách trên mà chứng hôi miệng không thuyên giảm, mọi người nên đi khám bệnh. Bệnh nướu răng nếu không điều trị có thể dẫn đến mất răng.
Mai Cát
(Theo
Medical News Today
)