Trang Chủ > Sức khỏe > 6 lần WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

6 lần WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Zingnews
26/06/2022 08:12:20

Ngày 23/6, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn để cân nhắc tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Theo Reuters, trong lịch sử, chỉ 6 lần WHO đưa ra quyết định này, đó là dịch Covid-19 (2020), đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo (2019), Zika (2016), bại liệt (2014), đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi (2014) và virus gây đại dịch cúm heo H1N1 (2009).

WHO không tuyên bố đại dịch, nhưng họ bắt đầu sử dụng thuật ngữ này để mô tả Covid-19 vào tháng 3/2020. Các đợt bùng phát khác, như bệnh sốt vàng da ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2016, đã được ủy ban của WHO đánh giá nhưng cuối cùng không đáp ứng tiêu chí là sự kiện bất thường lan ra quốc tế cần sự hợp tác xuyên quốc gia.

Covid-19

Ước tính gần đây của WHO cho thấy khoảng 15 triệu người có thể đã qua đời vì Covid-19. Tháng 1/2020, Liên Hợp Quốc ban bố Covid-19 là tình trạng khẩn cấp, khoảng một tháng sau khi có báo cáo đầu tiên về loại virus corona mới từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Gần đây, hội đồng độc lập do WHO chỉ định tuyên bố tổ chức y tế thế giới nên ban bố tình trạng khẩn cấp cho dịch Covid-19 sớm hơn.

Đến nay, nguồn lây của virus SARS-CoV-2 vẫn là ẩn số. Trong khi đó, nhiều quốc gia tuyên bố đã xóa sổ đại dịch như Thụy Điển, Campuchia...

Đợt bùng phát Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo

Ủy ban khẩn cấp của WHO về Ebola đã tuyên bố đợt bùng phát này là tình trạng khẩn cấp toàn cầu vào tháng 7/2019. Quyết định này được đưa ra sau khi giới chức Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) chống chọi với Ebola suốt một năm ròng rã.

Đợt dịch đã ghi nhận 3.481 ca mắc và 2.229 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Công cộng DRC xác nhận đợt dịch Ebola này là do virus thuộc loài Zaire ebolavirus gây ra. Đây là chủng đã gây sự bùng phát đầu năm 2018 ở miền tây DRC. Giới chức nước này tiếp tục sử dụng vaccine ZEBOV để dập dịch.

6 lần WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu-1

Nhân viên y tế bế James Dorbor, 8 tuổi, bị nghi nhiễm Ebola, vào cơ sở điều trị ở Monrovia, Liberia, tháng 9/2014. Ảnh: DANIEL BEREHULAK/Redux.

Zika

Năm 2016, WHO tuyên bố Zika là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Zika đã lây lan sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ kể từ khi ổ dịch đầu tiên được xác định ở Brazil vào năm 2015.

Phần lớn các ca nhiễm virus Zika là không có triệu chứng nên việc thống kê rất khó khăn. Đến tháng 11/2016, WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp. Tính đến thời điểm đó, trên toàn thế giới có khoảng 2.300 trường hợp được xác nhận là trẻ sinh ra với tật đầu nhỏ, hầu hết ở Brazil.

Virus gây bệnh Zika chủ yếu lây lan qua muỗi Aedes aegypti, thường được tìm thấy trên khắp châu Mỹ nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong một số trường hợp, nó cũng lây lan qua muỗi Aedes albopictus.

6 lần WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu-2

Đặc trưng của trẻ nhiễm virus Zika là đầu nhỏ bất thường. Ảnh: Science.

Bệnh bại liệt

Năm 2014, WHO tuyên bố sự bùng phát trở lại của bệnh bại liệt là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt. Căn bệnh này từng là nỗi khiếp sợ cho toàn cầu, gây liệt và cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn trẻ em.

“Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể dẫn đến thất bại trong việc xóa sổ một trong những căn bệnh nghiêm trọng nhất thế giới”, WHO khẳng định vào thời điểm tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.

Bệnh bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. Virus bại liệt lây lan chủ yếu qua thực phẩm và nước uống kém vệ sinh. Chúng sinh sôi nhanh trong ruột, tấn công hệ thần kinh và gây tê liệt bình quân 1/200 trường hợp nhiễm bệnh.

Pakistan là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt bùng phát này với số ca mắc chiếm 20% toàn thế giới.

Tháng 3/2014, WHO tuyên bố các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ đã hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm mang tên bại liệt.

Mới đây, Vương Quốc Anh phải ban bố "sự cố khẩn cấp" toàn quốc sau khi phát hiện virus bại liệt trong mẫu nước thải ở London. Giới chức lo ngại căn bệnh đã bị xóa sổ cách đây gần 50 năm "tái xuất" và gây thiệt hại nhiều như trong quá khứ.

Dịch Ebola ở châu Phi

Từ năm 2013 đến 2016, Sierra Leone, Guinea, Liberia hứng chịu đợt bùng phát Ebola khiến ít nhất 11.300 người chết. Đây là con số nhiều hơn tất cả đợt bùng phát Ebola khác cộng lại.

Ngày 8/8/2014, Ebola ở Tây Phi được WHO chính thức ban bố là "trường hợp khẩn cấp y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm".

Bệnh do virus Ebola hay còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hòa Congo vào năm 1976. Nó được phát hiện tại một khu làng ven sông Ebola, nên người ta lấy tên con sông này để đặt cho căn bệnh này. Đây là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới, WHO cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.

Triệu chứng của Ebola thường giống những triệu chứng ốm, sốt như suy nhược, đau cơ, đau đầu và đau họng. Sau đó, bệnh nhân sẽ nôn, tiêu chảy, phát ban, suy giảm chức năng của thận và gan. Ebola cũng có thể gây ra chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng, làm sưng mắt và bộ phận sinh dục. Thông thường, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt 8-10 ngày sau khi tiếp xúc.

Cúm heo H1N1

Theo một nhóm các nhà khoa học quốc tế, đại dịch cúm heo năm 2009 đã giết chết khoảng 284.500 người, gấp khoảng 15 lần con số được xác nhận bởi các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm tại thời điểm đó.

Một nghiên cứu năm 2012 trên tạp chí The Lancet cho biết con số này có thể lên tới 579.000 người. Con số ban đầu, do WHO tổng hợp, đưa ra là 18.500 chết.

Loại virus A / H1N1pdm09 được xác định lần đầu tiên ở Mexico vào tháng 4/2009. Nó được gọi là cúm lợn vì nó tương tự như virus cúm ảnh hưởng đến lợn. Virus lây lan nhanh chóng từ quốc gia này sang quốc gia khác vì rất ít người trẻ tuổi được miễn dịch.

Tháng 6/2009, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố cúm lợn H1N1 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Bệnh lan sang hơn 70 quốc gia và tất cả bang ở Mỹ. Đa số những ca tử vong ban đầu xảy ra ở Mexico.

Phát hiện nguồn gốc của đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới

Phân tích di truyền cho thấy virus đậu mùa khỉ đã âm thầm phát tán ở người từ năm 2018, cuối cùng trở thành đợt bùng phát lan tới hơn 40 quốc gia như hiện nay.

Căn bệnh khiến hơn 100.000 người chết mỗi năm đang lan khắp thế giới

Nghiên cứu mới cho thấy vi khuẩn thương hàn kháng thuốc từ Nam Á đã xâm nhập hàng trăm quốc gia trên toàn cầu. Các nhà khoa học cảnh báo nó có thể gây ra mối đe dọa toàn cầu.