(Tổ Quốc) - Say nắng luôn là 1 trong những nỗi lo hàng đầu về sức khỏe mỗi khi mùa hè đến.
Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt (heat troke) là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng trên 40 độ C kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp. Say nắng luôn đi kèm với say nóng và có thể gây đột quỵ, tử vong.
Năm nhóm người dễ bị say nắng nhất
Mặc dù say nắng có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nó thường dễ xuất hiện và gây nguy hiểm hơn ở 5 nhóm người sau đây:
1. Trẻ em
Ảnh minh họa
Khi kỳ nghỉ hè đến, hầu hết trẻ em dành rất nhiều thời gian ở ngoài trời cho các hoạt động. Hơn nữa diện tích bề mặt da của trẻ lớn hơn (so sánh trong mối tương quan với trọng lượng cơ thể) nên cũng nhanh tăng thân nhiệt hơn so với người lớn, đặc biệt khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn thân nhiệt. Vì vậy sẽ dễ bị say nắng hơn và sức đề kháng kém hơn nên cũng bị nghiêm trọng hơn.
2. Vận động viên và người tập thể dục
Những người bỏ ra hàng giờ để luyện tập và thi đấu dưới cái nắng nóng bỏng của mùa hè sẽ khó có thể bù đắp lượng chất lỏng mất đi do hoạt động của cơ thể.
3. Công nhân, người làm việc ngoài trời
Những người lao động như công nhân xây dựng, công an, nhân viên bưu chính và những người dành phần lớn thời gian làm việc của mình ngoài trời sẽ có ít thời gian để tắm hay uống nước nên hậu quả là cơ thể không được cung cấp đủ chất lỏng trong khi làm việc.
4. Người cao tuổi
Do các chức năng cơ thể của họ có thể không thể đối phó và đối phó hiệu quả với những tổn thương do nhiệt độ cao gây ra nên người cao tuổi rất dễ bị say nắng. Hơn nữa, cơ thể họ sẽ trở nên chậm chạp trong việc cảm nhận và phản ứng với sự thay đổi nhiệt độ nên cũng gặp nhiều nguy hiểm hơn khi say nắng.
5. Mắc 1 số bệnh
Những người đang ốm, điều trị bệnh tật, đặc biệt là những người bị bệnh tim, cao huyết áp thường rất dễ bị sốc nhiệt vào mùa hè. Những người đang sử dụng một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc trị trầm cảm, mất ngủ, khí huyết kém lưu thông cũng nằm trong nhóm gặp nguy hiểm vì say nắng tấn công vào mùa hè.
8 mẹo để phòng ngừa say nắng vào mùa hè
Nhiều người cho rằng say nắng chỉ là mệt mỏi nhất thời, rất phổ biến và không nguy hiểm. Tuy nhiên, những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong. Vì vậy, để “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hãy luôn ghi nhớ 8 mẹo chống say nắng sau đây:
- Khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, bạn cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng.
- Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.
- Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút.
- Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm…
- Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò... rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.
- Khi vừa đi nắng về, đây là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao. Lưu ý không nên tắm ngay vì sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ.
Ảnh minh họa
- Vào mùa nắng nóng, chú ý bổ sung thêm muối và chất khoáng, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua... Đồng thời mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
- Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ là thời gian ngắn. Vì nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
Nếu bị say nắng, hãy tiến hành sơ cứu bằng làm mát ngay tức thì và hỗ trợ chức năng các cơ quan. Ví dụ như vào chỗ râm nghỉ ngơi, nơi thoáng khí để dễ hô hấp, chườm lạnh, uống thêm nước… Sau đó tốt nhất là đến cơ sở y tế gần nhất để chuyên gia y tế xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.
Nguồn và ảnh: Sohu, Doctor Family, Metro UK
Khuê Lăng