Với một số loại thực phẩm, thời điểm chúng mọc mầm chính là lúc các chất dinh dưỡng dự trữ được kích hoạt và trở nên rất dễ hấp thụ cho cơ thể.
1. Tỏi
Sau khi nảy mầm, tỏi không bị mốc mà từ màu vàng nhạt chuyển thành vàng đậm hơn thì bạn hoàn toàn vẫn có thể ăn được, thậm chí, lúc này giá trị dinh dưỡng trong tỏi còn được nhân lên gấp bội. Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng tỏi nảy mầm rất giàu các nguyên tố chống oxy hóa, có thể làm giảm tác hại của các gốc tự do và có hoạt tính chống oxy hóa mạnh hơn tỏi tươi nhiều lần.
Mầm tỏi (ngồng tỏi) cũng có giá trị dinh dưỡng tương tự, đặc biệt hương vị cũng vô cùng thơm ngon. Nếu bạn muốn ăn tỏi mọc mầm và mầm tỏi, hãy cho tỏi đã nảy mầm vào nước và chờ đến khi tỏi phát triển thành mầm tỏi, sau đó bạn có thể dùng để nấu ăn.
2. Hạt tam giác mạch
Hạt tam giác mạch có rất nhiều tác dụng nhưhạ huyết áp, hạ mỡ máu, hạ đường huyết,.. Thế nhưng, ngay cả hạt tam giác mạch nảy mầm cũng có công dụng riêng của nó. Theo một số nghiên cứu cho thấy, hạt tam giác mạch nảy mầm có khả năng giảm huyết áp và ức chế bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả. Ngoài ra, với hàm lượng chất xơ khá cao, loại hạt này còn giúp cơ thể tiêu hóa được tốt hơn.
3. Đậu nành
Đậu tương là một thực phẩm giàu dinh dưỡng mà có lẽ không còn quá xa lạ trong ẩm thực của nước ta. Thế nhưng, nó lại chứa những chất không tốt mà khi chúng ta nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ trở nên gây hại. Khi đậu tương nảy mầm, những chất độc này sẽ không những bị phân giải mà hàm lượng chất dinh dưỡng còn tăng lên đến gấp 2 lần so với bình thường. Đậu tương nảy mầm được dùng phổ biến trong chế biến sữa đậu nành, thức ăn, đồ uống dinh dưỡng cho gia đình.
4. Gạo lứt
Nhật bản là một trong những quốc gia hàng đầu yêu thích, ưa chuộng món gạo lứt. Mặc dù ai cũng biết gạo lứt là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng tuyệt vời, tuy nhiên không phải ai cũng biết đến sự hữu ích của mầm gạo lứt. Nhờ quá trình nảy mầm, gạo mầm được bổ sung thêm các vitamin E, PP, B1, B6, Magie… đặc biệt là chất GABA hỗ trợ chống độc cho thận.
Linh Chi