Tập thể dục có thể trở nên khó khăn hơn đối với bệnh nhân ung thư phổi. Tuy nhiên, chương trình tập luyện được thiết kế phù hợp có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe, giảm mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ liên quan đến các phương pháp điều trị.
Bài tập thở
Bệnh nhân ung thư phổi thường bị khó thở dẫn đến mệt mỏi, khó khăn trong các hoạt động thường ngày. Phục hồi nhịp thở có thể giúp bạn cải thiện sức bền. Bài tập thở bằng cơ hoành sẽ cho phép nhiều không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi nhưng không gây mệt mỏi cho cơ hoành (cơ nằm giữa phổi và bụng). Bài tập này cũng có thể giúp điều hòa nhịp thở nếu bạn bị hụt hơi trong khi hoạt động. Dưới đây là các bước thực hiện.
- Bạn ngồi hoặc đứng thẳng và đặt tay lên bụng.
- Hít vào bằng mũi, trong khi đẩy nhẹ bụng ra ngoài.
- Thở ra từ từ bằng cách mím chặt môi để không khí di chuyển qua đường mũi. Bạn có thể dễ dàng cảm nhận hơi thở ra vào bằng cơ hoành khi đặt bàn tay ở phần bụng trên. Bạn cũng có thể ấn tay xuống bụng khi thở ra và thả tay khi hít vào để hỗ trợ thở bằng cơ hoành.
- Lặp lại bài tập nhiều lần trong ngày.
Bài tập thở bằng cơ hoành cho phép nhiều không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi. Ảnh: Shutterstock
Bài tập giãn cơ
Giãn cơ làm tăng lưu lượng máu và oxy đến cơ, cải thiện độ đàn hồi của cơ và giúp cơ thể tự phục hồi. Các bài tập kéo căng phần thân trên hàng ngày giúp mở rộng khoang ngực và tăng dung tích phổi, giúp phổi và cơ hoành chuyển động tự do hơn, từ đó người bệnh có thể thở sâu và dễ thở. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân sau khi xạ trị, vì xạ trị thường gây ra tình trạng căng cơ. Tình trạng căng cơ có thể phá vỡ các mô sẹo do phẫu thuật.
Bài tập căng giãn cơ cũng có thể cải thiện xương sống bị cong do phải ngồi trong thời gian dài. Cong lưng có thể làm giảm dung tích phổi. Căng cơ cũng là cách để kiểm soát căng thẳng và lo lắng khi sống chung với bệnh ung thư phổi. Bạn phải căng cơ thường xuyên để có thể dần cải thiện và duy trì phạm vi chuyển động cũng như tính linh hoạt của cơ thể.
Các tư thế thực hiện giãn cơ để tăng lưu lượng máu và oxy đến cơ, cải thiện độ đàn hồi của cơ. Ảnh: Shutterstock
Bài tập aerobic
Tập thể dục nhịp điệu hàng ngày giúp người bệnh ung thư phổi nâng cao thể lực, sức khỏe tim mạch và cải thiện khả năng trao đổi oxy. Bạn có thể đi bộ, khiêu vũ hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động yêu thích nào để làm tăng nhịp tim.
Người bệnh ung thư phổi được khuyến nghị tập 150 phút mỗi tuần nhưng cần bắt đầu từ mức độ nhẹ rồi mới nâng dần lên. Bạn nên bắt đầu bằng các buổi tập ngắn, mỗi buổi khoảng 10 phút ở bất cứ nơi nào cảm thấy thuận tiện mà không cần phải tới phòng tập.
Tập thể dục cường độ thấp như đi bộ là cách an toàn để bắt đầu. Bạn có thể đi bộ xung quanh một căn phòng trong nhà, nghỉ ngơi và sau đó đi bộ lại. Khi bạn cảm thấy tự tin hơn thì cố gắng tăng khoảng cách từ từ, thực hiện nhiều lần trong ngày. Sử dụng máy đếm bước chân để đếm số bước, giúp bạn thiết lập và đạt được mục tiêu. Sau đó, bạn từ từ tăng cường độ tập luyện bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như đi cầu thang và đỗ xe xa điểm đến hơn so với trước đây.
Người bệnh ung thư phổi có thể tập aerobic 150 phút mỗi tuần nhưng cần từ từ nâng dần mức độ. Ảnh: Shutterstock
Bài tập luyện sức mạnh
Trải qua quá trình điều trị, người bệnh ung thư có thể mất một khối lượng cơ đáng kể do hóa trị, xạ trị hoặc phải nằm, ngồi trong thời gian dài vì mệt mỏi. Những bài tập luyện sức mạnh có thể hỗ trợ người bệnh tăng cường cơ bắp, khả năng giữ thăng bằng cũng như giúp xương chắc khỏe hơn. Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu với các bài tập thở, đi bộ, vươn vai và sau đó là rèn luyện sức mạnh ở mức độ cao hơn chẳng hạn như đi bộ với quãng đường dài hơn, tăng tốc nhanh hơn hoặc có thể chạy bộ.
Nguyên Phương
(Theo
Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ
)