Y học cổ truyền Phương Đông cho rằng, "bách mạch đều triều về Phế", "Phế chủ bì mao"... Khi chính khí hư yếu hay nói khác đi là sức đề kháng của cơ thể suy giảm thì cơ thể dễ "cảm nhiễm ngoại tà" mà thành bệnh. "Phế khai khiếu ra mũi" nên khi mắc bệnh, trước tiên thường có các chứng trạng biểu hiện ở mũi như ngạt mũi, sổ mũi...
Có nhiều cách xử trí khác nhau như dùng thuốc uống, nhỏ thuốc nhỏ mũi, khí dung... Ngoài ra, bấm huyệt cũng là một phương pháp đơn giản mà mọi người đều có thể tự thực hiện.
-
Giải pháp hỗ trợ giảm sổ mũi, nghẹt mũi do viêm xoang
1.Phương huyệt chủ trị ngạt mũi, sổ mũi
1.1.Huyệt ấn đường
Ấn đường: Là huyệt nằm trên Đốc mạch, cũng gọi là Kỳ huyệt, có vị trí nằm ở giao điểm đường thẳng nối giữa hai đầu lông mày với đường chính trung (đường thẳng đi qua chính giữa mặt trước cơ thể). Có tác dụng trừ phong nhiệt, định thần chí.
Chủ trị chữa ngạt mũi, cảm mạo, nhức đầu...
Trong y học cổ truyền thường kết hợp huyệt vị này với một số huyệt vị khác như
nghinh hương, hợp cốc
để điều trị bệnh viêm mũi.
Vị trí huyệt ấn đường
1.2 Huyệt nghinh hương:
Nghinh hương: Là huyệt thuộc kinh Thủ dương minh Đại trường, vị trí nằm bên cạnh cánh mũi, trên rãnh mũi má, cách cánh mũi khoảng nửa thốn (tương đương 0,8-0,9cm). Nghinh hương có nghĩa là "đón mùi hương", như vậy ngay tên huyệt cũng đã nói lên tác dụng chữa bệnh của nó. Nghinh hương là huyệt có tác dụng đặc hiệu với các bệnh về mũi.
Y học cổ truyền quan niệm huyệt vị này có tác dụng thông tỷ khiếu, tán phong nhiệt, thanh hỏa khí..., nên thường dùng nghinh hương để chữa các bệnh về mũi như viêm mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi. Kinh nghiệm hiện nay thường phối hợp các huyệt hợp cốc, ấn đường; hợp cốc, thượng tinh để chữa ngạt mũi, viêm xoang...
Vị trí huyệt nghinh hương.
1.3. Huyệt hợp cốc
Hợp cốc: Là huyệt thuộc kinh Thủ dương minh Đại trường, có vị trí nằm tại hổ khẩu bàn tay nên cũng còn được gọi là Hổ khẩu. Được xác định nằm ở giữa hai ngón tay cái và ngón trỏ (hổ khẩu). Khi đặt ngón tay cái của bàn tay đối diện vào, hổ khẩu có vị trí cách mép bàn tay một khoảng cách bằng từ lằn chỉ giữa ngón cái đến đầu ngón tay cái.
Hợp cốc là nguyên huyệt của kinh Đại tràng, vừa có tác dụng dẫn khí đi lên, đi xuống, đồng thời cũng có tác dụng tuyên thông. Y học cổ truyền cho rằng Hợp cốc giúp giải biểu tà, sơ phong, thanh tiết phế khí, thông lạc, chỉ thống... Thường được dùng để chữa các bệnh cảm mạo, đau đầu, sốt cao, ngạt mũi, chảy nước mũi. Sách y học nhập môn thường phối hợp hợp cốc với thái xung để chữa các bệnh về mũi như ngạt mũi, trĩ mũi, chảy nước mũi...
Vị trí huyệt hợp cốc
2. Day bấm huyệt chữa ngạt mũi, sổ mũi
2.1 Cách thực hiện bấm huyệt:
Dùng ngón tay cái bấm thẳng góc vào các huyệt vị để có thể tạo được lực bấm mạnh. Bạn có thể tự bấm hoặc bấm cho người thân. Mỗi huyệt nên bấm trong thời gian 1-3 phút, nên bấm huyệt ở cả hai bên. Ngày bấm 1-2 lần, bấm liên tục trong 7-10 ngày tùy theo tiến triển của bệnh.
2.2 Các biện pháp phối hợp khác chữa ngạt mũi, sổ mũi :
Nếu sổ mũi do cảm lạnh, sau khi day bấm các huyệt vị nói trên, có thể dán một miếng cao có kích thước 1,5 x 1,5cm vào các huyệt vị này.
Bệnh nhân cần chú ý không xì mũi quá mạnh vì có thể dẫn đến viêm tai giữa, viêm xoang. Khi dùng các thuốc nhỏ mũi có tác dụng co mạch như ephedrin, naphazolin..., không nên nhỏ quá 3 lần mỗi ngày và kéo dài quá 3 ngày liên tục do có thể dẫn đến hậu quả gây viêm mũi.
Các dấu hiệu trên nếu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên khi bệnh tình kéo dài, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng và nếu không được chữa trị kịp thời, sẽ dễ dẫn đến những hậu quả như viêm xoang, viêm phế quản phổi. Vì vậy người bệnh cần chú ý đi khám và điều trị theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc, kết hợp với day bấm huyệt mà bạn có thể tự áp dụng.
Mời bạn xem thêm video
Xuất hiện dịch do Virus Adeno và cách điều trị.