Nước không chỉ là thứ thiết yếu với cuộc sống con người mà nó còn là yếu tố hàng đầu của tuổi thọ. Ngược lại, uống không đủ nước cũng là căn nguyên của nhiều bệnh tật.
Cùng với sự gia tăng của tuổi tác, chức năng của các cơ quan khác nhau của người trung niên và người già đều suy giảm, cơ thể thường xuyên bị mất nước nhưng lại không cảm thấy khát nước.
Nếu không được bổ sung nước kịp thời sẽ dễ gây khô da, bài tiết kém, táo bón và các hiện tượng khác ở người trung niên và cao tuổi, dễ bị mất nước và đột quỵ. Đối với người cao tuổi mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não thì máu quá đặc do thiếu nước sẽ gián tiếp dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não.
Ngay cả những người khỏe mạnh cũng cần hình thành thói quen uống nước thường xuyên và uống đủ nước theo khoa học.
Nước sẽ được cung cấp từ hai nguồn. Trong đó, nguồn nước từ thức ăn hàng ngày chiếm khoảng 20 - 30% nhu cầu nước của cơ thể và các loại đồ uống bảo đảm khoảng 70 - 80% còn lại.
Bên cạnh nước lọc, chúng ta có thể lựa chọn nước ép trái cây hoặc các loại canh/súp với liều vừa phải để bổ sung nước cho cơ thể.
Theo các chuyên gia, uống nước nên chia làm nhiều lần trong ngày chứ không nên uống một lần quá nhiều. Ngay cả khi khát nước cũng không nên uống quá nhiều một lúc mà cần uống từ từ từng ngụm một để cho nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của một cơ thể bị thiếu nước.
Ngủ thật ngon là cách đơn giản và hiệu quả nhất để duy trì sức khỏe. Một giấc ngủ ngon có thể loại bỏ sự mệt mỏi của toàn bộ cơ thể, làm cho thần kinh não bộ, nội tiết, hoạt động trao đổi chất, hoạt động của tim mạch, chức năng tiêu hóa, hô hấp… được nghỉ ngơi.
Giấc ngủ còn giúp thúc đẩy sự sinh trưởng, phát triển, tự phục hồi của các mô cơ thể; nâng cao hệ miễn dịch, từ đó tăng khả năng chống lại bệnh tật
Trẻ em ở độ tuổi đi học cần ngủ khoảng 8 đến 10 giờ/ngày. Thanh thiếu niên và người trưởng thành có thể đặt mục tiêu 9 giờ/ngày, nhưng một số người chỉ cần 7-8 giờ/ngày là đủ.
Điều quan trọng là bạn không chỉ ngủ đủ, mà còn là giấc ngủ chất lượng. Tốt nhất, bạn nên cố gắng ngủ theo lịch trình đều đặn bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, kể cả vào cuối tuần.
Đi bộ đã được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là "bài tập thể dục tốt nhất trên thế giới". Hoạt động này cũng được các hiệp hội tim mạch và các chuyên gia ở nhiều quốc gia khuyến khích và trở thành bài tập chăm sóc sức khỏe phổ biến nhất trên thế giới.
Các nghiên cứu của Đại học Colorado và Đại học Massachusetts đã tìm ra rằng, đi bộ thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh động mạch ngoại biên và giảm khả năng bị cảm lạnh xuống đến 25% so với người không đi bộ.
Một nghiên cứu sâu hơn của Đại học Pittsburgh tiết lộ, với 30 - 60 phút đi bộ mỗi ngày, có thể giúp bệnh nhân béo phì giảm cân.
Hệ thống tĩnh mạch bao gồm một phần tuần hoàn được mệnh danh là "trái tim thứ hai", được hình thành bởi các cơ, gân và các van nằm ở bắp chân và bàn chân. Hệ thống này hoạt động để bơm máu trở về tim, phổi. Đi bộ chính là biện pháp giúp tăng cường, bảo quản cơ bắp chân, tăng tuần hoàn máu lành mạnh. Nếu đã bị suy tĩnh mạch, thì đi bộ mỗi ngày giúp làm giảm sưng và giảm cảm giác "bứt rứt" ở hai chân.