Trang Chủ > Sức khỏe > 3 bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

3 bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

Alo Bác Sĩ
20/07/2022 01:52:21

Ai dễ bị sốc nhiệt?

Bệnh viện Trung ương quân đội 108 thông tin, sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C và kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật).

Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.

- Sốc nhiệt kinh điển (classic heatstroke):

Hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, hay các rối loạn nội tiết.

Tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

- Sốc nhiệt do gắng sức (exertional heatstroke):

Hay gặp những người trẻ, khỏe mạnh với hệ điều hòa nhiệt độ bình thường.

Thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao và đồng thời do sự sinh nhiệt lúc thể dục, gắng sức.

Các dấu hiệu nhận biết sốc nhiệt

Theo bác sĩ, các dấu hiệu để nhận biết sốc nhiệt bao gồm:

- Đầu tiên là vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần, tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu. Nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C.

- Bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng khác của sốc nhiệt, bao gồm: Đau đầu; Chóng mặt và choáng váng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và ói mửa; Nhịp tim nhanh; Thở nhanh, thở nông.

- Nếu nặng hơn bệnh nhân sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…

Nếu không xử lý kịp thời thì sốc nhiệt có thể để lại nhiều hậu quả đáng tiếc với sức khỏe, chẳng hạn như có thể gây tổn thương cho não, các cơ quan nội tạng trong cơ thể, đột quỵ và thậm chí là tử vong.

Ba bước sơ cứu người bị sốc nhiệt

- Nếu nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện ngay lập tức.

- Trong khi chờ đợi y tế, đưa nạn nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát, cởi bỏ các quần áo không cần thiết.

- Sau đó sơ cứu bằng các phương pháp làm mát như: sử dụng quạt, làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước, áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng. Các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể giảm được nhiệt độ cơ thể.

Phòng ngừa sốc nhiệt như thế nào?

- Người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời trong khoảng thời gian 11-15g. Tùy theo tính chất, đặc thù công việc mỗi người cần chống nắng khác nhau, có mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt để che chắn, giảm tác động của nhiệt.

- Lưu ý mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Khi ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt.

- Người lao động ngoài trời, cứ sau một khoảng thời gian phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10 - 15 phút để cơ thể hạ nhiệt và bổ sung thêm nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5 -3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

- Mỗi cá nhân đều phải tự rèn luyện để thích nghi với nóng, lập thời gian luyện tập thể lực vào lúc mát trong ngày, giảm bớt vận động thể lực vào lúc thời tiết quá nóng.

- Khi có các bệnh lý nguy cơ thì không được tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng.