Bạn có phải là một trong những người nghĩ rằng ai đó đã thoát được sự lây nhiễm COVID-19 một cách thần kỳ trong hơn 2 năm diễn ra đại dịch? Điều này có thể sai lầm vì kết quả nghiên cứu mới đây đăng trên Tạp chí JAMA Network Open cho thấy, hầu hết những người nhiễm biến thể Omicron có các triệu chứng nhẹ đến mức họ không biết mình đã nhiễm bệnh.
Nhiều người không nghĩ rằng mình bị mắc COVID-19
Các nhà nghiên cứu cho biết 56% số người nhiễm SARS-CoV-2 không biết bản thân bị mắc COVID-19. Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy có tới 80% số người mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã lấy mẫu máu của các nhân viên y tế, và vào năm 2021, họ cũng đã thu thập mẫu máu của bệnh nhân. Tổng số thu được gần 2.500 mẫu máu của nhân viên y tế và bệnh nhân vào thời điểm ngay trước hoặc sau khi bùng phát lây nhiễm biến thể Omicron.
Kết quả cho thấy, 210 người được xác định bị nhiễm biến thể Omicron, nhưng chỉ 44% trong số này biết rằng mình đã bị mắc COVID-19. Trong số những người không biết bản thân bị mắc COVID-19, chỉ 10% cho biết họ có các triệu chứng nhẹ mà họ nghĩ rằng đó là cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng khác.
Biến thể Omicron gây các đợt bùng phát lây nhiễm mạnh.
Trưởng nhóm nghiên cứu,
TS. Susan Cheng
tại Viện tim Smidt thuộc Trung tâm y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ), cho biết: "Hơn một nửa số người bị nhiễm biến thể Omicron không biết về tình trạng mắc COVID-19 của họ. Trong hầu hết các trường hợp, họ có triệu chứng nhẹ hoặc không biểu hiện triệu chứng. Trong một số trường hợp có các triệu chứng nhẹ, thì những triệu chứng này thường được nghĩ tới một số nguyên nhân khác như cảm lạnh thông thường".
Số ca nhiễm Omicron thực tế nhiều hơn số ca đã được báo cáo
-
Biến thể phụ BA.2.74 và BA.2.75 của Omicron nguy hiểm đến mức nào?
-
Đề phòng nhiều biến thể omicron mới làm dịch bệnh lây lan nhanh
Các nhà nghiên cứu cho biết: "Kết quả nghiên cứu mới này giúp xác nhận những gì chúng tôi đã nghi ngờ trong một thời gian, đó là nhiều trường hợp mắc COVID-19 không được phát hiện - một phần vì không có biểu hiện triệu chứng và một phần là do khó khăn trong việc tiếp cận sử dụng xét nghiệm chẩn đoán".
"Hầu hết những người mắc COVID-19 đã không biết về tình trạng nhiễm bệnh của họ, đặc biệt là trong các đợt bùng phát lây nhiễm mạnh của đại dịch COVID-19" – các nhà nghiên cứu cho biết thêm.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, GS.TS Marc Siegel tại Trung tâm y tế NYU Langone ở Thành phố New York (Mỹ), cho biết: "Nghiên cứu mới cho thấy rõ ràng COVID-19 đã có thể gây lây nhiễm nhiều người hơn những gì đã được báo cáo".
TheoTS. Marc Siegel: "Có rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ, rất nhẹ hoặc không có triệu chứng mà không nhận ra tình trạng nhiễm bệnh, và cũng có nghĩa là chúng ta đang nhận được nhiều khả năng miễn dịch đối với biến thể này. Điều đó có thể giúp giải thích bức tranh tổng thể về hiện trạng của đại dịch, đó là có rất nhiều trường hợp mắc COVID-19 nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp nặng".
Biện pháp để giải quyết đại dịch
Nên tiêm phòng đầy đủ để phòng bệnh COVID-19.
Theo TS. Susan Cheng, để có thể chiến thắng đại dịch, điều quan trọng là mọi người phải nhận thức rằng họ có thể bị mắc COVID-19 mà không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, nhưng vẫn có thể gây lây nhiễm cho những người khác.
"Nâng cao nhận thức về nguy cơ lây nhiễm virus có thể giúp ích rất nhiều trong việc hạn chế sự lây lan COVID-19 đang diễn ra trong cộng đồng của chúng ta. Bởi vì tỷ lệ nhận thức đúng về lây nhiễm COVID-19 có vẻ chưa cao, nên cần tiến hành nhiều hoạt động cải thiện vấn đề này. Giờ đây, chúng ta đã có nhiều công cụ để có thể đạt được điều đó và hy vọng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này nhanh hơn" - Susan Cheng nhấn mạnh.
TS. Marc Siegel cho rằng: "Điều đặc biệt quan trọng là hiện nay chúng ta đã nhận biết được mức độ lây truyền dễ dàng của SARS-CoV-2. Khi thấy có thêm 100.000 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày thì trên thực tế có thể có 1 triệu trường hợp nhiễm mới. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa khả năng miễn dịch nhận được sau mắc COVID-19 và khả năng miễn dịch nhận được từ tiêm chủng có thể giúp kìm chân đại dịch".
Theo các nhà khoa học, tiêm chủng đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng bệnh nặng, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID-19 nghiêm trọng. Và họ hy vọng sẽ sớm có các loại vaccine mới hiệu quả hơn so với vaccine hiện tại, bao gồm vaccine đường mũi và vaccine phòng virus corona phổ rộng.
Triệu chứng thường gặp khi mắc Omicron BA.2.12.1 - biến thể phụ mới đã xuất hiện ở Việt Nam
SKĐS - Triệu chứng ban đầu khi mắc BA.2.12.1 thường là ngứa họng hoặc viêm họng, hắt hơi, sổ mũi. Những triệu chứng này có thể nhẹ hoặc tiến triển thành các triệu chứng COVID điển hình hơn.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Uống nước ép trái cây có thực sự tốt như nhiều người nghĩ- I SKĐS