Với phụ nữ hiện đại, kem chống nắng chắc chắn luôn là người bạn đồng hành dù bạn đi làm hay ở nhà. Loại kem này còn được vô số chị em tôn vinh với 3 cụm từ mỹ miều: "kem chống già", "kem chống nhăn", "kem chống xấu".
Thế nhưng, lựa chọn được một loại kem chống nắng phù hợp cho làn da của mình chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vậy nên không thiếu người sành sỏi về skincare nhận định, lựa chọn kem chống nắng luôn khiến họ phải đau đầu, mất nhiều thời gian và công sức nhất.
Kem chống nắng được chia làm 2 loại: kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. Chỉ riêng việc phân biệt như thế nào, lựa chọn ra sao cũng đã khiến chúng ta không khỏi mệt mỏi.
Hôm nay, BSCKI Đỗ Tuấn Anh (khu điều trị Laser, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) sẽ chia sẻ cho chị em phụ nữ tất cả những kiến thức này về kem chống nắng, để có thể chọn đúng sản phẩm là chân ái với làn da của mình.
PV: Ngoài thị trường hiện nay có rất nhiều các loại kem chống nắng. Có loại được giới thiệu là kem chống nắng vật lý, có loại là kem chống nắng hóa học. Xin bác sĩ chia sẻ về cách hoạt động của 2 loại này để chị em nắm rõ?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Về cách hoạt động, kem chống nắng vật lý bảo vệ da khỏi tia UV bằng cách tạo lớp chắn trên bề mặt da rồi khuếch tán và phản xạ lại tia UV, không cho chúng xuyên thấu vào da.
Trong khi đó, kem chống nắng hóa học bảo vệ da khỏi tia UV bằng cách hấp thụ các tia này, xử lý và phân hủy trước khi chúng có thể làm hại làn da của bạn.
PV: Tên gọi, thành phần của kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học cụ thể như thế nào? Xin BS chia sẻ để chị em có thể phân biệt?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Về tên gọi, kem chống nắng vật lý là Sunblock, Sunscreen (Inorganic). Còn kem chống hóa học là Suncreen (Organic).
Về thành phần chống nắng, trong kem chống nắng vật lý thường có những thành phần được đề trên bao bì như sau:
- Titanium dioxide (TiO2).
- Zinc oxide (ZnO).
Trong khi đó, trên bảng thành phần của kem chống nắng hóa học thường ghi:
- Octylcrylene.
- Avobenzone.
- Octinoxate.
- Octisalate.
- Oxybenzone.
- Homosalate.
- Helioplex.
- 4-MBC.
- Mexoryl SX and XL.
- Tinisorb S and M.
- Uvinul T 150.
- Uvinul A Plus.
PV: Về độ bền với ánh sáng của kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học thì sao thưa chuyên gia?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Với kem chống nắng vật lý, độ bền với ánh sáng được đánh giá tốt. Riêng kem chống nắng hóa học, hầu hết là bền. Riêng thành phần Avobenzone thì không bền nếu không được kết hợp với các thành phần chống nắng khác. Đây là điều chị em cần hết sức chú ý khi lựa chọn kem chống nắng phù hợp cho làn da của mình.
PV: Về khả năng kích ứng thì sao thưa bác sĩ? Liệu loại kem chống nắng vật lý hay kem chống nắng hóa học thì hay gây kích ứng da hơn?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Mỗi loại kem chống nắng đều có thể gây kích ứng da tùy thuộc vào sản phẩm đó có chứa thành phần gì. Với kem chống nắng vật lý, Titanium dioxide có thể sẽ là vấn đề đối với những người có da dễ bị kích ứng khi sử dụng các sản phẩm trang điểm chứa khoáng chất. Những người bị kích ứng khi dùng kem chống nắng vật lý thì Titanium dioxide chính là thủ phạm. Còn kem chống nắng vật lý có chứa Zinc oxide thì an toàn cho da nhạy cảm.
Với kem chống nắng hóa học, có thể nói, thành phần trong loại kem này dễ gây kích ứng da, một vài chất có thể gây biểu hiện dị ứng. Trừ 2 thành phần Oxybenzone và Mexoryl là 2 thành phần an toàn đã được chứng nhận.
PV: Vậy khả năng bảo vệ của 2 loại kem chống nắng này thì sao, xin bác sĩ chia sẻ?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Ở dòng kem chống nắng vật lý, Titanium dioxide bảo vệ da khỏi tia UVB nhưng không được hoàn toàn độ quang phổ của tia UVA. Trong khi đó, Zinc dioxide thì bảo vệ da được hoàn toàn bởi độ quang phổ của tia UVA và UVB. Đặc biệt, với kem chống nắng vật lý, khả năng bảo vệ được kích hoạt ngay khi bôi lên da.
Ở dòng kem chống nắng hóa học, các hoạt chất chống nắng có độ che phủ bảo vệ cao hơn so với kem chống nắng vật lý. Mặc dù vậy, khoảng bảo vệ phụ thuộc vào độ hoạt động và ổn định của thành phần chống nắng. Ngoài ra, bạn phải đợi khoảng 20 phút sau khi bôi lên da thì kem chống nắng mới có tác dụng.
PV: Về kết cấu của kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học thì thế nào thưa bác sĩ?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Với kem chống nắng vật lý, kết cấu của kem đặc, màu đục, hơi khó tán, thường để lại vệt trắng, dễ bị bong ra khi chà sát nên phải bôi lại thường xuyên.
Với kem chống nắng hóa học, kết cấu thường ở dạng lỏng, không màu, không mùi. Nó có thể được sử dụng để làm kem lót trang điểm luôn.
PV: Về độ an toàn của 2 loại kem chống nắng này thì sao? Xin chuyên gia đưa ra những chia sẻ để chị em tham khảo thêm?
BSCKI Đỗ Tuấn Anh: Với kem chống nắng vật lý thì khá an toàn. Nó không tạo nên các gốc tự do (chất oxy hóa gây tổn hại tế bào). Mặc dù vậy, tác dụng của Titanium dioxide (TiO2) hiện vẫn còn đang gây tranh cãi.
Với kem chống nắng hóa học, nhìn chung được đánh giá an toàn. Tuy nhiên, một số thành phần chống nắng có thể tạo nên các gốc tự do, gây tổn thương, kích ứng da và lão hóa da.
Nói chung, kem chống nắng vật lý hay kem chống nắng hóa học đều có những ưu điểm - nhược điểm riêng. Chị em nên hiểu rõ tình trạng làn da, hoàn cảnh thực tế của mình để lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất giúp nâng cao hiệu quả phòng chống lão hóa. Bạn cũng có thể tìm đến những bác sĩ da liễu, dược sĩ, chuyên gia da liễu... để được tư vấn và lựa chọn loại kem chống nắng tốt nhất cho mình.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ đã dành thời gian chia sẻ!
https://afamily.vn/chon-kem-chong-nang-vat-ly-hay-hoa-hoc-8-dieu-can-nho-giup-ban-chon-dung-loai-da-minh-dang-thuc-su-can-20220701154002185.chn