- Cân bằng cholesterol giúp bạn có sức khỏe tốt và hạn chế nhiều bệnh mãn tính. Hãy thực hiện thói quen sinh hoạt lành mạnh để giảm mức cholesterol xấu nhé.
Cân bằng cholesterol: Tập thể dục thường xuyên
Cân bằng cholesterol là yếu tố quan trọng đảm bảo bạn có một cơ thể khỏe mạnh, ít bệnh tật. Nghiên cứu cho thấy: Vận động thể chất hợp lý thực sự có tác dụng giảm cholesterol xấu (viết tắt là LDL), tăng cường mức cholesterol có lợi (viết tắt là HDL).
Không nóng vội
Lúc mới bắt đầu chế độ tập thể dục, bạn nên hoạt động nhẹ khoảng 15 đến 20 phút, tối đa 30 phút để cơ thể dần thích nghi cường độ, hoặc kiểm tra xem bạn phù hợp với môn tập nào nhất. Bơi lội hay đi bộ chậm rãi là lựa chọn lý tưởng để khởi đầu.
Kiên trì điều độ
Tập luyện cũng cần đều đặn để phát huy hiệu quả tốt nhất. Nếu bạn quá bận rộn, hãy cố gắng dành 30 phút mỗi ngày để vận động. Thực hiện liên tục 5 ngày và có thể thư giãn với 2 ngày cuối tuần.
Cường độ hợp lý
Cường độ luyện tập thích hợp nên đảm bảo bạn có thể nói chuyện mà không bị hụt hơi quá mức khi vận động. Mức độ tham khảo này giúp bạn rèn luyện thân thể dẻo dai đúng với thể trạng mà không bị quá sức.
Cân bằng cholesterol: Thiết lập chế độ ăn uống khoa học
Những gì bạn ăn vào vào được cơ thể hấp thu luôn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giảm cholesterol. Vì vậy, bạn cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động nhưng không tích tụ mỡ thừa, làm tăng cholesterol và các bệnh mãn tính.
Ưu tiên chất béo lành mạnh
Hãy giảm bớt các thực phẩm nhiều chất béo bão hòa như thịt heo, thịt bò, thức ăn nhanh… Tăng cường lượng chất béo không bão hòa tốt cho cơ thể như thịt gà không da, cá, các loại đậu và hạt.
Đặc biệt Omega-3 trong cá ngừ, cá hồi, hạt chia, hạt lanh, mè, quả bơ, hạt óc chó… là chất béo rất tốt cho sức khỏe của bạn. Omega-3 giúp cân bằng cholesterol với cơ chế tăng mức HDL và giảm LDL một cách tự nhiên.
Bổ sung đủ chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc, các loại đậu và rau xanh không những giảm táo bón, thúc đẩy tiêu hóa mà còn ngăn ngừa hấp thu nhiều cholesterol.
Không thể thiếu trái cây tươi trong bữa ăn
Rau củ quả tươi sạch luôn là lựa chọn lành mạnh cho chế độ ăn uống khoa học. Với hàm lượng vitamin và khoáng chất phong phú cùng với chất xơ dồi dào, nguồn thực phẩm này giúp giảm cholesterol, tăng đề kháng và làm chậm lão hóa.
Kiểm soát lượng đường và muối
Hạn chế thực phẩm ngọt đóng gói sẵn và không nên hấp thu quá nhiều muối. Người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên ăn muối khoảng một thìa cà phê mỗi ngày để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu cao…
Cân bằng cholesterol: Kịp thời phát hiện và điều trị tích cực một số bệnh liên quan
Nghiên cứu cho thấy, người bị béo phì, tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, tuyến giáp hay căng thẳng mãn tính cũng có nguy cơ mắc chứng cholesterol tăng cao.
Vì vậy, ngoài vấn đề điều trị sớm, bạn cũng nên đảm bảo giấc ngủ và học cách giải tỏa áp lực để phòng ngừa bệnh tật. Cai thuốc lá cũng là yếu tố cần thiết cho bạn xây dựng nền tảng sức khỏe tốt.
Cân bằng cholesterol: Gặp bác sĩ khi cần thiết
Nếu tình trạng tăng cholesterol của bạn nghiêm trọng và không thể cải thiện tại nhà, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra chi tiết hơn, và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Ngay cả khi bệnh đã được khắc phục, bạn vẫn cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn để phòng bệnh tái phát.
Hy vọng bài viết sẽ cung cấp thêm thông tin giúp bạn cân bằng cholesterol hiệu quả, đem lại một cuộc sống chất lượng và khỏe mạnh.
Thiên Khuê ( Theo Health )