- Ăn sáng với ngũ cốc là lựa chọn của nhiều người vì sự tiện lợi và giàu dinh dưỡng. Vậy người bị tiểu đường có thể dùng ngũ cốc trong bữa sáng?
Người bị tiểu đường có thể ăn sáng với ngũ cốc không?
Ăn sáng với ngũ cốc là một giải pháp thích hợp cho người bận rộn, hạn chế tình trạng bỏ bữa sáng. Tầm quan trọng của bữa sáng lành mạnh giúp thúc đẩy trao đổi chất, cung cấp năng lượng và ổn định đường huyết.
Vậy người bị tiểu đường ăn ngũ cốc được không? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngũ cốc đích thực là một lựa chọn phù hợp cho bữa sáng đủ chất và an toàn với người bị tiểu đường. Tuy nhiên, bạn cần chọn loại ngũ cốc thân thiện với sức khỏe.
Vì sao bữa ăn sáng lại quan trọng với người bị tiểu đường?
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chứng minh rằng: Khi bạn bắt đầu ngày mới với bữa ăn khoa học (giàu protein, ít chất béo, ít carb…), lượng đường trong máu sẽ càng được duy trì ở mức ổn định, người mắc bệnh tiểu đường cũng kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Ngoài ra, lượng đường huyết của người bệnh cũng có xu hướng tăng cao vào buổi sáng. Nó khiến bạn muốn ăn nhiều hơn, tiêu thụ nhiều carb. Hệ quả là sau khi ăn sáng, lượng đường trong máu càng tăng.
Có thể thấy, lựa chọn thực phẩm cho bữa sáng có vai trò quan trọng giúp bạn kiểm soát thể trọng và hạn chế nguy cơ khiến bệnh tiểu đường nghiêm trọng hơn.Khi mua ngũ cốc, bạn nên chọn sản phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp.
Bí quyết dùng ngũ cốc cho bữa sáng của người bị tiểu đường
Chọn loại ngũ cốc phù hợp
Nhiều loại ngũ cốc chế biến sẵn trên thị trường có chứa lượng đường và carb khá cao, nhiều calo và thậm chí còn có chất bảo quản. Những loại này không nên dùng trong bữa sáng của người bị tiểu đường.
Lựa chọn lý tưởng là các loại ngũ cốc nguyên hạt. Chúng cung cấp nhiều chất xơ và cũng giàu protein bởi các loại hạt được mix với nhau. Chú ý mỗi phần ăn với ngũ cốc cũng không nên quá 6g đường và ít nhất phải tiêu thụ 3g chất xơ.
Ăn ngũ cốc lúc nào thì tốt?
Người bị tiểu đường nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt vào sáng sớm trước khi tiến hành các bài tập thể chất. Ăn sáng với ngũ cốc giúp bổ sung một phần năng lượng cần thiết, đồng thời vận động cơ thể cũng giúp chuyển hóa glucose tốt hơn.
Ăn sáng với ngũ cốc đúng cách
Ngũ cốc là lựa chọn thích hợp để thêm vào bữa sáng lành mạnh, giúp tăng cường vitamin và khoáng chất, đáp ứng nhu cầu cơ thể mà không ảnh hưởng đến bệnh trạng của bạn.
Ngũ cốc nóng được pha từ bột yến mạch hoặc hỗn hợp các loại ngũ cốc nguyên hạt, kết hợp trái cây tươi sẽ giúp bạn có món ăn sáng ngon miệng, có thể thay đổi khẩu vị, bổ sung dưỡng chất đa dạng và ổn định đường huyết.
Với người bị tiểu đường, lượng ngũ cốc sử dụng trong mỗi khẩu phần ăn rất quan trọng. Vì vậy, bạn nên đảm bảo dùng cốc đo lường để kiểm soát số lượng phù hợp.
Hạn chế thêm nhiều trái cây sấy khô, đường hoặc các chất tạo ngọt vào món ngũ cốc. Tuy nhiên, sữa hạnh nhân không đường hoặc sữa chua Hy Lạp lại rất tốt khi ăn với ngũ cốc.
Đọc kỹ thành phần của sản phẩm để chắc chắn rằng bạn chọn mua đúng ngũ cốc nguyên hạt. Đa số loại thực phẩm này sẽ có ghi thành phần như lúa mạch, hạt kê, gạo lứt, lúa mì, ngô nguyên hạt, yến mạch, kiều mạch…
Tóm lại, khi bạn chọn ngũ cốc có chỉ số GI thấp sẽ đem đến một bữa sáng giàu dinh dưỡng nhưng không quá nhiều calo, carb và đường. Nó giúp bạn ăn uống ngon miệng, duy trì cân nặng thích hợp và ổn định đường huyết.
Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có lựa chọn sáng suốt khi quyết định ăn sáng với ngũ cốc , đem lại những món ngon bổ dưỡng mà không ảnh hưởng hiệu quả điều trị bệnh.
Thiên Khuê ( Theo Health )