Sẽ áp dụng AI trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

VietnamPlus 02/10/2022 15:10:02
Sẽ áp dụng AI trong quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử-1

9/10 người tiêu dùng cho biết đã mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn trong 3 năm qua. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Sự phát triển nhanh chóng và bùng nổ của nhiều hình thức kinh doanh mới trong lĩnh vực thương mại điện tử đã đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có ngành thuế.

Để quản lý thuế hiệu quả đối với loại hình kinh doanh này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết cơ quan thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý rủi ro đối với thương mại điện tử, trong đó sẽ áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) trong việc xử lý dữ liệu.

Thiếu dữ liệu kiểm soát dòng tiền

Nghiên cứu mới nhất của 'What’s Next in E-Commerce' được ủy quyền bởi FedEx Express chỉ ra Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mức độ lạc quan đối với thương mại điện tử. Cụ thể, 94% các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết thương mại điện tử dần đóng vai trò quan trọng hơn đối với mức độ tăng trưởng kinh doanh của họ trong 3 năm tới.

Thêm vào đó, 9/10 người tiêu dùng cho biết đã mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn trong 3 năm qua và 87% cho rằng hình thức này sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của họ trong 3 năm tới.

[Nhiều cơ hội về thương mại điện tử cho doanh nghiệp SME sau đại dịch]

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.

Báo cáo nhận định xu hướng phát triển thương mại điện tử sẽ có sự chuyển dịch doanh thu từ các giao dịch giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng, sang các giao dịch giữa các cá nhân với nhau. Song, sự phát triển này cũng đặt ra những thách thức mới trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế.

Ông Minh cho biết việc xác định được căn cứ tính thuế gặp nhiều khó khăn, như phân biệt rõ các loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, đối tượng thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch hoặc cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch, nhiều trang mạng xã hội.

“Thêm vào đó, việc kiểm soát dòng tiền trong hoạt động thương mại điện tử cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến hơn các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt,” ông Minh chỉ ra.

Tối ưu hóa ứng dụng công nghệ

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, như hướng dẫn nhà cung cấp nước ngoài lớn, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế. Ông Minh cho biết Tổng cục Thuế đang tích cực tham gia đàm phán xây dựng nội dung Hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ kinh tế số.

Cùng với đó, ngành thuế cũng đang hoàn thiện quy định pháp luật về thuế để tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử trong việc khai thuế, nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn.

Đặc biệt, ông Minh nhấn mạnh công tác quản lý thuế sẽ tiếp tục được hiện đại hóa, cụ thể là nâng cấp hạ tầng công nghệ kết nối, lưu trữ thông tin từ đó hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài, sàn thương mại điện tử...).

Trước đó, ngày 21/3, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Ông Minh chia sẻ tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan thuế ghi nhận có 36 nhà cung cấp nước ngoài kê khai thuế (trong đó có các tập đoàn lớn như Apple, Meta, Google, Facebook, Microsoft, TikTok và Netflix…). Theo đó, con số tạm thu nộp thay thuế cho các cá nhân đối tác (từ ngày 21/3 đến nay) của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đạt gần 500 tỷ đồng. Tổng số thuế thu qua Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng xấp xỉ đạt 1.000 tỷ đồng.

Ông Minh cho biết trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ áp dụng trí tuệ nhận tạo để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý thuế theo rủi ro đối với hoạt động thương mại điện tử.

Hiện ngành thuế đã xây dựng chương trình làm việc với Bộ Công an đề xuất phối hợp kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế. Cụ thể, Cục An ninh mạng đã thực hiện trao đổi thông tin về các cá nhân thu nhập từ quảng cáo do cung cấp sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số trên nền tảng chia sẻ video xuyên biên giới như Facebook , Youtube , Tiktok và các cá nhân có hoạt động kinh doanh mua, bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên các website thương mại điện tử, mạng xã hội... phục vụ công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, cơ quan thuế đang xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước (cơ quan quản lý về thanh toán, phương tiện thanh toán) để triển khai các quy định về phối hợp cung cấp thông tin giữa hai cơ quan đã được quy định trong Luật Quản lý Thuế.

“Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại kết nối, cung cấp thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân trong nước. Tính đến ngày 3/5, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc nâng cấp ứng dụng tiếp nhận thông tin số hiệu tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân từ 91 ngân hàng trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài,” ông Minh cho biết./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nối

Khác

Xem tiếp đi