Quá tải bệnh viện, nhiều năm vẫn là vấn đề cấp bách

Lao Động 02/10/2022 11:20:51
Quá tải bệnh viện, nhiều năm vẫn là vấn đề cấp bách-1

Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Thiều Trang

Cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề quá tải bệnh viện

Hai bệnh viện tuyến cuối là Bạch Mai và Việt Đức thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, đặc biệt sau dịch COVID-19 số lượng bệnh nhân tăng cao. Mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai khám cho 6.000 - 9.000 bệnh nhân ngoại trú, số bệnh nhân nội trú vượt công suất tại nhiều khoa phòng. Bệnh viện Việt Đức và nhiều cơ sở y tế khác cũng trong tình trạng tương tự.

Thực tế cho thấy, tình trạng dịch chồng dịch, gây nên quá tải bệnh viện đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Một trong những nguyên nhân phải kể đến là các bệnh viện trung ương đã và đang phải “gánh” cả phần việc y tế tuyến dưới.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho hay, các cơ sở y tế tuyến huyện và tuyến xã được xây dựng để khám chữa các bệnh thông thường, tuyến tỉnh tập trung chữa các bệnh nặng và tuyến trung ương tập trung điều trị các bệnh hiểm nghèo.

"Đáng lẽ tuyến trung ương về lý thuyết chỉ điều trị các bệnh hiểm nghèo, nhưng bây giờ vì cho thông tuyến nên ngay cả các bệnh đáng lẽ điều trị ở tuyến huyện đến xã giống như mô hình tháp, số lượng người cần chữa bệnh thông thường rất nhiều nhưng rồi lại đẩy hết lên tuyến trên, Vì vậy tuyến trên đáng lẽ chỉ điều trị các bệnh hiểm nghèo với số lượng ít thì bây giờ lại phải gánh cả phần của các tuyến tỉnh, huyện đến xã"- vị chuyên gia phân tích.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế - cũng cho rằng: Trong bối cảnh dịch chồng dịch, các bệnh viện tuyến trên gặp áp lực rất lớn, quá tải bệnh viện là khó tránh khỏi. Để giảm tải thì bắt buộc phải có sự phân tuyến rõ ràng tại các cơ sở y tế, nếu bệnh nhẹ thì các cơ sở y tế tuyến dưới có thể đảm đương được. Phải tuyên truyền để tránh người dân đổ dồn lên cơ sở y tế tuyến trên.

Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương và các tỉnh lân cận đang rất lớn

Trong khi hầu hết các cơ sở y tế tuyến trên, hoặc cơ sở y tế tại các thành phố lớn đều rơi vào tình trạng quá tải, thì dư luận lại nóng khi Đoàn giám sát của Quốc hội báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm-chống lãng phí, có nêu tên cả 2 cơ sở của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức bị bỏ hoang gần 8 năm qua tại Hà Nam. Trong báo cáo cũng có yêu cầu: "Chậm nhất 6 tháng đầu năm 2023, phải đưa các bệnh viện, cơ sở y tế đã hoàn thành vào khai thác sử dụng”.

Qua giám sát của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” đối với Bộ Y tế cho thấy, tổng số nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của bộ này là hơn 29.500 tỉ đồng. Vốn đầu tư của 2 dự án gồm: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 bằng 1/3 (hơn 9.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, cả 2 cơ sở này dù được khánh thành, nhưng đến giờ vẫn bỏ không. Một sự lãng phí quá lớn nhiều mặt.

GS-TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội, Thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội - cho rằng: Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân địa phương và các tỉnh lân cận đang rất lớn, rất áp lực đối với các bệnh viện, nhưng bệnh viện không được đưa vào sử dụng, cử tri phản ánh rất mạnh mẽ về vấn đề này. Cần có giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ, sớm đưa 2 bệnh viện vào sử dụng.

"Đẩy mạnh vấn đề xây dựng, để hoàn thiện bệnh viện, phải tháo gỡ được vướng mắc về vấn đề xây dựng, như giải quyết những bất cập nảy sinh trong công tác đấu thầu mua sắm, thì phải làm cho được. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là phải củng cố đội ngũ làm Ban quản lý dự án, chuẩn bị ngay đội ngũ tiếp quản bệnh viện để đưa vào sử dụng"- GS Trí nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng khẳng định việc giám sát của Quốc hội về thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, cụ thể là đề cập đến 2 dự án bệnh viện đang bỏ hoang, đã rất có giá trị. Ngay sau cuộc giám sát, đã có những chuyển biến rất tích cực, Thủ tướng Chính phủ đã đích thân thị sát, chỉ đạo giải quyết từng vấn đề một. "Chúng tôi rất chờ đợi vào kết quả sau các chỉ đạo của Thủ tướng"- ông nói.

2 bệnh viện bỏ hoang không còn đủ điều kiện bố trí ngân sách

Liên quan đến 2 dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, phía Bộ Tài chính cho biết, 2 dự án xây bệnh viện lớn ở Hà Nam đã không còn đủ điều kiện bố trí vốn ngân sách do phải kéo dài thời gian thực hiện.

Chiều ngày 29.9, trả lời câu hỏi của PV Báo Lao Động liên quan đến việc giải ngân ngân sách nhà nước cho 2 dự án xây cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam, đại diện Bộ Tài chính cho hay các dự án này đang gặp những vướng mắc và việc giải ngân đang bị dừng lại.

Bà Mai Thị Thùy Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) nói: "Đến hết năm 2020, hai dự án giải ngân được 5% trên tổng mức đầu tư (mỗi dự án khoảng 4.900 tỉ đồng). Năm 2022, hai dự án không đủ điều kiện bố trí vốn do phải kéo dài thời gian thực hiện, mà theo quy định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh. Sau khi Thủ tướng đồng ý mới bố trí vốn tiếp để giải ngân".

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo bộ này sẽ tham gia một tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì rà soát lại toàn bộ cơ chế liên quan đến những vướng mắc hợp đồng của 2 dự án, báo cáo lại Thủ tướng Chính phủ chậm nhất sau 2 tháng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dự án đầu tư mới cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỉ đồng. Cơ sở 2 của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có quy mô 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỉ đồng. Thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017. Đến năm 2018, một số hạng mục của cả hai dự án đã hoàn thành, trong đó có khu khám bệnh. Tuy nhiên, sau đó cả hai dự án đều tạm dừng xây dựng, do đội dự toán nên không thanh-quyết toán được những hạng mục đã hoàn thành.

Việc đầu tư hai Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam đã chậm tiến độ nhiều năm, lại đội vốn, là do những yếu kém khi lập dự án, tư vấn, thẩm định dự án, quyết định đầu tư, chọn nhà thầu, đấu giá và tổ chức thực hiện. Hơn nữa, khi dự án xuất hiện các vướng mắc lại không được giải quyết ngay, càng để kéo dài càng gây lãng phí, càng khó giải quyết.

Quá tải bệnh viện, nhiều năm vẫn là vấn đề cấp bách

Thời điểm năm 2014, vấn đề giảm quá tải của các bệnh viện tuyến trên trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Khi đó cảnh bệnh nhân nằm ghép 3-4 người một giường, thậm chí nằm dưới gầm giường khiến người dân bức xúc. Bởi thế, tháng 1.2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối đặt tại TPHCM", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức.

Tháng 12.2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 bệnh viện tuyến trung ương này. Thời gian thực hiện cả hai bệnh viện là từ năm 2014 đến năm 2017. Dự án do Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm, Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Cả 2 bệnh viện đều có hình thức thực hiện đấu thầu hợp đồng hỗn hợp thiết kế - xây lắp. Tuy nhiên, đến nay, bệnh viện xây xong lại bị bỏ hoang còn tình trạng quá tải bệnh viện vẫn "giậm chân tại chỗ".

Nối

Khác

Xem tiếp đi