Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội

Petrotimes 02/10/2022 16:06:24

1. Habico Tower

Dự án Habico Tower thực hiện từ năm 2008, xây dựng trên khu đất hơn 4.490m2 bên đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Chủ đầu tư là công ty cổ phần Hải Bình. Công trình có vốn đầu tư khủng, khoảng 220 triệu USD (hơn 5 nghìn tỷ đồng).

Thời điểm thi công, chủ đầu tư từng công bố giá căn hộ tại Habico Tower thấp nhất 21 tỷ đồng và cao nhất là 85 tỷ đồng, kỷ lục xây dựng chỉ trong 7 ngày hoàn thành mặt bằng tầng 1.

Tháng 5/2011, khi nhà thầu dự án tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy dẫn đến việc ngừng thi công.

Tại thời điểm đó, chủ đầu tư và đối tác là Công ty Dong Ri Won (Hàn Quốc) đã có những mâu thuẫn trong quá trình thực hiện dự án. Sau đó, Dong Ri Won gần như rút hẳn về nước, dự án cũng theo đó dừng thi công vô thời hạn.

Hải Bình là công ty thiết bị xăng dầu, không có nhiều tiềm lực tài chính để tiếp tục dự án. Vì thế, từ đó tới nay, Habico Tower vẫn là khối bê tông bỏ hoang, dự báo sẽ còn bất động vô thời hạn.

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-1

Habico Tower có hai tòa tháp với chiều cao 180m, 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. Dự án có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-2

Dự án đã hoàn thành phần thô

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-3

Habico Tower rào kín, bỏ hoang nhiều năm

2. Tokyo Tower (Landmark 51)

Tokyo Tower (trước đây là chung cư Vinafor hay Landmark 51) được khởi công từ tháng 4/2015 tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Dự án gồm tòa nhà hỗn hợp đa năng cao 51 tầng nổi trên lô đất có tổng diện tích gần 4600m2, tổng diện tích sàn là 103.104m2 và 688 căn hộ.

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-4

Tokyo Tower (trước đây là chung cư Vinafor hay Landmark 51)

Dự án do Công ty cổ phần Xây dựng Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Thương mại Hoàng Vương là đơn vị phân phối dự án, Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PvcomBank) là đơn vị bảo lãnh.

Tháng 10/2018, PVcomBank cho biết, Công ty cổ phần thương mại Hoàng Vương đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký trước đó nên ngân hàng thực hiện xử lý thu giữ tài sản đảm bảo là dự án Tokyo Tower hay còn gọi là tòa nhà Landmark 51 để xử lý thu hồi nợ xấu. Từ đó đến nay, toà nhà vẫn bỏ hoang và được tận dụng làm bãi gửi xe.

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-5

Tokyo Tower toạ lạc tại địa điểm đông cư dân

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-6

Dự án đã hoàn thiện phần khung nhưng bỏ hoang đến giờ

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-7

Tầng 1 và sân dự án được tận dụng làm bãi gửi xe

3. Vicem Tower

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem Tower, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội do Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu 1.482 tỷ đồng. Sau hai lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án Vicem Tower tăng lên 2.743 tỷ đồng.

Dự án được xây dựng trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, tầng hầm sức chứa 200 chỗ đỗ xe.

Công trình khởi công vào tháng 5/2011, được chủ đầu tư tuyên bố sẽ hoàn thành vào năm 2014. Tuy nhiên, khi xây dựng xong phần thô, chủ dự án đã lùi thời hạn hoàn thành sang năm 2017.

Tháng 2/2019, Vicem đã có công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị thay đổi phương án sắp xếp, xử lý lô đất trên thành “chuyển nhượng toàn bộ dự án”.

Bộ Xây dựng đã đồng ý về chủ trương sau khi có ý kiến đồng thuận của Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, Vicem chưa hoàn thành thủ tục, nội dung điều chỉnh Phương án trình phê duyệt. Đến nay, dự án Vicem Tower vẫn không có dấu hiệu thi công, nằm bất động.

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-8

Dự án nằm tại vị trí đắc địa với 3 mặt tiền

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-9

Vicem Tower đã hoàn tất thi công phần khung

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-10

Công trình trị giá nghìn tỷ bị bỏ hoang nhiều năm

4. Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ

Dự án Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ được cấp phép xây dựng vào năm 1997, do Tập đoàn Keystone Invest làm chủ đầu tư với tổng số vốn 50 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng). Bệnh viện được xây dựng tại số 9 phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, mặt trước là công viên Nghĩa Đô, xung quanh là khu dân cư tấp nập. Tổng diện tích sàn xây dựng là 27.000m2, quy mô 300 giường.

Dự án được kỳ vọng khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện ở Hà Nội. Đồng thời, cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh tiêu chuẩn 5 sao cho người dân thành phố và chuyên điều trị các bệnh hiểm nghèo như ung thư máu, não; bệnh tim mạch.

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-11

Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ sừng sững trên khu “đất vàng” Hà Nội

Năm 1997, Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ Hà Nội được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư số 181/GP ngày 20/1/1997.

Năm 2001, UBND Thành phố Hà Nội đã ra quyết định thu hồi 9.998m2 đất tại Nghĩa Tân, Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) và cho phép bệnh viện thuê 8.540m2, quản lý 1.458m2 trong thời hạn 40 năm.

Do vướng khâu giải phóng mặt bằng, năm 2006 dự án mới được khởi công xây dựng. Ngày 27/7/2007, công trình bắt đầu thi công hạng mục cọc khoan nhồi và ép cọc. Đến ngày 1/9/2010 đã thi công xong phần kết cấu thô thân.

Năm 2011, phần lắp đặt cơ điện bị gián đoạn, do nhà thầu cung cấp hệ thống điều hòa không đảm bảo chất lượng so với hợp đồng nên công trình không thể hoàn thiện.

Năm 2012 đến nay, bệnh viện “triệu đô” đã cơ bản hoàn thành khối nhà nhưng đã dừng hoàn toàn việc xây dựng.

Những cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa “đất vàng” Hà Nội-12

Sau nhiều năm đắp chiếu, dự án có dấu hiệu xuống cấp

Những tòa cao ốc nghìn tỷ bỏ hoang giữa lòng Hà Nội không chỉ tiêu tốn tiền bạc mà còn lãng phí tài nguyên đất. Đằng sau những lời hứa hẹn, cam kết của chủ đầu tư về dự án tầm cỡ, quy mô lớn lại là những cao ốc lạnh lẽo, bỏ hoang nhiều năm. Hiện nay, thủ đô vẫn còn tồn tại nhiều dự án hoang như vậy cần có biện pháp xử lý triệt để.

Minh Đức

Nối

Khác

Xem tiếp đi