Năm 2023 điện miền Bắc có thể thiếu đến 2900 MW

Thời Đại 30/11/2022 09:37:40

Dự kiến tổng sản lượng điện sản xuất và mua năm 2023 đạt khoảng 289.9 tỷ kWh (con số thực có thể thay đổi), tăng 7.33 % so với năm 2022. Nguyên nhân khó khăn chủ yếu do lượng công suất nguồn điện ở miền Bắc được bổ sung hàng năm không theo kịp với tăng trưởng phụ tải đỉnh.

Bên cạnh đó, khả năng thiếu nhiên liệu đầu vào của các nhà máy nhiệt điện than, suy giảm công suất của các nhà máy thủy điện do mực nước cuối mùa khô thấp, các nhà máy thủy điện nhỏ không đủ nước để huy động trong suốt thời gian phụ tải tăng cao cũng là một trong các nguyên nhân gây suy giảm công suất dự phòng.

Trong trường hợp nắng nóng đến sớm miền Bắc và gặp các rủi ro trong đầu tư xây dựng, vận hành HTĐ thìthực tế có thể khó khăn hơn nữa. Với các giả thiết nêu trên, miền Bắc sẽ đối mặt tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 8/2023 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên đến 2900MW.

Từ khó khăn…

Theo A0, trong khoảng thời gian cuối năm 2022 và năm 2023 việc vận hành các nguồn điện sẽ tiếp tục đối mặt với các khó khăn là: Giá nhiên liệu tiếp tục leo thang dẫn đến việc cung cấp than để sản xuất điện của các nhà máy điện (NMĐ) bị ảnh hưởng. Giá than nhập khẩu đã tăng từ 80 USD/tấn lên xấp xỉ 350 - 400 USD/tấn trong các tháng đầu năm 2022 và chưa có dấu hiệu giảm.

Năm 2023 điện miền Bắc có thể thiếu đến 2900 MW-1

EVN đã triển khai nhiều giải pháp để đối phó nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc vào năm 2023

Do tình hình thế giới biến động, việc cung cấp than cho phát điện gặp nhiều khó khăn, một số nhà máy điện không đủ than để vận hành đã gây ảnh hưởng đến công tác đảm bảo cung cấp điện. Để bù đắp, EVN sẽ phải mua từ các NMĐ có chi phí cao hơn. Thực tế chi phí sản xuất điện tăng do ảnh hưởng của giá nhiên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng cao đã gây áp lực rất lớn về cân đối tài chính cho EVN.

Mặt khác, tình hình thủy văn có diễn biến không khả quan so với các tháng đầu năm. Các thủy điện lớn trên dòng sông Đà đang có nước về giảm nhanh. Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15 - 20%.

Với điện khí thì các mỏ khí cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ đến thời kỳ suy giảm mạnh. Như các năm trước đây, khí cấp cho cả 2 khu vực Đông Nam Bộ/Tây Nam Bộ lần lượt là 20.5/5 triệu m3/ngày thì nay chỉ còn 12/3.5 triệu m3/ngày, đạt ước chỉ 60 - 70% so với trước đây.

Do các nguồn cung cấp khí đang bước vào giai đoạn suy giảm, các nhà máy điện tuabin khí không đủ để chạy tối đa tất cả các tổ máy nên thường chỉ tập trung phát vào các khung giờ cao điểm của hệ thống.

Bên cạnh đó, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa đông năm 2023 dự kiến sẽ ít lạnh hơn các năm trước và sẽ lạnh theo từng đợt ngắn chứ không lạnh kéo dài. Các tỉnh miền Bắc của Việt Nam sẽ có nhiệt độ trung bình cao hơn từ 1⁰C - 1.5⁰C so với trung bình giai đoạn 1980 - 2009. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình ở khu vực Bắc Trung Bộ sẽ cao hơn 0.5⁰C - 1⁰C. Nhiệt độ các tỉnh phía Nam vẫn không đổi so mới mọi năm. Do vậy nhiều khả năng HTĐ có thể sẽ phải đối diện với một mùa hè nắng nóng cực đoan khi nền nhiệt được dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm (hiệu suất sử dụng các thiết bị điện giảm đi do nhiệt độ cao và nhu cầu sử dụng điện tăng cao).

Trong các khoảng thời gian nắng nóng kéo dài, các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc thường có nguy cơ bị suy giảm công suất do nhiệt độ nước làm mát tăng cao gây suy giảm công suất khả dụng cho hệ thống điện miền Bắc.

Đến ứng phó

Trước thực trạng trên, đại diện A0 cho biết EVN đã chuẩn bị một số các giải pháp như sau: Trước hết về Quản lý nhu cầu điện: Tập trung tuyên truyền tiết kiệm điện sâu rộng trong khách hàng, khuyến khích sử dụng các thiết bị điện hiệu suất tốt, sử dụng điện hiệu quả vào các thời gian thấp điểm; Đàm phán với các khách hàng lớn để điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện vào giờ thấp điểm, sử dụng nguồn điện sẵn có...

Tiếp theo là về công tác đảm bảo cung cấp điện: EVN sẽ giữ mực nước các hồ thủy điện cao trong mùa khô để đảm bảo công suất dự phòng; Yêu cầu tất cả các nhà máy điện rà soát lại khả năng vận hành, tập trung sửa chữa trong giai đoạn nhu cầu phụ tải thấp, đảm bảo khả dụng tối đa trong thời kỳ nắng nóng từ tháng 4 - tháng 7/2023; Yêu cầu các đơn vị lập kế vận hành, sửa chữa thiết bị hợp lý, đảm bảo thiết bị vận hành ổn định, sẵn sàng vật tư thay thế ngay nếu có sự cố; Làm việc với các bên liên quan đảm bảo cung cấp nguồn nhiên liệu đầy đủ cho các tổ máy nhiệt điện than hoạt động toàn bộ công suất; Tăng cường nhập khẩu điện để đáp ứng công suất đỉnh của HTĐ trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao; Chỉ đạo các đơn vị thủy điện theo dõi sát tình hình nước về để vận hành tối ưu hồ chứa đảm bảo các mục tiêu cung cấp điện các tháng cuối năm 2022, tích nước để vận hành các tháng mùa khô 2023; Đảm bảo và đẩy nhanh tiến độ các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2023, đặc biệt là các nguồn điện đấu nối vào lưới điện miền Bắc như Nhiệt điệnThái Bình 2, Hồi Xuân và nhập khẩu điện từ Lào.

Nối

Khác

Xem tiếp đi