Khi mẹ là tài xế công nghệ

Lao Động 02/10/2022 15:52:29

Từ định kiến đến sự khâm phục

Chị Đặng Phương Hoa (25 tuổi, Hà Nội), có mẹ là tài xế công nghệ Văn Thị Hoa Mai (50 tuổi), lúc bắt đầu bén duyên với nghề, mẹ chị từng đối diện không ít định kiến từ người xung quanh.

“Chỉ riêng việc phụ nữ chạy xe ô tô cũng đã rất lạ với họ, nhưng đa phần mọi người mặc định công việc này chỉ đàn ông mới làm được, còn phụ nữ phải làm nội trợ, vun vén chăm sóc gia đình”, chị Hoa kể.

Thế nhưng, chứng kiến những chuyển biến tích cực trong cuộc sống từ khi mẹ chạy xe công nghệ, người thân, họ hàng dần thay đổi suy nghĩ. Chỉ vỏn vẹn 4 năm rưỡi, mẹ chị Hoa đã trả xong khoản vay mua ô tô trước cả thời hạn, cuộc sống phần nào “dễ thở” hơn. Từ khi chạy Grab, mẹ chị không chỉ chủ động về tài chính mà còn chủ động cả thời gian vun vén cho gia đình, đưa đón cháu đi học, cơm nước cho cả nhà.

Khi mẹ là tài xế công nghệ-1

Vượt qua những định kiến ban đầu, chị Văn Thị Hoa Mai vẫn giữ vững tay lái, tìm được nhiều niềm vui trong công việc.

“Biết làm nghề vất vả nên người thân, hàng xóm dần khâm phục mẹ nhiều hơn, không ai bàn tán hay có những lời tiêu cực nữa. Bây giờ kinh tế gia đình đã khá hơn, mẹ mình chỉ mong làm điều gì có ý nghĩa cho bản thân, cho cộng đồng. Mẹ vui và chủ động hơn trong cuộc sống, giải toả tâm lý nên mình rất mừng và ủng hộ, chỉ mong mẹ có đủ sức khoẻ để làm việc mẹ thích”, chị Hoa tâm sự.

“Trong gia đình, vai trò của người mẹ, người vợ rất quan trọng nên mình vẫn cố gắng sắp xếp công việc và gia đình. Cái được nhất là mình có thể chủ động thời gian, khi nào không khoẻ hay có việc thì tắt app nghỉ ngơi. Công việc này cũng cho mình thêm thu nhập, một tháng ít nhiều cũng hơn 20 triệu. Nói chung với mình giờ chạy xe là niềm vui thật sự”, nữ tài xế Văn Thị Hoa Mai, mẹ chị Hoa, chia sẻ.

Mẹ đơn thân có thêm sức mạnh để làm chủ cuộc sống

Từng là kế toán nhưng sau khi ly hôn, chị Trần Nguyễn Việt Hà (37 tuổi, TP.HCM) phải tạm gác công việc để có thời gian chăm sóc cho 2 con nhỏ. “Sáng chị phải đưa con đi học, 11 giờ trưa lại đón bé về do hai con không học bán trú. 1 giờ đến 4 giờ là đưa đón ca chiều. Sau đó đưa đón bé đi học thêm tới tầm 7 giờ mới xong việc”. Với lịch trình kín mít này, chị Hà không thể đảm đương những công việc cố định giờ giấc như trước kia. Đó cũng là lý do chị quyết định đến với trở thành tài xế xe công nghệ.

Trước đây, chị phải chạy từ sáng sớm tới tối, bé út từng nói với chị: “Con không muốn mẹ đi chạy xe đâu, con muốn mẹ ở nhà chơi với con” - khiến chị Hà không khỏi chạnh lòng. “Sau đó mình phải giải thích cho con, dành thời gian cuối tuần đưa con đi ăn sáng, đi chơi. Trong tuần chị chạy từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều để kịp chở bé đi học thêm. Bây giờ thì bé đã hiểu chuyện và đồng ý cho mẹ đi chạy xe rồi”.

Gắn bó với nghề được 2 năm, chị Hà vẫn không quên được những ánh mắt bất ngờ và có phần nghi ngại từ đồng nghiệp nam khi chị đi đăng ký. “Mình biết mình đang làm gì chứ” - chị Hà cười - “nhưng chắc là do hình ảnh tài xế nam đã in quá sâu nên mọi người khó hình dung con gái làm nghề này sẽ như thế nào”. Từ lúc mới nhận việc cho tới khi đã có kinh nghiệm, chị vẫn gặp phải những tình huống dở khóc dở cười: “Có anh khách bước vào xe rồi, thấy mình ngồi ghế lái, anh ấy tưởng vào nhầm nên còn hỏi ủa có phải lộn xe rồi không”. Với chị, việc lái xe cũng như nhiều nghề khác, ai phù hợp và đủ năng lực thì làm thôi, nữ hay nam không quá quan trọng.

Khi mẹ là tài xế công nghệ-2

Chị Trần Nguyễn Việt Hà bên chiếc xe số sàn khiến bao người vừa ngạc nhiên vừa trầm trồ khâm phục của mình.

Vay mua ô tô vào thời điểm dịch mới bùng phát nhưng đến nay, chị Hà tự tin có thể trả hết nợ đúng tiến độ, trang trải cho gia đình. “Quyết định chạy Grab với chị vẫn là điều đúng đắn nhất. Cuộc sống ổn định hơn nên tâm trí mình cũng nhẹ nhõm, thoải mái hơn” - chị Hà vui vẻ tổng kết.

Đối với những nữ tài xế như chị Mai, chị Hà, không gì có thể so sánh với niềm vui tự chủ tài chính, tự chủ cuộc sống như hiện tại. Phụ nữ làm nghề tài xế là xác định sẽ gặp nhiều thử thách hơn, nhưng các chị luôn tin rằng chỉ cần mình muốn làm thì đồng nghiệp, đội ngũ Grab luôn sẵn sàng hỗ trợ. Còn với con cái của họ, hạnh phúc là khi chứng kiến mẹ làm việc, vun vén cho gia đình bằng chính công việc mà mẹ yêu thích.

Nối

Khác

Xem tiếp đi