Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - Bài 1: Phát triển đa dạng mô hình kinh tế

Báo tin tức 28/09/2022 14:35:54

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn còn không ít điểm nghẽn cần được khơi thông để kinh tế tập thể phát huy hết vai trò, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - Bài 1: Phát triển đa dạng mô hình kinh tế-1

Công nhân Hợp tác xã nông nghiệp Phước Thịnh sơ chế rau trước khi đóng gói, xuất bán cho các siêu thị lớn tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN

Bài 1: Phát triển đa dạng mô hình kinh tế

Kinh tế tập thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Sau 20 năm đổi mới và phát triển, kinh tế tập thể Tp.Hồ Chí Minh đã có những bước tiến đáng kể với nhiều mô hình đa dạng từ tổ hợp tác, hợp tác xã đến các liên hiệp hợp tác xã.

Nhiều mô hình phát triển

Tp.Hồ Chí Minh hiện có 2.800 tổ hợp tác, 704 hợp tác xã đăng ký hoạt động và 8 liên hiệp hợp tác xã, tăng 1.691 tổ hợp tác, 363 hợp tác xã và 4 liên hiệp hợp tác xã so với thời điểm năm 2002. Tổng số thành viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể là 51.000 thành viên với tổng số lao động thường xuyên là 22.000 người. Vốn sản xuất kinh doanh bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 23.000 tỷ đồng, tăng gấp 17,3 lần so với năm 2002; tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn khu vực kinh tế tập thể đạt 9.500 tỷ đồng tăng gấp 15,34 lần so với năm 2002.

Không chỉ gia tăng về số lượng, thời gian qua, các hợp tác xã đã linh động, nhạy bén tìm hướng đi mới nhằm phát triển hoạt động của đơn vị. Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ) xuất phát từ Tổ hợp tác Cầu Bà Chín (2012) với 9 tổ viên, diện tích sản xuất 12,1 ha chủ yếu nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Từ định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của huyện Cần Giờ và Tp.Hồ Chí Minh,  năm 2019, tổ hợp tác được phát triển thành Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại – Dịch vụ- Đầu tư và Xây dựng Cần Giờ Tương Lai với 32 thành viên, tổng vốn điều lệ 8 tỷ đồng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch.

Sau khi thành lập, hợp tác xã đã xây dựng và phát triển một cơ sở chế biến các loại thuỷ sản với công suất 2 tấn/ngày; một cơ sở chế biến tổ chim yến công suất 3kg/ngày. Song song với chế biến, hợp tác xã cũng xây dựng 3 điểm trưng bày, phục vụ kinh doanh các sản phẩm  chủ lực, sản phẩm đặc trưng của hợp tác xã.

Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, Trưởng phòng Kinh doanh Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai cho biết: Sau hơn 2 năm hoạt động, hợp tác xã đã xây dựng được chuỗi liên kết cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệpvới các hộ dân sản xuất nông sản sạch, xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ. Hợp tác xã đã phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mô hình kinh tế tập thể tạo nên chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, giải quyết một phần khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn, và sản xuất ra sản phẩm chất lượng, sạch mà người tiêu dùng đang hướng tới và sử dụng.

Với lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, chủ thể sản xuất, Hợp tác xã Cần Giờ Tương lai định hướng xây dựng mô hình kinh tế tập thể trở thành mô hình điểm của huyện Cần Giờ. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống vật chất, giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất và phát huy nguồn lực cộng đồng.

Cũng đi lên từ tổ hợp tác, Hợp tác xã Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Đức) ban đầu chỉ có 7 thành viên với diện tích canh tác vẻn vẹn 1 ha các loại rau thuỷ canh. Đến năm 2018 nhận thấy nhu cầu tiêu thụ rau thuỷ canh ngày càng tăng, tổ hợp tác đã mở rộng diện tích lên 5 ha và thành lập Hợp tác xã vào năm 2019. Từ năm 2021 đến nay Hợp tác xã Tuấn Ngọc đã tăng diện tích sản xuất lên 10ha, đa dạng hoá các loại rau, cung ứng cho chuỗi siêu thị Saigon Co.op, Bách hoá xanh và các cửa hàng rau sạch của Tp.Hồ Chí Minh.

Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc cho biết, từ khi hình thành tổ hợp tác cho đến khi phát triển thành hợp tác xã và mở rộng diện tích sản xuất, hợp tác xã luôn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc giới thiệu đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh đó, các sở, ngành Tp.Hồ Chí Minh cũng thường xuyên hỗ trợ thông qua các chương trình đào tạo, triển lãm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, hướng dẫn truyền thông và xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã.

Vẫn nhiều nút thắt

Kinh tế tập thể vẫn có xu hướng phát triển qua từng giai đoạn và đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chính sách đổi mới, kinh tế tập thể vẫn chưa tạo ra bước đột phá nào do vướng nhiều nút thắt.

Bà Nguyễn Thị Mộng Trinh, nêu thực tế, các hợp tác xã nói chung, hợp tác xã nông nghiệp nói riêng vẫn đang gặp không ít khó khăn, thách thức cả về cơ chế lẫn thị trường cho sản phẩm. Theo đó, để phát triển lâu dài, hợp tác xã tập trung phát triển sản phẩm sạch, có chứng nhận an toàn thực phẩm, hợp tác xã cũng đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, nhưng việc tiếp cận, khả năng nhận diện của người tiêu dùng với các sản phẩm có chứng nhận chưa cao. Do đó, các sản phẩm dù được đầu tư bài bản về chất lượng vẫn khó cạnh tranh với các sản phẩm khác ngoài thị trường.

Hợp tác xã cũng chưa có quỹ đất là tài sản của hợp tác xã hay quỹ đất công ích do Nhà nước cho thuê để bố trí xây dựng các hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh. Hầu hết diện tích đất hợp tác xã sử dụng hiện tại là đất thuê lại, dẫn đến chi phí phát sinh cho các hoạt động cao và không ổn định.

Vốn đầu tư cho xây dựng các hạng mục công trình ban đầu cũng là vấn đề của rất nhiều hợp tác xã do sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn đòi hỏi phải có nhà xưởng, dây chuyển máy móc hiện đại với kinh phí không hề nhỏ.

Cùng quan điểm, ông Lâm Ngọc Tuấn phân tích, mặc dù có chính sách phát triển kinh tế tập thể và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao song việc xây dựng các công trình như nhà kính, nhà lồng và các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp vẫn rất khó khăn. Về đất đai, hiện tại hợp tác xã phải thuê đất của tư nhân để sản xuất chứ thành phố không có quỹ đất nông nghiệp cho thuê. Đồng nghĩa với việc hợp tác xã phải trả tiền thuê đất cao và thường chỉ thuê được trong thời gian ngắn từ 3 – 5 năm, rất khó để đầu tư cơ sở sản xuất lâu dài.

Ông Phạm Văn Luỹ, quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, huyện hiện có 32 hợp tác xã đăng ký hoạt động theo Luật Hợp tác xã nhưng số hợp tác xã đang hoạt động thực tế chỉ có 20 hợp tác xã; số còn lại tạm ngưng hoặc ngưng hoạt động.

Ở tất cả xã, thị trấn trên địa bàn đều có hợp tác xã nông nghiệp đăng ký hoạt động, tuy nhiên, số hợp tác xã làm ăn có hiệu quả còn ít, quy mô hoạt động hợp tác xã còn nhỏ. Hầu hết các hợp tác xã sản xuất kinh doanh còn đơn điệu, manh mún; chưa chủ động mở rộng hình thức kinh doanh theo hướng đa ngành, đa nghề; chưa có hình  thức liên  doanh, liên kết, khả năng huy động vốn còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu. Một số hợp tác xã từ khi thành lập đến nay vẫn chưa có khả năng đi vào hoạt động kinh doanh do cơ sở vật chất chưa đầy đủ, thiếu vốn kinh doanh.

Bài cuối: Tạo cơ chế, động lực phát triển

Nối

Khác

Xem tiếp đi