Doanh nghiệp lo lắng khi lãi suất cho vay tăng

Lao Động 05/10/2022 11:21:52
Doanh nghiệp lo lắng khi lãi suất cho vay tăng-1

Lãi suất huy động liên tục tăng mạnh sẽ khiến lãi suất vay không thể đứng yên. Ảnh: Gia Miêu

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm không ngừng tăng kể từ sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành cuối tháng 9.2022. Tại một số ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi gần 9%/năm.

Cụ thể, lãi suất các sản phẩm tiền gửi cao nhất trên thị trường đã lên đến 8,4%/năm, thậm chí có ngân hàng đang có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cho kỳ hạn 13 tháng cao nhất lên tới 8,8%/năm nhưng với số tiền gửi rất lớn.

Đơn cử như Ngân hàng Bản Việt vừa có sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức với lãi suất lên đến 8,4%/năm.

Chỉ với 10 triệu đồng, khách hàng có thể tham gia sản phẩm với 2 hình thức nhận lãi cuối kỳ và lãi hằng tháng. Theo đó, với lãi cuối kỳ, khách hàng sẽ được nhận được lãi suất 7,5%/năm - 7,8%/năm - 8%/năm - 8,2%/năm tương ứng với các kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 15 tháng. Riêng kỳ hạn 18 tháng, mức lãi suất nhận được là 8,4%/năm. Lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.

Lãi suất huy động 8,4%/năm đã phá mức cao nhất của tuần trước trên thị trường là 8,2%. Ngân hàng số Cake by VPBank cũng vừa tăng lãi suất huy động lên cao. Mức cao nhất lên 8,2%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, gửi từ 300 triệu đồng trở lên; Ngân hàng Hàng Hải (MSB) tiết kiệm online đặc biệt kỳ hạn 12 tháng lên 8% (bình thường là 7,5%/năm)…

Không chỉ các NHTM tư nhân, thời gian qua, các NHTM Nhà nước cũng đã tham gia vào “cuộc đua” lãi suất trên thị trường. Chuyên gia phân tích tài chính, TS Nguyễn Duy Phương của quỹ đầu tư DG Investment cho rằng, sở dĩ các ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài là để cơ cấu lại nguồn vốn đáp ứng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34% theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN. Thế nhưng, trước chi phí đầu vào tăng tạo áp lực lên lãi vay nên khó có thể tránh được việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp vay vốn lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên tương ứng khoảng 1%/năm ngay trong thời điểm các doanh nghiệp này vẫn đang phục hồi sau 2 năm đại dịch COVID-19. Bởi lúc này vốn đầu tư tái sản xuất là vô cùng lớn. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí vay vốn liên tục tăng do điều chỉnh lãi suất điều hành.

Không ít doanh nghiệp cho biết thời gian qua nhiều ngân hàng lấy lý do hết hạn mức tín dụng nên không cho vay. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp được duyệt phải vay với lãi suất cao hơn mức bình thường, dao động từ 8,5 - 10%/năm. Và trong bối cảnh hằng ngày nhìn lãi suất huy động nhảy múa như vậy khiến cho các doanh nghiệp đang vay vốn sản xuất thêm mệt mỏi.

Anh Nguyễn Ninh, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Kiến Ninh ở quận Tân Phú cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá nguyên liệu đầu vào chính tăng khoảng 10-15%. Trước sức ép này, công ty buộc phải tăng giá sản phẩm đầu ra, nếu không sẽ lỗ nặng. Nhưng công ty chỉ dám tăng giá từ 5-7% giá bán để tránh không bị lỗ quá, tăng mạnh hơn sẽ mất khách. Tuy nhiên, nay lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng lên thì lập tức tác động tới chi phí đầu vào, sẽ thêm khó khăn rất nhiều.

Chị Nguyễn Hồng Nhân, Giám đốc Công ty về thực phẩm bánh kẹo ở TP. Thủ Đức cũng cho biết lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất, khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá. Vừa qua, giá sản phẩm của doanh nghiệp được điều chỉnh tăng, song cũng mang lại rắc rối khi mất một số khách hàng. Hiện, nhu cầu thị trường không cao, nếu tiếp tục tăng giá thì càng khó trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho. Còn không tăng giá bán, doanh nghiệp sẽ thua lỗ, đằng nào cũng mệt cả.

Nối

Khác

Xem tiếp đi