Góc nhìn văn hóa Ân - uy trong nghề giáo

VTV 21/11/2022 11:32:38

Trong suốt chiều dài lịch sử, nghề giáo luôn được tôn vinh là người cao quý. Thời phong kiến, theo quan niệm tam cang giả, người thầy đứng thứ 2 trong trật tự quân - sư - phụ, chỉ sau vua và trước cả cha. Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày nay thờ Chu Văn An, người được dân chúng tôn là vạn thế sư biểu, nghĩa là người thầy chuẩn mực muôn đời. Ông là người có cả ân và uy với nhiều thế hệ học trò.

Nếu trước đây giáo viên được ví như người lái đò thầm lặng, chở học sinh qua sông thì nay nghề giáo không còn gắn với chữ thầm lặng, trái lại giáo viên là người giương cao ngọn lửa tri thức và nhiệt tâm, người truyền cảm hứng, dẫn dắt học sinh trên con đường chinh phục kiến thức, trau dồi kỹ năng. Trên chặng đường ấy, chữ ân của người thầy thể hiện ở sự yêu thương, quan tâm, dạy dỗ, thậm chí là gần gũi, làm bạn với học trò.

Bên cạnh việc phát huy những giá trị truyền thống, cũng có những phương pháp giáo dục không còn phù hợp, cần được điều chỉnh. Một số hình thức kỷ luật như đuổi học, phê bình trước lớp… đã không còn được áp dụng. Kỷ luật tích cực từng bước được đưa vào các nhà trường.

"Thầy giáo vẫn phải mẫu mực. Nếu dạy giỏi, dạy hay, thu hút học trò thì dứt khoát khi anh nói một lời thì nó sẽ nghe ngay, chưa cần phải dùng điều gì khác. Cái uy của người thầy tỏa sáng từ chính trí tuệ, con tim", TS Nguyễn Tùng Lâm – Sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội chia sẻ.

"Với tất cả sự cố gắng của thầy cô, bằng tình yêu của mình và nhiều cách tiếp cận khác nhau, uy của thầy cô sẽ được hiện lên dần dần, không bởi vì sự sợ hãi mà bởi tình yêu và sự tha thiết của thầy cô. Và từ những giải pháp rõ ràng của thầy cô, không chỉ có yêu thương không, thì học sinh chắc chắn sẽ thay đổi" TS.Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết thêm.

Nhà giáo dục học người Nhật Tanaka Yoshitaka, người đã có 3 năm làm việc ở Việt Nam, từng có bài viết phân biệt giữa quyền lực và quyền uy của người thầy. Theo ông, uy không tự nhiên mà có, đó là thứ học sinh tự nguyện nhận diện rồi trao cho giáo viên. Người thầy có uy là người được học sinh nể phục. Điều này hoàn toàn với quyền lực, do người thầy tạo ra, áp đặt để học sinh phải sợ, phải nghe theo một cách ép buộc.

Bắt nhịp với nền giáo dục hiện đại, mỗi người thầy cũng cần thích ứng, không ngừng đổi mới, hoàn thiện bản thân, có cách ứng xử tôn trọng, tràn ngập yêu thương với học trò. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của bản thân, họ cần sự hỗ trợ, động viên kịp thời, cần một cơ chế quản lý linh hoạt tích cực, để những người thầy có thể tiếp tục đứng vững trên giảng đường, tiếp tục đam mê với việc dạy học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo !

Nối

Khác

Xem tiếp đi