Câu chuyện truyền thống cách mạng dưới mái đình Tân Hưng

Đồng Khởi 09/02/2023 13:28:06
Câu chuyện truyền thống cách mạng dưới mái đình Tân Hưng-1

Một góc đình Tân Hưng.

Tri ân người anh hùng

Cuộc chiến tranh đẫm máu nhiều năm giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn đến sự vơ vét tham tàn của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong khiến những người dân Việt trong những năm đầu thế kỷ XVII lần lượt rời quê hương tìm đất sống. Việc khai phá trong những năm đầu của cư dân thời Chúa Nguyễn ở Bình Đại giống như nhiều nơi ở Nam Bộ bấy giờ. Ngoài việc chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt, người Việt còn phải liên tục chống chọi với thú dữ, nguy hiểm… không làm nhụt chí người dân đi mở đất.

Khoảng giữa đầu thế kỷ XIX, vùng Bình Đại đã có dân cư đông đúc, làng mạc rải rác nhiều nơi nhưng một số nơi vẫn hoang vu và đầy thú dữ. Ông Huỳnh Văn Thiệu đứng ra tập hợp dân cư ngoài thân tộc. Ông tổ họ Huỳnh là Huỳnh Văn Sách bỏ xứ Huế vào Gia Định để chống lại phe “Tân Trào”, sau định cư ở vùng đất này để khai phá. Trải qua lao động vất vả, dần dần đời sống dân cư ổn định và phát triển, sản xuất mở rộng, dân cư quay quần thành thôn xóm, đủ điều kiện để triều đình bấy giờ đặt bộ máy quản lý cấp thấp nhất.

Thời gian dài của quá trình khai phá, ông Huỳnh Văn Thiệu được người dân mến mộ, ý chí của ông cũng được rèn luyện trong quá trình đó. Thời thuộc Pháp, ông được mời ra làm làng tại thôn Tân Hưng, nhưng ông từ chối và tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng theo phong trào khởi nghĩa của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định chống Pháp.

Địa chí Bến Tre (bản in năm 1991) có ghi: “Trương Định hy sinh và cuộc chiến đấu của nghĩa quân do ông trực tiếp lãnh đạo không giành được thắng lợi, nhưng phong trào kháng chiến của nhân dân các tỉnh vẫn không vì thế mà bị dập tắt. Trái lại, nhiều nghĩa quân của Trương Định sau khi chủ tướng hy sinh, đã tản về các địa phương tiếp tục hoạt động chống Pháp. Riêng ở Bến Tre, lúc này nổi lên hoạt động của hai nhóm nghĩa quân: một nhóm của Trịnh Viết Bàng và một nhóm của Huỳnh Văn Thiệu”.

Hai nhóm nghĩa quân của ông Trịnh Viết Bàng và ông Huỳnh Văn Thiệu hoạt động ráo riết ở địa bàn cù lao An Hóa, thường xuyên tổ chức chiêu mộ nghĩa quân tham gia và lùng diệt những tên tay sai gian ác của giặc. Ông Huỳnh Văn Thiệu lãnh đạo nhóm nghĩa quân lập căn cứ kháng chiến, hoạt động tại vùng đất Châu Hưng này được một thời gian thì bị kẻ gian mật báo, ông bị giặc Pháp bắt, xử trảm tại địa danh Bàu Sấu. Di hài ông được chôn cất không toàn vẹn vì không còn thủ cấp. Gia phả ghi ngày kỵ là 24-7 năm 1864 âm lịch.

Ông Lư Hoàng Khương - Chánh bái đình Tân Hưng cho biết: Ngưỡng mộ tấm gương yêu nước của người anh hùng, cũng là người có công với quê hương, người dân làng Tân Hưng mới lập một miễu thờ ông bên rạch Vàm Hồ, Lộ Làng, thôn Tân Hưng. Dần dần việc thờ cúng ngày càng phát triển. Đến năm 1905, mái đình Tân Hưng được dựng lên tại trung tâm thôn Tân Hưng, ông Huỳnh Văn Thiệu được nhân dân suy tôn là Thành hoàng bổn cảnh của làng. Nơi yên nghỉ người anh hùng Huỳnh Văn Thiệu ngày nay cách không xa đình Tân Hưng. Hàng năm, luôn được nhân dân Châu Hưng chăm sóc, khói hương. Nhân dân trong làng chọn những người có uy tín tham gia Ban Khánh tiết của đình để quản lý, chăm lo việc thờ cúng cầu bá tánh vạn an, mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa. Lệ cúng đình Tân Hưng mỗi năm 2 lần vào ngày 16, 17-4 và 17-12 âm lịch. Việc thờ cúng ông Huỳnh Văn Thiệu trở thành việc chung của làng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Khác với những ngôi đình khác ở Bến Tre nói riêng và Nam Bộ nói chung, đình Tân Hưng không có sắc phong thần của triều đình. Đình Tân Hưng tồn tại là sự tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với người có công với đất nước, với nhân dân. Vị nhân thần ấy sẽ không phai mờ trong ký ức người dân.

“Địa chỉ đỏ” của cách mạng

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đình Tân Hưng là nơi tập trung những người yêu nước để học tập, bàn bạc kế hoạch thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và chi bộ cơ sở. Thời gian từ năm 1945 - 1946, lực lượng thanh niên Tiền phong tập hợp tại ngôi đình làng chuẩn bị cho kháng chiến chín năm. Rất nhiều thanh niên tham gia, lực lượng này do ông Huỳnh Văn Huê (cháu cố của ông Huỳnh Văn Thiệu) lãnh đạo.

Câu chuyện truyền thống cách mạng dưới mái đình Tân Hưng-2

Đình Tân Hưng và mộ ông Huỳnh Văn Thiệu, ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trong suốt thời kỳ đấu tranh chính trị (1954 - 1959), đình Tân Hưng là nơi tập hợp nhân dân để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng bộ Châu Hưng, nhằm gầy dựng cơ sở và tổ chức lực lượng. Có nhiều đảng viên đã được kết nạp tại đình như: liệt sĩ Nguyễn Văn Bé, Lư Văn Chương, Phan Văn Nhân, Huỳnh Văn Thỉnh, Nguyễn Văn Dũng. Ông Cao Văn Thành là Bí thư Chi bộ. Đình là nơi phát động đấu tranh chính trị chống chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, chống bắt lính, tổ chức mít-tinh lên án bọn Việt gian bán nước, hại dân và trừng trị thích đáng. Đến năm 1960, Đồng khởi sôi sục, nhiều cơ sở vật chất của đình Tân Hưng là công cụ, vũ khí, góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho quá trình đó.

Năm 1963, nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng đang lớn mạnh, địch tiến hành nhiều cuộc khủng bố, đàn áp nhân dân. Chúng đem quân đóng tại đình đến năm 1965. Từ sự đoàn kết, thống nhất đấu tranh của nhân dân, sự tấn công của lực lượng du kích, địch rút chạy, ấp được giải phóng, ngôi đình được trả lại cho nhân dân.

Năm 1968, cùng với các nơi khác nổi dậy Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, các vị trong Ban Khánh tiết của đình tham gia đi dân công, cứu thương, phục vụ những trận đánh lớn. Nổi bật như các ông Huỳnh Trung Tuyên, Huỳnh Văn Búp, Huỳnh Văn Phường, Nguyễn Văn Thiệt. Chiến tranh ác liệt, đình là mục tiêu bắn phá của địch. Vì nơi đây thường xuyên đi lại và hoạt động của cán bộ, đảng viên xã Châu Hưng, cũng là nơi gầy dựng cơ sở và cất giữ tài liệu, vũ khí của ta. Năm 1970, địch ném 2 quả bom làm thiệt hại nặng cho đình nhưng mái đình Tân Hưng vẫn là nơi hội họp của cán bộ cách mạng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Suốt quá trình dài của lịch sử từ những tiền nhân có công khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất này đến các thế hệ con cháu qua từng thời kỳ đã vững dạ sắt son, đoàn kết, theo gương người đi trước. Ngôi đình tồn tại đến nay là minh chứng chân thật nhất về lòng nhân nghĩa, kính trọng và ý chí đấu tranh anh dũng của người dân. Qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân Tân Hưng đã có những người con theo Đảng, góp phần giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương. Trong số những người ấy có đồng chí Huỳnh Tấn Phát, cháu cố của anh hùng Huỳnh Văn Thiệu. Gia tộc họ Huỳnh ở ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng ngày nay vẫn đang hàng ngày phấn đấu lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đình Tân Hưng và mộ ông Huỳnh Văn Thiệu, ở xã Châu Hưng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Bên mái đình Tân Hưng, đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát được xây dựng hài hòa, như là ước mong của đồng chí Huỳnh Tấn Phát - nhà trí thức cách mạng tiêu biểu của dân tộc đã trở về với tổ tiên, nguồn cội. Cây da cổ thụ qua bao thời gian vẫn tỏa bóng mát nơi khuôn viên đình Tân Hưng chính là chứng nhân cho bao thăng trầm lịch sử tồn tại của di tích ý nghĩa này.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Nối

Khác

Xem tiếp đi