Băng qua cửa khẩu đường bộ cao nhất thế giới sang Tân Cương

Thanh niên 21/11/2022 14:51:37

Từ Sost, tôi sẽ đi thêm 70 km nữa để lên đỉnh đèo Khunjerab nằm ở biên giới giữa hai nước, ở đây sẽ có trạm kiểm soát của Trung Quốc kiểm tra xe cộ, hành lý và con người. Chúng tôi chỉ chính thức được đóng dấu nhập cảnh vào Trung Quốc ở Tashkurgan - thị trấn cách đèo Khunjerab 130 km.

Nằm ở độ cao 4.693 m so với mực nước biển, Khunjerab là cửa khẩu quốc tế trải nhựa cao nhất thế giới và là điểm cao nhất trên đường cao tốc Karakoram. Đèo Khunjerab nằm ở vị trí chiến lược trên dãy núi Karakoram , thuộc phần biên giới phía Bắc của Gilgit-Baltistan Hunza-Nagar, Pakistan và phần biên giới phía Tây Nam vùng Tân Cương, Trung Quốc. Ngân hàng Quốc gia Pakistan đặt trên đỉnh đèo Khunjerab một cây ATM, và nó được mệnh danh là cây ATM cao nhất thế giới. Con đường băng qua đèo được hoàn thành vào năm 1982, vào mùa đông tuyết phủ dày đặc, các phương tiện không thể lưu thông. Vì vậy, cửa khẩu này thường đóng cửa từ cuối tháng 11 cho tới đầu tháng 5 năm sau.

Băng qua cửa khẩu đường bộ cao nhất thế giới sang Tân Cương-1

Trạm đóng dấu chính thức nhập cảnh vào Trung Quốc ở Tashkurgan CHIBOOKS CUNG CẤP

Mưa tuyết bắt đầu rơi nặng hạt hơn, mịt mù cả trời đất, tầm nhìn xa là… 1 m. Hai bên đường trắng xóa, dòng sông đóng băng, cây cối trĩu nặng những bông tuyết, khiến tôi tưởng như mình đang lạc vào thế giới cổ tích. Lúc chúng tôi lên tới đèo Khunjerab, tuyết đã rơi được mấy ngày và phủ trắng cả khu vực, nhiệt độ bên ngoài là -10 độ. Ở độ cao gần 5.000 m và thời tiết khắc nghiệt như vậy rất dễ xảy ra phản ứng sốc độ cao. Mỗi người sẽ có phản ứng sốc độ cao khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Khó thở, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi là những triệu chứng nhẹ nhất mà bất cứ ai có thể gặp phải khi ở độ cao từ 3.000 m trở lên.

Từ đèo Khunjerab cho đến khi đặt chân được tới Tashkurgan, tôi không biết mình sắp phải trải qua cả một ngày trời vất vả và khổ cực.

Ở trạm kiểm soát của Trung Quốc, tuần tự chỉ có một xe ô tô được đưa vào kiểm tra toàn bộ cả phương tiện lẫn con người, hành lý đi theo xe. Khi một xe tiến vào vùng kiểm soát thì cửa tự động đóng lại, các xe sau phải xếp hàng ngoài trời lạnh giá. Nếu xe trước có nhiều người và hành lý, thì việc xe sau phải chờ ở ngoài trời 1 - 2 tiếng là chuyện bình thường.

Sau một giờ đồng hồ đứng đợi trong giá rét, xe của chúng tôi cũng được vào kiểm tra. Ở bên trong, mỗi người phải tự mang hành lý vào phòng soi chiếu an ninh, còn xe ô tô và tài xế đi qua khu vực khác. Ở độ cao gần 5.000 m, khi đến thở thôi cũng còn khó khăn, đáng nhẽ phải được “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, thì chúng tôi phải tự xách va ly nặng trĩu lên máy soi, phải cởi giày, mở va ly ra cho các nhân viên hải quan kiểm tra từng thứ một. Điện thoại, laptop cũng được yêu cầu phải mở thư mục Hình ảnh để nhân viên xem, nếu trong máy có ảnh chụp cửa khẩu thì bạn sẽ phải xóa ngay lập tức. Sau đó, mỗi người sẽ đứng trước máy scan (quét) toàn bộ cơ thể. Sau khi hoàn thành kiểm tra về người và hành lý, lúc này, xe cũng đã được kiểm tra sơ bộ xong. Chúng tôi lại quay về ngồi trong xe và tiếp tục đợi thêm một tiếng đồng hồ trong cơn mưa tuyết vì thủ tục thông quan chưa xong.

Sau đó, ba cảnh sát người Trung Quốc cầm bản scan màu của chiếc xe chúng tôi đi lên, họ lục tung từng cái ghế, từng ngõ ngách, kiểm tra cả bánh xe và không nói gì cụ thể. Chúng tôi lại mòn mỏi đợi trong cái lạnh buốt thêm 30 phút nữa thì thấy một anh cảnh sát cầm cặp táp xuất hiện và đi theo xe, để đảm bảo trên đường chúng tôi về Tashkurgan đóng dấu nhập cảnh, không có ai bỏ trốn dọc đường. Tổng cộng thời gian kiểm tra ở đỉnh đèo này là hơn bốn tiếng.

Chiếc xe cũ kỹ cà tàng bắt đầu lăn bánh chầm chậm trong cơn mưa tuyết nặng nề và ảm đạm. Tuyết vẫn rơi mù mịt, trời tối om om. Tôi gần như không còn nhìn thấy gì ở phía trước. Cái lạnh và độ cao khiến tay chân tôi đông cứng và tê liệt.

10 giờ đêm.

Tashkurgan.

Cả cửa khẩu chỉ còn mỗi nhóm chúng tôi.

Tôi với tư cách là trưởng nhóm đã bị đưa vào phòng riêng.

“Vì sao cả nhóm lại đến Tashkurgan?”

“Nhập cảnh vào Trung Quốc với mục đích gì?”

“Hướng dẫn viên phía Trung Quốc là ai?”

“Lịch trình sẽ đi những nơi nào ở Trung Quốc?”

“Visa Trung Quốc xin như thế nào?”

Khi biết chúng tôi tự mò mẫm đi bụi, không có hướng dẫn viên theo cùng, các nhân viên hải quan đã ngạc nhiên tột độ và ngay lập tức lấy hộ chiếu, trong đó có visa Trung Quốc của tôi đi kiểm tra.

Một lúc sau, nhân viên hải quan quay lại, hỏi:

“Vì sao nhóm lại đi nhiều địa điểm trải dài khắp từ Kashgar tới tận Tây An, qua bao nhiêu tỉnh của Trung Quốc như vậy?”

Lúc này, sau khi đã lấy lại được tinh thần, tôi hào hứng thao thao bất tuyệt rằng do tôi muốn đi dọc theo con đường tơ lụa, tôi muốn đi trên con đường mà ngày xưa, đại sư Huyền Trang đã từng đi qua, tôi muốn tận mắt nhìn thấy những thành lũy cổ đại còn tồn tại tới tận ngày nay và muốn tới điểm khởi đầu của con đường tơ lụa là Tây An. Sau khi được lời như cởi tấm lòng này, nhân viên hải quan đã trả lại hộ chiếu cho tôi, lịch sự chúc chúng tôi có một chuyến đi tốt đẹp và đóng dấu cho cả đoàn đi qua nhanh chóng.

Theo nhịp sinh học, sáng hôm sau, tôi thức dậy lúc tám giờ, thấy trời bên ngoài vẫn tối mịt mù. Định thần một lúc, tôi mới bàng hoàng phát hiện: Thực ra múi giờ ở đây chênh với Bắc Kinh khoảng hai tiếng, người ta sẽ có hai múi giờ gọi là giờ địa phương và giờ Bắc Kinh. Tám giờ sáng theo giờ Bắc Kinh mới chỉ là sáu giờ sáng ở Tashkurgan mà thôi. (còn tiếp)

(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành).

Nối

Khác

Xem tiếp đi