Sau hai năm gián đoạn bởi đại dịch, nhu cầu bị kìm nén nay đang bùng nổ mạnh mẽ khi các quy định phòng dịch Covid-19 dần được dỡ bỏ tại các quốc gia. Thế nhưng các du khách dường như đang đối mặt với một vấn đề mới: vé máy bay đắt đỏ.
Trên các trang đặt vé online, dễ nhận thấy vé máy bay đang ở mức cao hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch và du khách không còn nào khác là chấp nhận trả chi phí cao hơn do đã phải ở nhà quá lâu.
Giá vé tham khảo từ Việt Nam - Nhật Bản. Nguồn: traveloka.
“Nhu cầu đang tăng vọt ở hầu hết các mảng, chẳng hạn như giải trí, khách hàng cao cấp, doanh nghiệp hay bay quốc tế,... Giá vé máy bay mùa hè này có thể cao hơn 30% so với mức trước đại dịch”, giám đốc điều hành Delta Air Lines, Ed Bastian cho biết tại một hội nghị ngành đầu tháng 6.
Vé máy bay đắt hơn nhiều lần trên toàn cầu
Xu hướng du lịch đang diễn ra trên khắp thế giới, dù một số khu vực địa lý bị siết chặt quy định hơn những nơi khác. Vé khứ hồi hạng phổ thông giữa Hong Kong và London trên Cathay Pacific Airways vào cuối tháng 6 đã lên tới 5.360 USD - gấp 5 lần so với vé trước đại dịch. Các chuyến bay thẳng giữa New York và London trong cùng một thời điểm cũng có giá trên 2.000 USD.
Jacqueline Khoo - một nhân viên làm việc trong lĩnh vực du lịch cho biết: “Giá vé ngày nay rất đắt. Hồi cuối tháng 5, công ty tôi phải trả 3.632 USD cho một vé khứ hồi đến Hamburg (Đức) với Singapore Airlines. Trước đó giá chỉ rơi vào khoảng 1.445 USD, thật bất ngờ khi một vé hạng phổ thông lại khiến bạn mất nhiều tiền như vậy”.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy chi phí bay từ Singapore trung bình cao hơn 27% vào tháng 4/2019, trong khi các chuyến bay từ Úc cao hơn 20%. Chuyên gia David Mann tại Viện cho biết ngày càng có nhiều du khách đặt vé trước nhiều tháng vì họ lo lắng chi phí sẽ tăng nếu mua vé vào phút chót.
Tình trạng giá vé cao đến từ nhiều nguyên nhân và không phải tất cả trong số đó đều nằm trong tầm kiểm soát của các hãng hàng không.
Thiếu hụt máy bay
Nhiều hãng bay vẫn tỏ ra thận trọng trong việc đưa các máy bay phản lực hạng lớn trở lại hoạt động. Những mẫu máy bay khổng lồ như siêu máy bay Airbus SE A380 hay máy bay Boeing 747-8 bị hạn chế sử dụng. Thay vào đó, hãng bay thường ưu tiên các mẫu máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn như A350 và 787 Dreamliners.
Theo Bloomberg, mức độ hạn chế diễn ra mạnh nhất ở châu Á, nơi tiến độ nới lỏng quy định phòng dịch chậm và thị trường lớn nhất châu lục Trung Quốc về cơ bản vẫn đang đóng cửa.
Hàng loạt máy bay "đắp chiếu" tại Pháp vào năm 2021. Ảnh: Getty Images.
Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á Thái Bình Dương Subhas Menon chia sẻ:
"Với các chính sách và thay đổi mới trong hai năm qua, các hãng hàng không sẽ mất thời gian để xây dựng lại đội bay do nhiều quy định vừa được nới lỏng vào tháng 5. Tháng 6 mới chỉ bắt đầu và việc khởi động lại đội bay không đơn giản như vậy.”
Ít máy bay hoạt động hơn đồng nghĩa với việc không có đủ chỗ ngồi để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi, do đó đẩy giá vé lên cao.
Giá nhiên liệu tăng vọt
Giá dầu thế giới đã tăng gần gấp đôi trong vòng một năm qua. Ảnh: tradingeconomics.
Những biến động địa chính trị ở châu Âu khiến đà tăng giá dầu thô dần trở nên khó kiểm soát. Nhiên liệu máy bay hiện chiếm tới 38% chi phí của một hãng hàng không trung bình, tăng từ mức 27% thời điểm trước 2020. Đối với một số hãng hàng không giá rẻ, con số này có thể cao tới 50%.
Giá nhiên liệu máy bay giao ngay ở New York đã tăng hơn 80% trong năm nay. Cũng cần lưu ý giá dầu có thể khác nhau ở mỗi khu vực, tùy thuộc vào chi phí lọc dầu và thuế.
Du khách hào phóng hơn
Giá vé cao hơn dường như cũng không thể ngăn cản du khách thực hiện các chuyến đi xa. Tháng trước, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế Willie Walsh cho biết một số người tiêu dùng đang tận dụng tiền tiết kiệm được trong đại dịch để vung tiền cho các chuyến du lịch đắt đỏ.
Hermione Joye, trưởng bộ phận du lịch Châu Á Thái Bình Dương tại Alphabet (công ty mẹ Google) cho biết:
"Khái niệm 'du lịch trả thù' nghĩa là một cá nhân bị ức chế bởi các đợt phong tỏa và luôn ao ước được đi du lịch trong suốt hai năm qua. (Do đó việc du lịch trở lại) là rất tự nhiên"
Thiếu nhân viên
Sân bay Changi (Singapore). Ảnh: Rita Chou.
Hàng trăm nghìn phi công, tiếp viên, nhân viên mặt đất và các nhân viên hàng không khác đã mất việc trong vài năm qua. Ngành này hiện không thể tuyển mới nhân viên đủ nhanh để đưa hoạt động trở lại ở cấp độ trước đại dịch.
Sân bay hàng đầu thế giới Changi (Singapore) đang chật vật tuyển dụng đồng loạt hơn 6.600 nhân sự. Nhiều nhân viên bị cho thôi việc đã tìm những nghề nghiệp khác ít biến động hơn và không sẵn sàng quay lại một ngành công nghiệp có tính chu kỳ như hàng không du lịch.
Tại Mỹ, các hãng hàng không nhỏ không thể bay hết công suất vì các hãng hàng không lớn hơn đã thuê quá nhiều phi công. Ở Vương quốc Anh, hàng trăm chuyến bay đã bị hủy bỏ trong tháng 5, khiến hàng nghìn hàng khách phải ngủ lại sân bay. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại châu Âu do sân bay lớn không tuyển được nhân viên phù hợp.
Vấn đề thiếu nhân viên gây gián đoạn lịch trình bay của các hãng hàng không và cũng là nguyên nhân thúc đẩy chi phí.
Hãng bay cần hồi phục sau chuỗi lỗ lịch sử
Hàng không là một ngành sử dụng nhiều vốn với tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Covid-19 càng khiến cho tình hình kinh doanh trong ngày càng thách thức hơn. Trên toàn cầu, các hãng hàng không đã mất hơn 200 tỷ USD chỉ trong 3 năm tính đến năm 2022.
Giá vé tăng cao giúp cho các hãng bay hồi phục sau thua lỗ và quay trở lại kiếm lời.
Giám đốc điều hành American Airlines Robert Isom cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy một môi trường doanh thu (tốt) như thế này. Các công ty lớn đang quay trở lại, (nhu cầu bay) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng đột biến trong một số tháng trở lại đây."
Link bài gốc