Các mô hình du lịch đêm đang “thắp sáng” cho nhiều điểm đến tại một số địa phương. Ảnh: Quang Vinh
Khai thác tiềm năng
Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt: “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Trong đó, giai đoạn trước mắt tập trung vào phát triển du lịch. Đề án cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Sau 2 năm triển khai, nhất là giai đoạn bình thường mới không thể phủ nhận các mô hình du lịch đêm đang trở thành những “điểm sáng” của ngành công nghiệp không khói.
Tại Hà Nội, từ các hoạt động đơn lẻ, tập trung chủ yếu tại khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm hàng loạt các sản phẩm du lịch đêm đã ra đời. Có thể kể đến như tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò hay các tuyến phố đi bộ tại Thành cổ Sơn Tây, phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)... Các sản phẩm du lịch này hiện thu hút khá đông du khách.
Được biết, thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ tiến hành thí điểm mô hình du lịch đêm tại tuyến phố đi bộ khu vực cổng Công viên Thống Nhất và hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); Xây dựng phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám thành phố đi bộ cuối tuần, trở thành không gian văn hóa với nhiều hoạt động văn hóa, lịch sử liên quan đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); Tuyến phố đi bộ tại Khu đô thị Nam đường Vành đai 3 - Bitexco (quận Hoàng Mai); Không gian đi bộ xung quanh Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); Khu phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); Khu phố kinh doanh dịch vụ - đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình)...
Không chỉ Hà Nội, nhiều điểm đến du lịch trên cả nước các mô hình du lịch đêm cũng đang tạo ra những tín hiệu đầy khởi sắc. Đơn cử như phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM); Bà Nà Hills, biển Mỹ An (Đà Nẵng)…Các sản phẩm du lịch đêm đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến, tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Du lịch đêm còn kéo dài thời gian lưu trú và kích thích khả năng chi tiêu của du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch.
Theo Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm mới đáng kể, chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong đường tour của khách. Bởi ban ngày khách chủ yếu đi tham quan các địa danh theo chương trình, chỉ buổi tối mới có thời gian để khám phá văn hóa, ẩm thực và các hoạt động khác.
Tìm hướng phát triển bền vững
Tuy nhiên, cùng với những lợi thế mà du lịch đêm mang lại thì hoạt động này cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức, chủ yếu liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương; các vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, rác thải, phòng cháy chữa cháy, tình trạng chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ cho hoạt động kinh doanh, kinh doanh mang tính chụp giật, gây phản cảm cho du khách và mất mỹ quan đô thị...
Chưa kể, đội ngũ quản lý nhà nước tổ chức, thực hiện và giám sát các hoạt động du lịch đêm còn mỏng; nguồn lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, thiếu kiến thức, kĩ năng về du lịch đêm cũng như hạn chế nhận thức về việc kinh doanh bền vững. Ngoài ra, thông tin các hoạt động, dịch vụ ban đêm của một số địa phương đến người dân và du khách còn chưa nhiều... Hiện tại hầu hết các tỉnh, thành có ngành du lịch được xem là kinh tế mũi nhọn, thì dịch vụ giải trí về đêm vẫn chưa được xem trọng, đầu tư.
Dẫn chứng về các mô hình du lịch đêm ở Hà Nội, PGS.TS Dương Văn Sáu - Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhìn nhận, việc phát triển du lịch về đêm là tất yếu, nhưng sẽ gây ra nhiều tiếng ồn ảnh hưởng đến khu dân cư, cơ hội để các tệ nạn xã hội phát sinh. Bởi vậy, Hà Nội cần chọn những khu vực phù hợp để phát triển du lịch về đêm, tránh phát triển rộng, rất khó kiểm soát; cần thành lập đội giữ gìn trật tự phối hợp với Cảnh sát khu vực cùng tổ dân phố để góp phần bảo đảm an ninh trật tự. Nếu có một cơ chế rõ ràng, du lịch về đêm tại Hà Nội sẽ được “thắp sáng”, tạo động lực lớn để phát triển kinh tế Thủ đô.
Còn theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để thúc đẩy khu vực này. Do đó, cần ban hành quy định cụ thể về thời gian hoạt động, địa bàn, các mặt hàng được phép kinh doanh và cơ chế xử lý để cơ quan chức năng, chính quyền các cấp quản lý; quy định các điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm.
Bà Giang cũng bày tỏ, với Hà Nội về lâu dài cần quy hoạch không gian cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...). “Thành phố cũng cần quy định điều kiện riêng đối với hoạt động kinh doanh về đêm, bổ sung nhân lực cho các lực lượng chức năng đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh ban đêm” - bà Giang kiến nghị.