(HNM) - Nhằm thích ứng với đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm. Điều này đã mang đến hiệu quả nhất định trong việc tạo sức sống mới đối với các sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm cho du khách, góp phần nhanh chóng phục hồi du lịch sau đại dịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Du khách sử dụng vé điện tử khi vào tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ảnh: Đỗ Tâm
Đổi mới tư duy kinh doanh
Trung tuần tháng 5-2022, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Thông tin (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra mắt hệ thống vé điện tử tại Văn Miếu, đồng thời triển khai các nội dung chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Hệ thống này giúp du khách dễ dàng mua vé đoàn, tra cứu hóa đơn và lưu trữ vé dưới nhiều hình thức.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, bên cạnh sự thuận tiện, nâng cao trải nghiệm cho du khách, việc triển khai hệ thống vé điện tử còn mang đến hình ảnh hiện đại tại một điểm di tích quan trọng của Hà Nội. Sau thời gian đưa hệ thống vào hoạt động, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và thu hút được rất nhiều khách trải nghiệm.
Hiện tại, nhiều di tích, bảo tàng, điểm đến khác trên địa bàn Thủ đô cũng đang tạo sức hút riêng nhờ vào những đổi mới trong xây dựng sản phẩm, nhất là đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản phẩm mới.
Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long thành công lớn trong xây dựng tour trải nghiệm đêm. Trong đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist (Tổng công ty Du lịch Hà Nội) đưa công nghệ chiếu sáng tại một số hố khảo cổ đã mang đến sự thích thú cho du khách. Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam ra mắt ứng dụng khám phá bảo tàng trên điện thoại thông minh. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng vừa giới thiệu ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA app với phí sử dụng là 50.000 đồng/lượt, cho phép người dùng xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm, đọc nội dung bài giới thiệu với 8 ngôn ngữ: Việt Nam, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Italia.
Ở lĩnh vực lữ hành, vào đầu tháng 6 vừa qua, Công ty Du lịch Vietravel khai trương gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử với hàng ngàn tour du lịch chào hè hấp dẫn. Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel Nguyễn Nguyệt Vân Khanh chia sẻ, đây là bước đổi mới trong tư duy kinh doanh, không chỉ là đầu tư ứng dụng công nghệ trong xây dựng sản phẩm, mà còn là phương thức bán hàng để hấp dẫn khách du lịch nhiều hơn.
Du khách tham gia tour trải nghiệm đêm tại Hoàng thành Thăng Long.
Ảnh: Hoàng Quyên
Xây dựng hệ sinh thái thông minh
Theo Tổng cục Du lịch, hiện ngành Du lịch đã ứng dụng nhiều công nghệ mới trong công tác quản lý nhà nước và phục vụ du khách, như: Hệ thống Dashboard thông tin điều hành du lịch dành cho cơ quan quản lý; hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 đối với các cơ sở du lịch; ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" dành cho khách du lịch; ứng dụng "Hướng dẫn du lịch Việt Nam" dành cho doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; thẻ du lịch thông minh dành cho khách du lịch; hệ thống quản lý và bán vé điện tử dành cho các điểm tham quan...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, để phát triển du lịch bền vững, công nghệ số giữ vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch vẫn chưa đồng bộ ở nhiều địa phương, doanh nghiệp nên chưa tạo được sự trải nghiệm mới mang tính phổ biến cho du khách.
Bàn về giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ số trong hoạt động du lịch, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, các đơn vị kinh doanh du lịch khi thực hiện chuyển đổi số cần tăng tính trải nghiệm cho du khách, chứ không phải là thay thế cho hoạt động du lịch thực tế. Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, các địa phương, đơn vị cần đào tạo đội ngũ nhân viên am hiểu, cập nhật xu hướng chuyển đổi số và sử dụng thành thạo công nghệ. Muốn vậy, cần có sự đổi mới tư duy, cách làm từ người đứng đầu địa phương, doanh nghiệp. Trước mắt, các địa phương, doanh nghiệp du lịch cần chủ động kết nối với các ứng dụng, nền tảng số của Tổng cục Du lịch để triển khai phù hợp, tạo nên một hệ sinh thái thông minh, có sự thống nhất cao từ đơn vị cung cấp dịch vụ đến du khách.
Hiện, Tổng cục Du lịch đang chuẩn bị triển khai Dự án chuyển đổi số trong ngành Du lịch, mục tiêu hình thành trục liên thông kết nối thông tin quản lý từ trung ương đến địa phương và cơ sở dịch vụ; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; sàn giao dịch điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch.
“Với sự thống nhất, chia sẻ của cơ quan quản lý du lịch và các địa phương, doanh nghiệp, việc chuyển đổi số, sử dụng ứng dụng công nghệ sẽ tạo sức sống mới cho sản phẩm du lịch, góp phần vào việc hấp dẫn du khách trong và ngoài nước nhiều hơn trong thời gian tới”, ông Hà Văn Siêu bày tỏ.