Đêm ấy, xuôi dòng trên quãng sông vắt qua phố cổ, cứ ngỡ như đang đắm mình vào một miền cổ tích thênh thang…
Lung linh sông Hoài một đêm hoa đăng
“ Hội An sống rồi, con ạ!”
Lâu rồi tôi mới có dịp trở lại Hội An. Lần gần nhất đến thăm phố cổ đã là bốn năm về trước. Suốt khoảng thời gian dịch bệnh, chỉ thấy qua báo chí những hình ảnh đìu hiu của Hội An, có lúc còn bị ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ. Câu đầu tiên tôi hỏi anh Quang - người lái xe đón tôi từ sân bay Đà Nẵng là: “Du lịch Hội An giờ đã trở lại bình thường chưa?”. Anh cho biết, phố cổ những ngày cuối tuần đã đông đúc trở lại, khách nước ngoài đã đến nhưng ít hơn trước nhiều. Resort nơi anh làm việc trước kia nhân viên trên 100 người, nay chỉ còn trên dưới 10 người và chủ yếu là người lớn tuổi.
“Người trẻ đi tìm việc ở các khu công nghiệp hết rồi” - anh Quang nói.
Buổi sáng đầu tiên ở Hội An, tôi đi dạo quanh khu resort mình lưu trú. Nơi này từng đóng cửa một thời gian dài. Nhà hàng phục vụ buffet chỉ còn hai đầu bếp làm việc và khách ghé qua ăn sáng cũng chỉ có vài người. “Hội An sống rồi, con ạ!” - cô Hồng, phụ bếp, nói với tôi như vậy. Nghe mà xốn xang.
Du khách hào hứng với đèn lồng phố cổ
Hoa sen trong hồ sau những mùa thiếu vắng bàn tay người chăm sóc, nay đã hồng lên trong nắng. Những đóa sen vẫn lặng lẽ rạng ngời ở nơi còn thưa vắng bóng người. Người dân Hội An làm kinh tế phần lớn nhờ vào du lịch, nhưng hơn hai năm dịch bệnh với những đợt giãn cách căng thẳng, phố cổ cũng oằn mình. “Thời gian khó khăn đó, gia đình anh lại đi giã chài kiếm sống, cố gắng xoay xở chờ qua cơn hoạn nạn” - anh Minh, chủ thuyền trên sông Hoài, nói khi dẫn tôi đi qua những ngõ nhỏ từ quán bánh mì Phượng để về phía cầu An Hội.
Bây giờ, hoa đăng lung linh ở sông Hoài.
Giá đi thuyền 150.000 đồng/chuyến (tối đa năm người). Tôi đi một mình, hòa vào những chuyến thuyền ngược xuôi cùng du khách thả hoa đăng trên sông. Chú Đặng Trái, người lái thuyền, chầm chậm khua mái chèo. Đến quãng sông thưa vắng khách, chú lấy một chiếc hoa đăng đưa tôi, bảo: “Thả hoa đăng và ước nguyện đi con”.
Dòng sông lấp lánh hoa đăng như sao rơi trên sông. Tôi thả chiếc đèn hoa của mình, không cầu nguyện điều gì cho bản thân mà chỉ nghĩ về hai chữ “bình an” cho mọi người. Bình an như đêm ấy, ai ai cũng hào hứng vui vẻ tận hưởng khoảnh khắc dạo chơi trên sông, lang thang bên bờ sông, nghe nhạc sống từ một nhà hàng hay hòa vào sân chơi bài chòi… Bình an, vì ai cũng đã trải qua quãng thời gian khó khăn nhất trong dịch bệnh. Bình an vì vẫn còn được bên cạnh nhau đây, giữa phố đông mà nói cười cùng nhau.
Bánh mì Phượng lúc nào cũng có khách xếp hàng chờ mua
Tôi đi giữa phố cổ một mình nhưng không cảm thấy lẻ loi vì xung quanh có biết bao niềm vui cộng hưởng. Trải qua những ngày im vắng, mới thấy thiên nhiên, cảnh vật đẹp nhất vẫn là khi có sự xuất hiện của con người. Sự vắng lặng của phố cổ trong những ngày bình thường có vẻ đẹp của trầm mặc cổ kính nhưng sự im ắng đìu hiu không một bóng du khách, nghĩ lại vẫn thấy xót xa.
Sông Hoài một đêm trăng, tôi đến để thấy mình được một lần chìm đắm vào một miền cổ tích lung linh có thật. Hội An đẹp nhất vào ban đêm, khi những chiếc đèn lồng thắp sáng giăng khắp phố cổ. Đêm ấy, cảm giác mình bước lạc vào một miền ánh sáng như thể trong giấc mộng thương nhớ nào. Hội An lần đầu tôi đến cách đây đã hơn mười năm. Năm ấy, hình như tôi cũng lang thang qua chùa Cầu, qua những con đường hoa giấy đặc trưng của phố cổ, ngồi bên gánh chí mà phù trứ danh, rồi đi thăm giếng Bá Lễ, đi dọc hai bên bờ sông Hoài…
Chừng ấy năm tháng, cảnh vật chẳng đổi thay, chỉ có người là đã đi qua một dặm dài, ký ức gìn giữ mãi những kỷ niệm đẹp, những người đã gặp ở miền đất gây thương nhớ này. Trên sông Hoài đêm trăng hôm nay, nhìn dòng nước lấp loáng mà nhớ sao là nhớ ngày xưa, cả người chị đã từng chở tôi từ Đà Nẵng về Hội An năm nào giờ đã không còn nữa...
Chạm vào bình yên
Tiệm cao lầu tôi ghé ăn vào buổi tối treo chiếc đèn lồng to màu vàng, nổi bật với chữ “Phúc - Cao lầu”. Món ăn tôi từng lầm tưởng là “phải ăn trên lầu cao” trong lần đầu đến đây, giờ có dịp thưởng thức lại, chậm rãi, trong một quán góc đường Phan Chu Trinh, đối diện là tiệm cơm gà khách vào ra liên tục. Thi thoảng có những chiếc xe điện chở khách dạo phố cổ chạy ngang.
Đến Hội An phải ăn cao lầu
Tôi nghe giọng nói của cả ba miền, phố đi bộ hết sức nhộn nhịp. Nhìn mà mừng cho Hội An đang dần phục hồi kinh tế du lịch. Bao nhiêu món ngon phố Hội đều được bày bán. Từng góc đường, từng ngõ phố đều có những gánh hàng ăn vặt, ăn khuya. Có gánh hàng bán mì Quảng của hai người già tựa lưng vào bức tường vàng cũ kỹ trông cứ như một bức họa đã được bố cục ánh sáng, màu sắc hết sức hài hòa.
45.000 đồng/tô cao lầu, 20.000 đồng/ly tàu hũ, 15.000 đồng/ly nước mía… Những món ngon mời gọi, những nụ cười Hội An hiền lành, tươi rói. Tôi ngồi xuống một gánh chè với đủ loại chè (mè đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu ván…) ăn đến no kềnh bụng vẫn cứ ngóng nhìn hàng nước thảo mộc, xe đẩy trái cây.
“
Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất
” - mỗi lần nhìn bước chân mình dạo qua những ngõ nhỏ của phố cổ trong thinh lặng, lại nhớ câu của nhà thơ Phạm Công Thiện. Đi một đêm làm sao hết hoang vu, nhưng đi để thấy một đêm nhân gian được thắp sáng bởi vầng trăng mười sáu tròn đầy, bởi những ánh hoa đăng lung linh như miền cổ tích. Đi để thấy yêu thương con người, yêu thương cuộc đời. Sau những gì con người phải trải qua, họ chính là vẻ đẹp tuyệt mỹ trong những vẻ đẹp của vĩnh cữu thời gian.
Buổi sáng còn lại với Hội An, tôi đạp xe ra cánh đồng có những quán “cà phê lúa” - cách gọi của người phố cổ khi chỉ đường cho khách lạ. Đó là những quán cà phê được xây giữa cánh đồng, tận dụng không gian xanh mát bình yên của đồng lúa, rất thu hút khách du lịch. Bạn có thể đến cà phê Chic Chillax (trên đường Nguyễn Trãi, thuộc phường Cẩm Sơn, Hội An), gần đó có quán Roving Chillhouse hoặc Lúa Café (110 Lý Thái Tổ), Café Hoa lúa Hội An (phường An Mỹ)… Giá thức uống từ 60.000 đồng trở lên. Các quán có phục vụ đồ ăn với thực đơn đa dạng. Xa hơn, cách phổ cổ khoảng 7km, có quán Lò Gạch Cũ, gần đây là điểm đến yêu thích của nhiều bạn trẻ.
Tôi ghé Chic Chillax, chọn một chỗ ngồi nhìn ra đồng lúa và mấy cây rơm, uống một tách trà gừng gạo rang nóng và lặng im nghe giai điệu của những ca khúc bất hủ. Tháng Sáu, cánh đồng đang là mùa mạ non của vụ thu đông. Những lá mạ xanh nõn trong nắng sớm.
Khách thích thú đi dạo trên cây cầu tre bắc qua ruộng lúa, ngồi bên cây rơm, nơi những bậc thềm tạo dáng chụp hình. Đồng lúa ở đây được canh tác hữu cơ. Tận dụng vẻ đẹp của cánh đồng, người Hội An đã xây dựng mô hình kinh doanh “cà phê lúa” khá độc đáo - một cách để du khách “chạm” vào Hội An ở một góc độ khác, không phải là những ngõ nhỏ quanh phố cổ, cũng không có đèn lồng mà chỉ có một cánh đồng ngoại ô thanh bình.
Tôi ngồi ngắm chiếc chong chóng gió xoay xoay bên cây rơm, chừng như đó là vật thể chuyển động duy nhất giữa khung cảnh nên thơ yên tĩnh này. Không gian quán tràn ngập những giai điệu hòa tấu của bài A time for us. Thời gian có lúc như ngưng đọng vào những khoảnh khắc ta cảm thấy hạnh phúc nhất hoặc chìm sâu nhất.
Tôi trở về khi giai điệu
A time for us
vừa khép lại. Thời gian cho chúng ta để đến và đi, để nhớ và quên, để kết thúc và bắt đầu...
Một ngày về thăm phố cổ, không phải là một đêm trăng trên sông Hoài hay một buổi sáng ngoài cánh đồng mà như thấy cả một đoạn dài của đời người, như một khúc vọng…
Bài và ảnh: Bùi Tiểu Quyên