(Tổ Quốc) - Nhân lực ngành khách sạn của Saudi Arabia đang được tăng cường đào tạo để đón đầu sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng khách.
Dưới sự giám sát của một người hướng dẫn, Munira al-Rubaian đang trải bộ khăn trải giường mới trong một căn phòng khách sạn mô phỏng ở thủ đô Saudi Arabia. Tham gia khóa đào tạo này, Munira al-Rubaian hướng đến trở thành một nhân viên trong ngành du lịch đang phát triển của vương quốc sa mạc.
Cô gái 25 tuổi chưa có việc làm này là một trong số hàng nghìn người Saudi Arabia đăng ký tham gia chương trình Tiên phong Du lịch do nhà nước triển khai. Chương trình này hướng đến đào tạo cho 100.000 người tìm việc làm trong lĩnh vực du lịch – ngành đang được chính phủ nước này dự đoán rằng đang có nhiều cơ hội mới.
Tại hai cơ sở ở Riyadh, Rubaian và các thực tập sinh khác rèn luyện các công việc như đón tiếp khách trong khách sạn, phục vụ thức ăn trong các nhà hàng cao cấp và lau dọn sạch sẽ các dãy phòng sang trọng.
Một số người khác được gửi ra nước ngoài tham gia các khóa học ngắn hạn ở các nước có ngành du lịch tiên tiến hơn nhiều như Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Pháp.
Lực lượng nhân lực này được đào tạo rất đa dạng, bao gồm nhân viên hỗ trợ vận chuyển hành lý, dọn dẹp, phục vụ phòng hay cả quản lý khách sạn. Đội ngũ này đang được kỳ vọng sẽ giúp Saudi Arabia - một vương quốc vùng Vịnh nổi tiếng bảo thủ và khép kín, chỉ mới mở cửa du lịch cách đây 3 năm - tạo được ấn tượng tích cực đối với những du khách lần đầu đến thăm.
Kế hoạch này cũng hỗ trợ mục tiêu của chính phủ là sử dụng nhiều người dân địa phương hơn vào các vai trò mà thường chỉ có người lao động nhập cư mới làm.
Theo đó, Rubaian, trong trang phục niqab truyền thống, đã đăng ký tham gia chương trình Du lịch Tiên phong sau khi những nỗ lực tìm việc làm tại một khách sạn chẳng đi đến đâu. Với khóa học này, Rubaian lạc quan rằng kinh nghiệm sẽ giúp cô ấy dễ dàng có việc làm hơn.
Saudi Arabia đang nỗ lực đào tạo nhân lực đón làn sóng du khách mới. Ảnh: AFP.
"Tôi có được cơ hội học hỏi và nâng cao khả năng tìm việc làm của mình. Bây giờ tôi sẽ có thêm kinh nghiệm và sự tự tin để giao tiếp với mọi người", Rubaian nói với AFP.
Mục tiêu lâu dài của Saudi Arabia
Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman, người lãnh đạo trên thực tế 37 tuổi của Saudi Arabia, đang muốn dựa vào sự bùng nổ du lịch để đa dạng hóa nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Vào năm 2019, hai năm sau khi Thái tử Mohammed trở thành người đứng đầu danh sách kế vị, quốc gia này đã bắt đầu cấp thị thực du lịch. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy đến đã dập tắt hi vọng về một làn sóng du khách mới vào thời điểm đó.
Các nhà chức trách nước này vẫn cam kết thực hiện mục tiêu thu hút 30 triệu khách nước ngoài mỗi năm từ năm 2030 và đang phấn đấu vì mục tiêu này.
Các quan chức nước này cũng dự tính có một số lượng khách lớn sẽ hành hương tôn giáo, phần lớn đến Mecca và Medina ở phía tây Saudi Arabia, hai địa điểm linh thiêng nhất của Hồi giáo.
Các quan chức hy vọng sẽ còn nhiều du khách đến các điểm tham quan mới như Al-Ula, một trung tâm nghệ thuật mới nằm giữa những ngôi mộ cổ của người Nabatean, và Dự án nghỉ dưỡng tương tự như Maldives ở Biển Đỏ.
Và dù vương quốc này đang dần nới lỏng nhiều quy định khắc nghiệt cũ về việc chiếu phim, tổ chức hòa nhạc dành cho cả nam và nữ, các quy định khác bao gồm lệnh cấm uống rượu vẫn được áp dụng và có khả năng làm giảm đi sức hấp dẫn của nước này.
Nhằm thu hút nhiều khách du lịch Ả Rập hơn và cạnh tranh tốt hơn với các đối thủ trong khu vực như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), tuần trước, Bộ Du lịch Saudi Arabia đã thông báo rằng các cư dân của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh có thể nộp đơn xin thị thực du lịch điện tử. Quyền đó lúc trước dành cho người dân từ nhiều quốc gia khác, chủ yếu ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Tăng cường đào tạo nhân lực
Và để biến ước mơ du lịch thành hiện thực, các nhà lãnh đạo Saudi Arabia nhận thấy cần phải tăng đáng kể số lượng người làm việc trong lĩnh vực du lịch.
-
Thị trường du lịch trực tuyến trị giá đến 9 tỷ USD và những thử thách của doanh nghiệp nội địa
Khoảng 850.000 người hiện đang làm việc trong lĩnh vực này, nhưng chỉ 26% trong số đó là người Saudi Arabia, theo số liệu chính thức.
Chương trình cải cách Tầm nhìn 2030 của Thái tử Mohammed cũng đang hướng đến tạo ra 1 triệu việc làm du lịch mới và thúc đẩy tỷ lệ người địa phương lên tới 70%.
Chương trình Du lịch Tiên phong, ra mắt vào tháng 6 năm nay, có ngân sách 100 triệu USD và có các hoạt động dành cho 52 công việc cụ thể từ cấp độ đầu tiên vào đến cấp quản lý.
Mohammed Bushnag, Thứ trưởng Bộ Du lịch phụ trách về phát triển nguồn nhân lực cho biết: "Chúng tôi cần nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực cho người Saudi Arabia ở mức độ cao nhất".
Theo đó, chương trình này có nhiều hoạt động học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế và theo ông Bushnag, cách thức đào tạo này sẽ đảm bảo người Saudi Arabia sẽ chuyên nghiệp hơn và có thể cung cấp dịch vụ ở mức độ cao.
Ông nói: "Chúng tôi rất quan tâm đến chất lượng và sự tiếp xúc với tiêu chuẩn toàn cầu của người Saudi Arabia. Đội ngũ nhân lực này cho đến nay vẫn chưa biết đến cách thức hoạt động của ngành du lịch các nước khác. Do vậy, chúng tôi cần thu hẹp khoảng cách này."
An Bình