Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Truyện cổ tích Việt Nam: Cây khế”. Ảnh: vnpost.vn
Truyện cổ tích Cây khế (còn có tên khác là truyện Ăn khế trả vàng) có nội dung lên án những kẻ tham lam, ích kỷ cuối cùng cũng sẽ bị trừng phạt thích đáng, còn những người lao động chân chính hiền lành, chất phác sẽ được đền đáp xứng đáng. Đây là một trong số những truyện cổ tích được yêu thích trong kho tàng cổ tích Việt Nam với nhiều bài học ý nghĩa về tình cảm gia đình, anh em, về tinh thần chăm chỉ lao động, về quy luật nhân quả của cuộc sống.
Bộ tem "Truyện cổ tích Việt Nam: Cây khế" gồm 4 mẫu và 1 blốc do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế. Các mẫu tem được thiết kế liên hoàn để người xem dễ hiểu được nội dung, diễn biến câu chuyện. Bộ tem có khuôn khổ 32 x 43 mm, blốc có khuôn khổ 120 x 120 mm. Về tổng thể, bộ tem là một cuốn chuyện cổ tích ngắn gọn, xúc tích. Mỗi con tem như một bức tranh minh họa cho chuyện cổ tích với nét vẻ sinh động, mầu sắc rực rỡ, cuốn hút người xem. Trong đó, mẫu tem thứ nhất nhắc đến chuyện hai anh em chia tài sản, người anh tham lam, lấy hết tài sản, đuổi vợ chồng người em đi. Mẫu tem thứ 2 là hình ảnh chim lạ trở người em đến đảo lấy vàng. Mẫu tem 3 là vợ chồng người anh bàn nhau đổi nhà to để lấy mảnh vườn có cây khế. Mẫu tem 4 là hình ảnh người anh do tham lam lấy quá nhiều vàng đã ngã khỏi lưng chim, rơi xuống biển. Blốc tem là cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, đủ đầy của vợ chồng người em.
Các chi tiết cơ bản được chắt lọc, đưa vào nội dung tem để người xem nắm được nội dung câu chuyện. Hình ảnh trên tem thể hiện yếu tố mang tính đại diện của văn hóa thuần Việt với nhà cổ 5 gian, sân gạch, cây rơm, đàn trâu, ruộng lúa… Tính cách các nhân vật, sự thật thà hay gian xảo, chăm chỉ hay lười biếng… đều được khắc họa tương phản rõ ràng. Hình ảnh cây khế được thể hiện xuyên suốt cả bộ tem. Đặc biệt kết chuyện có hậu, phản ánh quan niệm của người Việt về nhân quả thể hiện trên mẫu blốc.
Tem có các mức giá 4.000 đồng, 6.000 đồng và 15.000 đồng, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính từ ngày 25/6/2022 đến ngày 31/12/2023.