(HNMCT) - Y Tý, xã vùng cao biên giới của huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, được biết đến như là một cao nguyên thơ mộng, nơi quanh năm mây mù bao phủ, nơi “phải đến” một lần trong đời đối với những người yêu thiên nhiên, muốn khám phá văn hóa bản địa. Mỗi độ thu về, cao nguyên Y Tý khoác lên mình lớp áo vàng ươm của lúa chín - màu của mùa màng bội thu.
Du khách khám phá chợ phiên Y Tý.
Sắc vàng nơi rẻo cao
Mặc dù chỉ cách thành phố Lào Cai 80km, cách huyện lỵ Bát Xát 68km, nhưng để đến được Y Tý phải đi khoảng 5 - 6 tiếng đồng hồ do cung đường khá hiểm trở, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nhiều. Nếu tính cả chặng đường từ Hà Nội, du khách sẽ mất khoảng 12 tiếng di chuyển. Bù lại, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng suốt dọc hành trình để lại cho du khách ấn tượng khó quên.
Ai đó đã nói, đại ý: Hạnh phúc không phải đích đến mà là niềm vui trên mỗi chặng đường. Đi trên cung đường khám phá Y Tý vào độ thu về, du khách không khỏi choáng ngợp trước những thung lũng ngút ngàn lúa chín vàng. Không ít du khách đã trầm trồ khi thấy xã A Lù được bao phủ bởi những “làn sóng” ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp, chảy tràn từ đỉnh núi xuống thung lũng bao la. Những giọt nắng nhảy múa trên những cánh đồng ở Ngải Thầu, Dền Sáng, xa xa là bản làng với những nếp nhà sàn lúp xúp như những nét chấm phá trên bức tranh mùa vàng. Tới Sàng Ma Sáo, những tàng mây mỏng manh như làn khói lúc phủ nhẹ lên đỉnh núi phía xa, lúc lại ào về khiến khung cảnh, con người chìm trong màn sương huyền ảo... Đi giữa mùa vàng, trong mùi lúa ngọt ngào hương sữa, hòa mình vào không khí ngày mùa nhộn nhịp của người dân bản địa mà chủ yếu là người Dao, Mông, Hà Nhì, du khách sẽ cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp của cuộc sống vùng cao, để thấy thêm yêu đất nước mình.
Không chỉ bận rộn với công việc vụ mùa, phụ nữ Mông còn tranh thủ lúc nhàn rỗi ngồi thêu khăn, trang phục ngay bên bờ ruộng. Thi thoảng, những đứa trẻ chăn trâu lại chạy đến bên bà để trò chuyện. Vừa thoăn thoắt đưa những mũi kim thêu hoa văn sặc sỡ trên nền vải chàm, bà Giàng Seo Mử, 62 tuổi, ở thôn Lao Chải, vừa chỉ cho cháu gái cách thêu sao cho nhanh và đẹp nhất. Cách đó không xa, anh Giàng A Lềnh nhanh tay tuốt lúa trên máy, vừa thân thiện trả lời du khách về các công đoạn thu hoạch. Xung quanh anh còn khoảng chục người nữa đợi đến lượt. Vào ngày mùa, các gia đình thường hỗ trợ nhau bởi để gặt hết những vạt ruộng, mỗi nhà phải mất hằng tuần. Sau khi gặt, tuốt lúa xong người ta chất rơm lên xe tải mang về để đun bếp. Những tải thóc căng đầy được bảo quản thật kỹ để làm lương thực và nấu rượu trong cả năm. Nhờ kỹ thuật canh tác ngày càng được cải thiện nên mỗi gia đình thường có đủ gạo dùng đến mùa sau, thậm chí còn dư để mang ra chợ bán.
Chợ phiên - nét văn hóa đặc trưng
Đến Y Tý, du khách không nên bỏ lỡ phiên chợ vào thứ bảy hằng tuần. Từ tờ mờ sáng, các bà các chị người Hà Nhì đã đội những chiếc gùi cao trên đầu, mang theo các loại rau, cà chua, bí thơm, bí ngô, cà đắng, thịt lợn, gà... để bán. Chợ phiên Y Tý là nơi buôn bán chủ yếu của người Hà Nhì, một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất tại Việt Nam hiện nay. Họ sinh sống tập trung đông nhất ở vùng Y Tý và một xã khác của huyện Bát Xát. Bên cạnh đó, người Dao, người Mông cũng đến chợ này để trao đổi, mua bán hàng hóa. Phụ nữ Mông mang những chiếc quẩy tấu (gùi) to sau lưng, vừa đi vừa tranh thủ se lanh để may trang phục cho năm mới. Mỗi khi các bà các chị bước đi là những đồng bạc nhỏ đính trên xà cạp hay thân áo lại va vào nhau, tạo nên âm thanh như tiếng nhạc. Hòa mình vào nét văn hóa bản địa đa dạng, đầy màu sắc ấy, du khách sẽ có thêm trải nghiệm, khám phá thú vị về vùng đất và con người Y Tý.
Sau khi dạo chợ, chị Vũ Thị Thu Huyền (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Tôi đã đến nhiều nơi ở vùng Tây Bắc, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tới Y Tý. Cao nguyên này mang tới cho tôi rất nhiều cảm xúc đặc biệt bởi những sắc màu văn hóa khác biệt, nền ẩm thực đa dạng cùng hành trình thú vị với nhiều bất ngờ. Tôi sẽ quay lại đây vào các mùa khác trong năm để tiếp tục khám phá vẻ đẹp của Y Tý”.
Chia sẻ về tiềm năng phát triển du lịch của Y Tý, Giám đốc Công ty du lịch S-Travel Nguyễn Hồng Thắng, người có nhiều năm gắn bó với du lịch Lào Cai cho biết: “Đây đang là thời điểm lý tưởng để đi Y Tý. Mặc dù chưa thu hút được lượng khách đông đảo như Mù Cang Chải (Yên Bái) hay các điểm “săn lúa" rất “hot” khác ở vùng Tây Bắc nhưng năm nay, lượng khách đến Y Tý tăng mạnh so với các năm trước. Một phần bởi sau dịch, du khách có tâm lý đi du lịch “bù”, một phần vì Y Tý cũng bắt đầu khẳng định được thương hiệu bởi vẻ đẹp nguyên sơ. Đó chính là nét hấp dẫn đối với những du khách ưa khám phá vùng cao, trải nghiệm văn hóa bản địa”.
Tuy nhiên, để giữ được nét hấp dẫn riêng có của Y Tý, người dân, chính quyền địa phương, du khách và các doanh nghiệp lữ hành cần hướng tới việc bảo tồn văn hóa, giữ gìn trang phục, kiến trúc nhà ở truyền thống và các phong tục tập quán riêng của từng dân tộc. Nếu để tình trạng “Kinh hóa” như ở nhiều nơi, Y Tý sẽ đánh mất đi vẻ đẹp quyến rũ, khác biệt vốn có của mình.