Món
ăn vặt
bí ẩn, không nguồn gốc xuất xứ
Trong vài thập kỷ trở lại đây, Ram Kand Mool trở thành món ăn vặt nổi tiếng, thường xuyên xuất hiện trên các góc phố ở Ấn Độ. Nó có hình trụ giống như cái trống, vỏ ngoài màu đỏ còn ruột trắng ngà. Mỗi củ có thể nặng tới 300kg.
Món ăn được người bán hàng giới thiệu giúp giải nhiệt mùa hè, làm dịu cơn đói khát, thậm chí làm giảm đau. Khi có khách tới mua, người bán hàng sẽ gọt bỏ lớp vỏ ngoài, cắt thành lát mỏng, xát chanh lên trên rồi đựng trên tờ giấy báo cũ. Món ăn được dùng kèm các gia vị như ớt, muối, đường, chanh, mật ong để tạo hương vị.
Cận cảnh món Ram Kand Mool bày bán trên đường phố Ấn Độ (Ảnh: Odd).
Những thực khách nếm thử Ram Kand Mool mô tả lại món ăn có vị giòn mát như cùi dừa, vị khá nhạt. Hầu hết hương vị của chúng là do các gia vị ăn kèm tạo nên.
Trong thần thoại Ấn Độ, Ram Kand Mool là nguồn thực phẩm duy nhất giúp thần Rama sống sót sau khi ông bị đày vào rừng sâu cùng vợ Sita và anh trai Lakshman.
Đây vốn là món ăn vặt phổ biến với người dân địa phương (Ảnh: News).
Điều thú vị nhất về món ăn này là suốt hàng chục năm nay, không người bán hàng nào chịu tiết lộ về nguồn gốc của nó. Rốt cuộc nó là củ hay rễ cây, được mọc từ loài thực vật nào. Tất cả đều được "giấu kín" để tạo sự tò mò cho thực khách.
Khi hỏi người bán hàng, thực khách chỉ nhận được câu trả lời đơn giản, rằng củ do những người già trong làng thu hoạch hoặc bên thứ ba bán ra. Còn nguồn gốc thực sự của loài thực vật này, mỗi người lại đưa ra câu trả lời khác nhau.
Món
ăn vặt
bí ẩn: Các chuyên gia vào cuộc, tiến hành xét nghiệm ADN
Vào những năm 1980, các nhà thực vật học ở Ấn Độ bắt đầu quan tâm tới Ram Kand Mool. Họ bắt đầu hành trình tìm kiếm nguồn gốc thực sự của loài cây này. Khi hỏi những người bán hàng, nhóm chuyên gia nhận được câu trả lời không như mong đợi. Một số từ chối tiết lộ "bí mật", số khác nói mua từ bên thứ 3.
Tới năm 1994, một nhà thực vật học có tên Koppula Hemadri đã đi khắp Ấn Độ để tìm ra sự thật. Cuộc tìm kiếm kết thúc, chuyên gia này tin rằng đây là một phần của cây thùa - loại cây có hình dáng khá giống nha đam.
Các chuyên gia từng xét nghiệm ADN lát mỏng để tìm xem nguồn gốc của nó thuộc loại thực vật nào (Ảnh: News).
Cũng trong năm này, Tiến sĩ Ali Moulali bỏ ra số tiền 2.000 Rupee Ấn Độ (gần 600 nghìn đồng) để "mua chuộc" người bán hàng, hỏi về nguồn gốc món ăn. Ông nhận được câu trả lời đó là, thành phần của Ram Kand Mool là Kitta Nara - cái tên để mô tả xơ thùa. Người bán hàng nói thêm, món ăn không phải làm từ củ hay rễ, mà là một thứ mọc trên mặt đất.
Năm 2010, nhóm các chuyên gia tiến hành xét nghiệm ADN của một lát củ. Kết quả cho thấy, nó trùng với ADN của cây thùa tới 89%. Loại cây này chứa nhóm hợp chất hữu cơ thiên nhiên có nhiều trong cây họ cà hay họ thuốc phiện. Nếu ăn với số lượng lớn có thể khiến người dùng gặp nguy hiểm. Bởi vậy thực khách mỗi lần ăn chỉ được phục vụ những lát mỏng.
Tới năm 2011, các chuyên gia tiếp tục tìm kiếm và chỉ "đích danh" loại cây tạo ra món ăn này là "agave sisalana" (thùa sợi). Ram Kand Mool chính là phần thân.
"Tuy vậy, chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận chính xác chỉ trừ khi người bán hàng cho xem cách họ chế biến món ăn. Nhưng họ vẫn giữ kín điều này như bí mật kinh doanh để tạo ra sự tò mò, thúc đẩy việc mua bán", Tiến sĩ Vinod B. Shimpale, đồng tác giả nghiên cứu năm 2011 cho biết.
Người bán hàng cắt từ lát mỏng phục vụ khách (Ảnh cắt từ clip).
Cũng vì nguồn gốc đặc biệt của món ăn khiến Ram Kand Mool càng trở nên bí ẩn, thu hút nhiều thực khách tới mua và ăn thử.