Du khách tìm đến Kon Tum sẽ được thưởng thức nhiều món ngon đặc trưng của vùng đất nắng gió này. Nhiều trong số đó là những đặc sản đến từ các dân tộc thiểu số sinh sống tại đây. Bởi vậy ẩm thực Kon Tum vô cùng khác biệt và là điều mà bạn nhất định phải khám phá.
Đến đây, du khách sẽ được nếm thử những món ăn đến từ thiên nhiên, đậm vị núi rừng. Điển hình trong đó là những món được chế biến từ cá niêng.
Cá niêng là loài cá thường chỉ xuất hiện vào thời điểm mùa xuân chuyển sang mùa hè. Lúc này thời tiết ở Kon Tum vừa se lạnh và bắt đầu có nắng ấm hơn. Người dân nơi đây bắt đầu trèo đèo lội suối để tìm bắt cá niêng.
Theo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đây, cá niêng xuất hiện nhiều nhất ở các con sông, suối của huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Loại cá này thường ẩn nấp rất khôn khéo trong các khe suối, hốc đá. Muốn bắt được cá, người dân thường dùng mồi để câu chứ không thể dùng lưới đánh bắt được. Cũng vì vậy mà để câu được cá niêng rất vất vả và tốn thời gian. Du khách đến đây có thể trải nghiệm ngồi câu cá niêng và thưởng thức loại cá này tại chỗ.
Mồi dùng để câu cá niêng này phải chuẩn bị khá kỹ bởi chúng không phải là loại cá ăn tạp. Mỗi mùa lại phải sử dụng một loại mồi câu khác nhau. Đặc biệt, từ tháng 11 đến tháng Chạp, đây là thời điểm cá niêng không xuất hiện nhiều nên người dân thường dùng trùn chỉ để làm mồi. Trùn chỉ là thức ăn hấp dẫn cá niêng nhất vào mùa đông. Gần sang hè, mọi người lại dùng bọ đá hoặc sâu xanh để làm mồi. Theo kinh nghiệm đi câu của người dân địa phương hoặc các bạn đến đây du lịch, mép cá niêng rất mỏng. Chính vì thế, khi cá đã bén mồi mà người câu lại giật mạnh có thể sẽ làm rách môi cá. Lúc này, theo phản xạ chúng sẽ rớt xuống suối trở lại. Như vậy cả quá trình câu cá lại quay trở về vạch xuất phát.
Loại cá này có bề ngoài khá đẹp và bóng bảy, có phần thân thuôn, tròn như cá chép. Cá niêng còn được gọi bằng một số tên khá như cá niên, cá mác và cá sỉnh cao. Cá niêng có kích thước vừa nhỏ. Con cá trưởng thành chỉ to hơn bàn tay người một chút. Dù kích thước khiêm tốn nhưng loại cá này lại rất ngon và có nhiều dinh dưỡng. Đây cũng là một đặc sản Kon Tum được nhiều người yêu thích.
Loại cá này luôn bơi ngược dòng nước nên xương cứng, thịt chắc chứ không bở, lại không tanh mà thơm ngọt tinh khiết, nhiều chất dinh dưỡng. Loài cá này chỉ ăn rêu, rong tảo bám quanh gờ đá nên ruột rất sạch, không có mùi tanh có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon lành khác nhau.
Ngày nay, danh tiếng về sự thơm ngon của cá niêng đã vượt qua những cánh rừng, từ chỗ là món ăn dân dã thường ngày của bà con dân tộc vùng cao, nay cá Niêng đã có tên trong danh sách những món ăn đặc sản của Đăk Glei. Các Niêng đánh bắt về chế biến thành nhiều món ăn như: nướng trui, kho mặn, làm lẩu măng chua, gỏi với rau dớn…
Trước đây món cá Niêng dân dã này thường xuyên có mặt trong bữa cơm của người đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Glei. Nhờ sự thơm ngon tuyệt vời nó đã trở thành món ăn đặc sản được nhiều người săn tìm và xuất hiện trong các nhà hàng, quán ăn nơi phố thị. Ngày nay loại cá này không dễ dàng đánh bắt và được bán với giá khá cao (200.000 - 300.000 đồng/kg), nhưng không phải lúc nào muốn thưởng thức đều có ngay, bởi do khai thác quá mức, cộng với cách thức khai thác tận diệt – dùng điện chích nên lượng cá n iêng trên sông suối đã sụt giảm đi nhiều, cũng vì vậy mà những món ngon chế biến từ loài cá này theo đó cũng hiếm hoi mới được thưởng thức.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/loai-ca-suoi-xua-nay-khong-ai-biet-gio-thanh-dac-san-ai-cung-lu...
Theo H.M Tổng hợp (Phụ Nữ Việt Nam)