Bảo tàng Cúc Phương : Nơi lưu giữ bộ xương người tiền sử
Bảo tàng Cúc Phương thuộc mạng lưới Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam theo quyết định số 637/QĐ-BNN-TCCB của Bộ NNPTNT.
Trong nhiều năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, cùng với sự hợp tác một số Tổ chức quốc tế, Vườn quốc gia Cúc Phương đã điều tra thu thập được một lượng lớn mẫu vật trưng bày tại bảo tàng.
Clip: Khám phá Bảo tàng Cúc Phương
Các mẫu vật đang được lưu giữ gồm hơn 13.000 mẫu tiêu bản thực vật và 100 mẫu tiêu bản nấm, 450 mẫu (thú, chim và bò sát), 4.000 mẫu côn trùng các loại và hơn 300 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản Bò sát răng phiến có niên đại khoảng 230-250 triệu năm.
Bảo tàng Cúc Phương gần 50 năm hình thành và phát triển. Ảnh: Vũ Thượng
Ngoài ra, còn có bộ xương người tiền sử có niên đại 7.500 năm và các công cụ đá của người tiền sử. Hiện nay trong số các mẫu động, thực vật đang lưu giữ trên, có nhiều mẫu chuẩn và đồng chuẩn (gồm 1 mẫu thú, 1 mẫu rắn, 20 mẫu thực vật), một số mẫu vật là các mẫu duy nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, lượng mẫu vật của các loài động vật có xương sống chiếm tỷ trọng rất thấp so với số loài hiện có tại Cúc Phương.
Bảo tàng Cúc Phương lưu giữ bộ xương người tiền sử. Ảnh: Vũ Thượng
Đối với các mẫu về hóa thạch cổ sinh vật, khảo cổ và khoáng vật còn chưa được sưu tầm. Đây là hạn chế rất lớn trong công tác điều tra, thống kê, sưu tầm mẫu vật trong thời gian qua của Vườn quốc gia Cúc Phương.
Hấp dẫn hàng đàn bướm đủ màu sắc bay rợp trời và đậu ven đường khi đến thăm
bảo tàng Cúc Phương
Tại Bảo tàng Cúc Phương du khách khi tới đây tham quan sẽ trực tiếp quan sát trên tháp bướm với khoảng 350 mẫu bướm trong tổng số 380 loài được phát hiện ở đây.
Cúc Phương nổi tiếng với đa dạng loài bướm. Ảnh: Vũ Thượng
Đặc biệt, khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5 dương lịch hàng năm, du khách đến với Cúc Phương có cơ hội chứng kiến rất nhiều luồng bướm nối đuôi nhau như những dòng suối, bay khắp rừng và đậu ven đường với hàng triệu cánh bướm lung linh màu sắc.
Tháp bướm tại Bảo tàng Cúc Phương. Ảnh: Vũ Thượng
Riêng tầng 1 của Bảo tàng Cúc Phương, ngoài chiêm ngưỡng tháp bướm, du khách còn được tìm hiểu về lịch sử hình thành trái đất cũng như sự sống thông qua đồ họa cây tiến hóa sinh giới, vòng đời của bướm...
Khác với tầng 1, tầng 2 của Bảo tàng sẽ mở ra cho du khách không gian vô cùng lý thú về giá trị đa dạng sinh học và văn hóa của cánh rừng nguyên sinh Cúc Phương.
Bảo tàng Cúc Phương hiện lưu giữ, trưng bày khoảng450 mẫu thú, chim, bò sát...Ảnh: Vũ Thượng
Anh Trần Văn Thắng (quê Thanh Hóa) cho biết: "Tôi đã nghe nói rất nhiều đến Bảo tàng Cúc Phương nhưng nay gia đình mới có thời gian đến tham quan, khám phá. Thật sự tại Bảo tàng Cúc Phương lưu giữ nhiều mẫu vật, trong đó có cả động vật như: Con hổ, báo, cáo,…các cháu nhỏ rất tò mò, thích thú".
Được biết, Cúc Phương nằm trong khí hậu nhiệt đới, gió mùa nóng, ẩm quanh năm, vì vậy rất thích hợp cho nhiều loài thực vật sinh trưởng và phát triển.
Các mẫu hiện vật được Bảo tàng Cúc Phương bảo quản cẩn trọng. Ảnh: Vũ Thượng
Theo thống kê của các nhà khoa học thì Cúc Phương hiện có gần 2.500 loài thực vật bậc cao. Trong đó, có rất nhiều loài cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao như Đinh hương, Lim xanh, Chò xanh, Chò chỉ.
Ngoài những loài cây gỗ quý, Vườn còn có khoảng 400 loài cây thuốc, 300 loài cây ăn được và còn nhiều loài thực vật bậc thấp mà các nhà khoa học chưa nghiên cứu.
Cúc Phương thu hút đông du khách đến tham quan, khám phá mỗi năm. Ảnh: Vũ Thượng
Bên cạnh đó, hệ động vật Cúc Phương cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất, hiện Cúc Phương có 137 loài thú, trong đó loài thú lớn nhất là Gấu ngựa với trọng lượng cơ thể lên tới 200 kg.
Du khách nước ngoài chọn Cúc Phương là nơi trải nghiệm thú vị. Ảnh: Vũ Thượng
Bạn Đỗ Thị Thùy Dương (quê Thanh hóa) cho biết: "Lần đầu đến với Bảo tàng Cúc Phương, tôi đã dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim các mẫu vật để về giới thiệu với bạn bè. Sau khi đến đây, tôi cảm thấy yêu thiên nhiên, yêu Cúc Phương nhiều hơn".
Bảo tàng Cúc Phương luôn là điểm tham quan ý nghĩa, với không gian yên tĩnh, tâm hồn du khách trở nên thư thái, con người với thiên nhiên được hòa quyện. Qua đó, du khách có thêm tình yêu thiên nhiên, trân trọng và ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với thiên nhiên.