Sa Pa (Lào Cai) là một trong những địa điểm đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số. Mùa lúa chín tại Sa Pa cũng là thời điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn thu hút mạnh du khách trong nước và quốc tế.
Mỗi ngày, hàng trăm đoàn du khách trong nước và quốc tế ùn ùn đổ lên Sa Pa để trải nghiệm và khám phá loại hình du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn.
Những bản làng xa xôi, hẻo lánh, nằm sâu trong thung lũng, rừng núi... của đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa luôn thu hút du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Chính vì vậy, để hỗ trợ sự trải nghiệm của du khách, nhiều công ty lữ hành cũng tổ chức nhiều tour du lịch Trekking (là hoạt động đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên hoang dã, kết hợp du lịch dã ngoại...).
Du khách trải nghiệm tour du lịch cộng đồng tại bản Giàng Tà Chải (Sa Pa). Ảnh: Gôn Râu.
Thêu thổ cẩm là một nghề truyền thống của người Dao đỏ ở bản Tả Phìn (Sa Pa). Chị Phàn San Mẩy (xã Tả Phìn, Sa Pa) cho biết, Tả Phìn có 2 câu lạc bộ thổ cẩm, nhóm Dao với gần 200 thành viên tham gia tích cực và thường xuyên. Với hơn 5.000 loại sản phẩm, trong đó hơn 70% xuất khẩu sang Ý, Pháp, Mỹ…
Ngoài việc thêu để phục vụ bản thân và gia đình, chúng tôi còn đưa vào các chương trình du lịch cộng đồng để du khách có thể trải nghiệm được các nét đẹp văn hóa, nghề truyền thống của người Dao đỏ bản Tả Phìn, chị Phàn San Mẩy chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, nhiều địa điểm du lịch gắn với sinh hoạt thường ngày thời xa xưa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng thu hút du khách. Trong ảnh, một nhóm sinh viên tới từ Hà Nội mặc trang phục dân tộc, chụp ảnh check-in bên cầu mây cổ trăm năm tuổi tại bản Giàng Tà Chải (xã Tả Van ,Sa Pa).
Để phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình tại các bản như Tả Phìn, Tả Van, Sín Chải... cũng đầu tư xây dựng các homestay (là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ ăn, ngủ, nghỉ tại nhà người dân bản địa).
Du khách trải nghiệm bữa ăn trong ngày Rằm tại bản Tả Phìn. Chị Thùy Dương (du khách tới từ Hà Nội) cho biết: "Bên cạnh việc khám phá những cánh đồng lúa chín vàng óng tại Sa Pa, tôi còn rất thích trải nghiệm cuộc sống, văn hóa trong các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Mọi thứ đều vô cùng thú vị".
Theo ông Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, trong mục tiêu chung về phát triển du lịch, du lịch cộng đồng đã được tỉnh Lào Cai quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt, nhằm phát huy tiềm năng, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, duy trì và khẳng định thương hiệu du lịch Lào Cai luôn là "điểm đến thiên nhiên, an toàn, hấp dẫn và khác biệt". Trong đó, thị xã Sa Pa với gần 120 năm lịch sử hình thành và phát triển, có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, khí hậu đặc trưng và bản sắc văn hóa độc đáo - là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh Lào Cai và của cả nước. Những năm qua, du lịch Sa Pa đã có những bước phát triển đáng kể, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đầu năm đến giữa tháng 7/2022, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 2,2 triệu lượt; trong đó khách quốc tế đạt trên 13.000 lượt, riêng lượng khách đến Sa Pa đạt gần 1,2 triệu lượt, chiếm trên 50% tổng lượng khách đến với Lào Cai.
Trải nghiêm các hoạt động du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn luôn là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt là vào tháng 8,9 thời điểm Sa Pa bước vào mùa lúa chín.