Tận dụng lợi thế nông nghiệp để phát triển du lịch
Mùa hè, nói đến Bắc Giang , nhiều người nghĩ tới những trái vải. Giữa tháng 6, hầu như mọi con đường ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đều ngập trong sắc quả vải. Vải trên những xe container, những xe thồ, gánh hàng. Vải lúc lỉu trên những cành cây sai trĩu. Một điều khá thú vị là ở Lục Ngạn, vải được trồng mọi nơi, không chỉ trong các vườn, đồi, ruộng mà được trồng trước nhà, cơ quan, công sở..., cây nào cũng cho quả ngon. Tại vườn vải ở thôn Muối (xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn), liên tục phải lau mồ hôi vì nóng nhưng anh Lương Ngọc (du khách Hà Nội) vẫn rất hào hứng với trải nghiệm hái vải: “Tôi rất ngạc nhiên, không nghĩ vùng vải đẹp và trù phú đến vậy. Ăn những quả vải chín, căng tròn, mọng nước ngay tại vườn có cảm giác như cả mùa hè tan trong vị ngọt lịm của quả vải”.
Thực ra, cảnh du khách đến Bắc Giang nói chung, Lục Ngạn nói riêng để thưởng thức trái ngọt không phải là điều mới mẻ. Lục Ngạn vốn là một trong những vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với diện tích hơn 28.000ha cây ăn quả các loại. Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ: “Không chỉ bởi đặc sản vải thiều, vào vụ thu hoạch cam, bưởi hằng năm, huyện Lục Ngạn thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm”.
Du khách thăm vườn vải ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).
Bắc Giang đang hướng tới khai thác các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") thành các sản phẩm cho phát triển du lịch. Các sản phẩm OCOP nằm trong hơn 800 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị như gà đồi Yên Thế, chè bản Ven (Yên Thế); mật ong Tây Yên Tử (Sơn Động); trà hoa vàng (Lục Nam)... đều được xây dựng thành sản phẩm du lịch. Dưới góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Thế Chính, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Giang nhìn nhận: "Du lịch Bắc Giang những năm gần đây có những bước phát triển đáng ghi nhận. Chúng tôi chú trọng xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện của tỉnh như vải thiều Lục Ngạn, đồi chè Bản Ven (Yên Thế), du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang... Những sản phẩm nông nghiệp này đã được doanh nghiệp lữ hành nội địa quan tâm và đưa khách về khá đông. Tuy nhiên, về lâu về dài, Bắc Giang cần đầu tư chất lượng dịch vụ, tạo dựng sản phẩm để thu hút khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp, sinh thái”.
Khó khăn trong việc chuyên nghiệp hóa
Đã tìm ra hướng đi đúng nhưng Lục Ngạn nói riêng, Bắc Giang nói chung vẫn giống nhiều địa phương trên cả nước là gặp khó khăn khi phát triển một sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Chẳng hạn, khi đến thăm Lục Ngạn, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành bày tỏ e ngại về hệ thống đường sá. Vào mùa thu hoạch, quả vải chín rộ, người bán, người mua đã đủ làm những trục đường chính đông cứng. Đường từ Hà Nội đến Lục Ngạn không quá xa, làm tour không quá khó nhưng nếu đưa khách du lịch đến, đường tắc sẽ tạo ra một trải nghiệm không thoải mái cho du khách. Bà Bùi Thị Thanh Hiền, Phó trưởng phòng Xúc tiến, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch TP Hà Nội nhận xét: "Du lịch Lục Ngạn đã có bước chuyển mình đáng kể so với những năm trước. Đáng tiếc, về cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch lại chưa có nhiều chuyển biến so với tiềm năng của huyện".
Cũng cho rằng cách làm du lịch của địa phương cần chuyên nghiệp hơn, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Du lịch Hà Nội (Handetour) gợi ý: "Du khách trong và ngoài nước đều có xu hướng đến những nơi nghỉ dưỡng mang tính đặc trưng, gần gũi với thiên nhiên thay vì đến những nơi xô bồ. Đáng tiếc, nhiều khu du lịch của Việt Nam có xu hướng dùng nhiều tôn quá. Điều này làm mất đi cảnh quan, vẻ đẹp của điểm đến. Bên cạnh đó, các điểm đến du lịch cũng có thể làm homestay theo hướng thân thiện với môi trường, bền vững không nhất thiết là theo hướng phải giống của người Thái, người Mông hay người Tày... như cách làm lâu nay chúng ta vẫn thường thấy".
Là người trực tiếp bắt tay vào cùng Bắc Giang tìm hướng phát triển du lịch, ông Lê Văn Tiến, đại diện Làng văn hóa Đông Bắc (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn) quan tâm nhiều tới vấn đề nhân lực du lịch. "Qua hai tháng hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, cơ sở chúng tôi đón hơn 20.000 lượt người, trong đó có một vài đoàn khách quốc tế. Khi lượng khách đông lên, nhu cầu tuyển dụng lớn, tuy nhiên, dù số lượng ứng tuyển đến hàng trăm người nhưng chúng tôi cũng chỉ tuyển dụng được vài ba người. Hầu hết nhân lực du lịch ở địa phương còn nghiệp dư, chưa nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, tôi cho rằng, để làm tốt du lịch, Bắc Giang cần cả hệ thống chính trị vào cuộc chứ không chỉ cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước như hiện nay. Người nông dân không chỉ trồng cây mà còn có thể là hướng dẫn viên du lịch và họ cũng ý thức hơn trong việc giữ những con đường đến từng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp để thu hút du khách", ông Lê Văn Tiến cho biết.
Bài và ảnh: THANH THỦY