(HNM) - Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch đang tăng tốc thực hiện các chiến dịch quảng bá, kích cầu để nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. Trên đà phục hồi, tiến tới phát triển, ngành Du lịch đặt ra nhiều mục tiêu về phát triển bền vững, khai thác du lịch phải gắn với trách nhiệm của đơn vị quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cộng đồng dân cư và du khách.
Du khách tham quan Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Ảnh: Quang Thái
Du lịch an toàn, thân thiện
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong xu thế phát triển hiện nay, nhất là sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, du khách ngày càng quan tâm và dành sự lựa chọn cho những điểm đến an toàn, thân thiện và môi trường trong lành. Do đó, bảo vệ môi trường, thiên nhiên là vấn đề quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với hoạt động du lịch, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, văn minh là một trong những mục tiêu đặt ra của ngành Du lịch. Đó cũng là lý do mà Năm Du lịch quốc gia 2022 diễn ra tại Quảng Nam mang chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”. Nhiều tỉnh, thành phố cũng đặt mục tiêu phát triển du lịch xanh, gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch, cộng đồng dân cư, du khách để phát triển bền vững.
Điển hình như tỉnh Thanh Hóa, địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng khách du lịch trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đang nỗ lực xây dựng hình ảnh các điểm đến xanh - sạch - đẹp. Tại khu du lịch biển Sầm Sơn, 100% hộ kinh doanh du lịch cam kết sử dụng nước sạch, vệ sinh, an toàn thực phẩm và thực hiện thu gom, vận chuyển rác tập trung 2 lần/ngày. Còn tỉnh Quảng Ninh gây ấn tượng với du khách về môi trường du lịch văn minh, khi các bãi tắm đều được đặt nhiều thùng rác di động, khu dịch vụ công cộng được giữ gìn sạch sẽ, trồng nhiều cây xanh.
Tại Hà Nội, các điểm đến du lịch cũng xây dựng hệ sinh thái du lịch xanh, trong đó đề cao ý thức của cộng đồng. Các điểm du lịch, như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò… bố trí nhiều thùng rác và hướng dẫn du khách cùng đóng góp trách nhiệm bảo vệ môi trường, hạn chế dùng chai nước nhựa...
Gần đây, Tổ chức phi chính phủ với tên gọi Tình nguyện vì giáo dục (Volunteer for Education Organization - VEO) triển khai mô hình du lịch tình nguyện viên, nhằm kết hợp du lịch và trải nghiệm, hỗ trợ cộng đồng, người dân địa phương phát triển du lịch có trách nhiệm, giữ gìn bản sắc văn hóa cũng như hệ sinh thái tự nhiên. Giám đốc điều hành VEO Nguyễn Huyền Phương thông tin, mô hình này hướng tới các bạn trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người trẻ khi đi du lịch, góp phần vào việc hình thành ý thức ứng xử văn minh của du khách.
Tuyên truyền về xây dựng môi trường xanh cho các du khách tham gia mô hình du lịch tình nguyện của Tổ chức VEO.
Cần sự chung tay
Tổ chức Du lịch thế giới cũng chỉ ra, để phát triển du lịch bền vững cần chú trọng 3 trụ cột, là: Bảo vệ môi trường tự nhiên, sinh thái; tôn trọng văn hóa cộng đồng dân cư bản địa; phát triển kinh tế - xã hội hướng tới lợi ích của các bên, trong đó có cả cộng đồng.
Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổ chức quốc tế và bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WFF) tổ chức hội thảo và tập huấn “Du lịch có trách nhiệm và bảo tồn động vật hoang dã” với sự tham gia của 150 hướng dẫn viên du lịch và nhà quản trị lữ hành, nhằm hưởng ứng xu hướng phát triển du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, quản lý Chương trình chống buôn bán các loài hoang dã của WFF Việt Nam cho rằng, hoạt động du lịch tại Việt Nam đang phát triển mạnh, nhưng nhiều nơi vấn đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường, động vật hoang dã vẫn còn khá yếu, không ít nơi đã bị mất đi sinh thái tự nhiên.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để du lịch phát triển bền vững, cần sự chung tay vào cuộc đồng bộ, trong đó vai trò quản lý của chính quyền địa phương với định hướng phát triển du lịch rõ ràng mang tính quyết định. Ngoài ra, địa phương cần kêu gọi sự vào cuộc, đồng hành của cộng đồng dân cư với những cam kết cụ thể.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Phạm Hải Quỳnh cho rằng, các đơn vị du lịch cần có trách nhiệm trong phát triển du lịch, thể hiện ở việc xây dựng sản phẩm phải hài hòa với thiên nhiên, văn hóa, môi trường, lợi ích cộng đồng. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên cần nâng cao vai trò hướng dẫn, tuyên truyền để du khách ứng xử văn minh, gìn giữ môi trường, không vứt rác bừa bãi, hạn chế dùng đồ nhựa, túi ni lông…
Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trong kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô, đơn vị luôn yêu cầu các điểm đến, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp du lịch phải quan tâm đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cam kết thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng nên môi trường du lịch văn minh, phát triển đi đôi với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa bản địa, môi trường sinh thái.