350.000 người California, Mỹ là gốc Bồ Đào Nha và hào hứng với cuộc chơi đấu bò tót
Tại Turlock, một thị trấn nhỏ ở trung tâm vùng nông thôn California, Mỹ một cuộc đấu bò đang diễn ra. Cũng giống như bất kỳ cuộc đấu bò nào khác của Bồ Đào Nha, người cưỡi ngựa thanh lịch khéo léo hướng dẫn con ngựa của mình xung quanh sừng của con bò đực đang lao tới, trước khi cúi xuống để cắm một ngọn giáo ở cột sống của nó.
Tuy nhiên, điều khác lạ ở cuộc đấu bò này, đó là không có máu đổ. Ngọn giáo nhỏ được đệm ở mũi bằng miếng dán, có khả năng dính vào một tấm nệm gắn trên lưng con bò đực.
Turlock là nơi hàng chục nghìn người Mỹ gốc Bồ Đào Nha đã sinh sống trong nhiều thập kỷ, vẫn giữ nguyên truyền thống của quê hương tổ tiên họ, đặc biệt là môn đấu bò tót.
"Lần đầu tiên tôi đến đây ở California vào 15 năm trước, tôi phải thốt lên 'Woah, tuyệt vời' vì họ có mọi thứ giống như Bồ Đào Nha", Joao Soller Garcia, một "cavaleiro" hay còn gọi người cưỡi ngựa, anh đã đi từ Lisbon để tham gia trận đấu bò.
"Xem đấu bò ở Bồ Đào Nha cũng giống như thế này thôi", anh ấy nói ngay trước khi bước vào đấu trường để được khoảng 4.000 khán giả vỗ tay.
Phần lớn đám đông là người gốc Bồ Đào Nha - chủ yếu là những người nhập cư từ quần đảo Azores, họ bắt đầu định cư khu vực nông nghiệp vào đầu thế kỷ 20. Cộng đồng đã phát triển kể từ đó, với các tờ báo, đài phát thanh và hiệp hội của riêng mình.
Đấu bò không đổ máu tại Turlock. (Ảnh: IT).
Khoảng 350.000 người California tự hào khẳng định có gốc gác Bồ Đào Nha và điều này gắn bó mãnh liệt với văn hóa và ngôn ngữ của họ. Jose cũng vậy, người đàn ông 30 tuổi đến xem trận đấu bò với bạn bè.
Sinh ra ở California, nhưng anh có thể chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Bồ Đào Nha một cách tự nhiên, khó ai có thể nhận ra sự khác biệt trong ngữ điệu.
"Điều đó đến với tôi một cách tự nhiên. Rất nhiều người ở đây nói tiếng Bồ Đào Nha trong cuộc sống hàng ngày của họ, thậm chí cả những người trẻ tuổi", anh nói.
"Đôi khi tôi dễ dàng hơn trong thể hiện cảm xúc của mình hoặc nói đùa bằng tiếng Bồ Đào Nha. Tiếng Bồ Đào Nha là một ngôn ngữ rất giàu cảm xúc", anh nói thêm.
Phía trên nhà thi đấu, cờ Bồ Đào Nha bay cùng với cờ Mỹ và quốc ca Bồ Đào Nha cất lên rồi tới quốc ca Mỹ.
Bất ngờ với cuộc đấu bò tót "không đổ máu" tại Mỹ
Trận đấu bò được tổ chức bởi một nhóm tôn giáo, dẫn đầu bởi Antonio Mendes, một người chăn nuôi gia súc ở độ tuổi 70, ông đã làm sống lại truyền thống vào năm 1993.
"Chúng tôi là người Bồ Đào Nha và đó là một phần trong lối sống của chúng tôi, đặc biệt là hòn đảo mà tôi đến", ông nói.
Những miếng dán trên lưng khiến con bò luôn trong trạng thái sung sức vì không đổ máu. (Ảnh: IT).
Các trận đấu bò của Bồ Đào Nha khác với phong cách Tây Ban Nha, ở chỗ con vật không bao giờ bị giết trong đấu trường. Nhưng trong các sự kiện truyền thống của Bồ Đào Nha, sẽ có tám người đàn ông không có ngựa hoặc sự bảo vệ, bước vào đấu trường để xử lý con vật bằng tay không.
Bởi vì những con bò đực ở Turlock không bị thương, các nhà chăn nuôi như Mendes đã tạo ra một dòng máu ham chiến đấu, nhưng nhẹ hơn.
"Ở đây những con bò đực nặng khoảng 900 đến 1.000 pound, vì không có đổ máu. Ở Bồ Đào Nha, chúng nặng 1.300, 1.400 pound", George Martins, một đội trưởng của "forcado" - đội đấu bò cho biết. (1.000 pound tương đương khoảng 450kg - PV).
Những người như Martins thường được mệnh danh là "đội cảm tử" vì một lý do đặc biệt, một trong số họ có nhiệm vụ tóm lấy con bò đực bằng sừng, hứng chịu những cú húc mạnh vào bụng khi đồng đội vật lộn với con vật. "Đó không chỉ là sức mạnh vũ phu ... mà còn cần rất nhiều kỹ thuật," anh nói.
Joao Soller Garcia cho biết anh thích cả phong cách cổ điển của Bồ Đào Nha và sự biến tấu của California.
"So với Bồ Đào Nha, nó nguy hiểm hơn một chút vì chú bò tót không bị thương. Cuộc đấu hoàn toàn không có máu và chúng tôi phải cẩn thận hơn bởi con bò đực luôn ở trạng thái sung sức."
Nhưng đối với Maxine Sousa-Correia, người phụ nữ tới từ một gia đình đã sản xuất bò đực cho các trận đấu ở California từ những năm 1970, việc sử dụng giáo có miếng dán làm giảm cảnh tượng đẫm máu và bạo lực.
"Chúng tôi đã phát minh ra miếng khóa dán và miếng dán ở cuối cây giáo để giữ được những cảnh tượng như đấu bò truyền thống", cô nói.