10 năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành "điểm nhấn" văn hóa, lịch sử, "điểm đến" hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
Xứng tầm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt
Nghi môn, Ngọ môn (cửa phía Nam) của điện Lam Kinh tại (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Lam Kinh là nơi an táng, thờ cúng, tri ân các vị Vua và Hoàng hậu triều Lê. Theo các nhà sử học, vương triều Lê có hai thái miếu ở Thăng Long (Hà Nội) và ở Lam Kinh (Thọ Xuân - Thanh Hóa), thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc. Vì thế hàng năm, các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều hành hương về Lam Kinh để tế lễ và bái yết tổ tiên. Ðây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa cung đình cùng toàn bộ các bia ký, lăng mộ, minh chứng bước phát triển rực rỡ của nền kiến trúc nước nhà.
Năm 1962, di tích lịch sử Lam Kinh được xếp hạng cấp quốc gia. Đến năm 1994, Chính phủ phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh với các hạng mục như: các lăng mộ, nhà bia, chính điện, các tòa Thái miếu, Nghi môn, sân Rồng, thềm Rồng, cầu Bạch, đền thờ, giếng cổ, sông ngọc... với tổng giá trị dự án hơn 200 tỷ đồng. Từ đó đến nay, gần 30 hạng mục công trình trong khu di tích đã được bảo tồn, tôn tạo, phục hồi, tránh được sự hoang phế, từng bước khôi phục lại diện mạo Lam Kinh xưa. Đó là khu La Thành (hay Thành Ngoại); là hệ thủy của di tích Lam Kinh vừa là cảnh quan, vừa tạo phong thủy cho toàn bộ di tích, gồm: sông Ngọc, hồ Tây; Giếng cổ; Nghi môn, Ngọ môn (cửa phía Nam) của điện Lam Kinh nơi đón tiếp nghi thức trước khi vào điện chầu trước khi phục hồi còn toàn bộ nền móng, tảng cột cái thời Lê Trung Hưng; sân Rồng, sân Chầu; Chính điện Lam Kinh; 5/9 tòa Thái miếu; 6 khu lăng mộ ở Lam Kinh là nơi an táng 5 vị vua và một Hoàng Thái hậu. Đặc biệt nơi đây hiện đang lưu giữ 5 tấm bia cổ, là những tư liệu quý giá để nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật điêu khắc. Cả 5 tấm bia đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia, bao gồm bia Vĩnh Lăng (vua Lê Thái Tổ), bia Chiêu Lăng (vua Lê Thánh Tông), bia Dụ Lăng (vua Lê Hiến Tông), bia Kính Lăng (vua Lê Túc Tông), bia Khôn Nguyên Chí Đức (Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao).
Khu Di tích Lam Kinh có nhiều công trình mang giá trị cao về kiến trúc, trong đó tiêu biểu là tòa Chính điện. Tòa Chính điện Lam Kinh được ví như “linh hồn” của Khu Di tích bởi sự bề thế, trang nghiêm và vai trò quan trọng của nó trong quần thể khu miếu điện, lăng tẩm Lam Kinh.
Chính điện được làm lễ phạt mộc năm 2010 và chính thức hoàn thành vào ngày khai hội Lam Kinh năm 2017. Tòa điện này được dựng trên nền móng cũ có diện tích 1.780m2 với mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng. Chính điện mang đậm lối phong cách kiến trúc thời Lê và là công trình điêu khắc gỗ tỉ mỉ, công phu. Cùng với ngoại thất là khối kiến trúc hình chữ Công (I), gồm 3 điện nối tiếp nhau là Quang Đức (tiền điện), Sùng Hiếu (trung điện) và Diên Khánh (hậu điện). Nội thất của Chính điện càng nổi bật ở sự tinh tế, nguy nga và tôn nghiêm. Sử dụng tới hơn 2.000m3 gỗ lim và hàng chục thợ lành nghề, hệ thống hoa văn kiến trúc cột, mái, bình phong, vật dụng bên trong Chính điện không chỉ cho thấy sự kỳ công, khéo léo của người thợ, mà còn là sự phản ánh đầy đủ và chân thực vẻ đẹp kiến trúc cung đình thời Lê.
Không chỉ đẹp trong từng công trình được xây dựng, nét văn hóa của Khu Di tích Lam Kinh còn được thể hiện trong sự hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh. Với tổng diện tích 141 ha, trong không gian rừng núi, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh với các điện miếu và lăng mộ được bố trí theo quan điểm Nho giáo, thuật phong thủy, có sự hài hòa giữa đồi núi, khe suối, cây xanh, tạo nên một môi trường đẹp, cân bằng giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc.
Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích cho biết, Lam Kinh được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và xây dựng đất nước; đồng thời thể hiện sinh động các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nói riêng. Suốt 10 năm qua, việc Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt đã tạo động lực lớn để Ban Quản lý nỗ lực trong gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Bởi Di tích Lam Kinh là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và cả nước nói chung, đồng thời đặt ra trọng trách to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia”.
Hướng tới Ngày hội lớn
Một góc Khu di tích lịch sử Lam Kinh tại xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt với người dân xứ Thanh, Lễ hội Lam Kinh 2022 gắn liền với 4 sự kiện quan trọng gồm: Lễ kỷ niệm 10 năm Di tích lịch sử Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, 604 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 594 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 589 năm Ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức trong ba ngày từ 16-18/9 (tức ngày 21, 22, 23 tháng Tám Âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) với tinh thần trang trọng, hiệu quả, tiết kiệm, phát huy giá trị các di tích gắn với quảng bá du lịch.
Trong khuôn khổ Lễ hội Lam Kinh năm 2022, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức, như: trò chơi, trò diễn, múa bản hội dân gian; biểu diễn xiếc, nghệ thuật truyền thống dân tộc; thuyết minh giới thiệu về công trình Chính điện Lam Kinh...; phim tài liệu 10 năm Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh; tổ chức dịch vụ lữ hành, quảng bá du lịch Thanh Hoá gắn với Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Khu Di sản Văn hóa thế giới Thành nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Bà Triệu, Khu Du lịch biển Sầm Sơn, suối cá thần Cẩm Lương. Lễ hội Lam Kinh 2022 sẽ góp phần tuyên truyền, tôn vinh, tri ân Anh hùng dân tộc Lê Lợi, các Vua Lê, các tướng sỹ, nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là hoạt động đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nét đẹp của vùng đất, giá trị và hình ảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử Lam Kinh, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại sân điện Lam Kinh, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính của Lễ hội vào sáng 17/9, (tức ngày 22 tháng Tám Âm lịch), các đơn vị thi công đang trang trí pa-nô, khẩu hiệu tuyên truyền... Công tác tổng duyệt các chương trình nghệ thuật, phần hành lễ đang được tỉnh Thanh Hóa hoàn tất những giai đoạn cuối cùng. Ban Quản lý Di tích đã quan tâm vệ sinh môi trường, tu bổ, cải tạo cảnh quan... tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi về với Lam Kinh. Một không gian mang âm hưởng tâm linh đã và đang hiển hiện rõ nét ở Lam Kinh là nơi để cháu con hướng về với tấm lòng thành kính.
Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa khẳng định, trong Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Khu Du lịch Lam Kinh được đặt trong tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa gồm: thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn - Di sản Văn hóa thể giới Thành Nhà Hồ - Lam Kinh - suối cá Cẩm Lương. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh thời gian tới để Khu Di tích thực sự trở thành “điểm đến” quan trọng trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và cả nước.
Gần 6 thế kỷ trôi qua, với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử đất nước, Lam Kinh, biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cần được bảo tồn, tôn vinh, gìn giữ. Phát huy những giá trị lịch sử hào hùng đó, Thanh Hóa tập trung sức người, sức của hướng tới một Lễ hội Lam Kinh thành công, để Lễ hội Lam Kinh không chỉ là lễ hội của riêng Thanh Hóa, còn trở thành lễ hội mang tầm quốc gia.