(HNMCT) - Làm hương, giấy bản, đường phên, rèn, nhuộm vải chàm... là những nghề truyền thống đặc sắc ở Cao Bằng.
Nghề làm hương
Bản Phja Thắp (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) và xóm Nà Mạ (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Nùng An với nghề làm hương truyền thống. Sản phẩm hương ở đây được làm hoàn toàn thủ công, dựa trên nguyên liệu tự nhiên như lá mai, vỏ cây gạo, lá bầu hắt, tre mạy mười, gỗ thông... Hương có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Nùng An, do đó, nghề làm hương được gìn giữ, trao truyền qua nhiều đời. Hiện nay, hai làng nghề này cũng là những địa chỉ du lịch được nhiều du khách tìm đến tham quan, trải nghiệm.
Nghề làm giấy bản
Giấy bản thường được dùng vào các dịp lễ, tết quan trọng. Nghề làm giấy bản của người Nùng An ở các xóm Lũng Ỏ, Dìa Trên (xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên) và người Tày ở xóm Lũng Quang (thị trấn Thông Nông, huyện Thông Nông) từng có nguy cơ thất truyền nhưng nay đã hồi sinh. Được làm từ vỏ cây mạy sla (vỏ dưỡng), giấy bản có màu vàng nhạt, xốp, dai, không nhòe mực, ít bị mối mọt lại thoang thoảng mùi thơm nên thường được dùng để ghi chép gia phả, thơ ca hay làm vàng mã, dán bàn thờ, trang trí nhà. Ngoài ra, giấy bản còn được dùng để gói bánh, xôi bởi được làm từ các thành phần tự nhiên, bảo đảm an toàn.
Nghề làm đường phên
Đường phên là loại đường đặc, thơm, có màu vàng, thường được dùng để làm các loại bánh đặc sản của Cao Bằng như bánh khảo, khẩu sli, bánh gai và làm gia vị trong nhiều món ăn. Đây là đặc sản nổi tiếng của người Tày, Nùng ở xóm Bó Tờ (thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa). Sau khi thu hoạch mía, người ta ép lấy nước, lọc cặn rồi đun trong 4 - 5 giờ cho đến khi nước mía dần chuyển thành mật có màu vàng nâu đẹp mắt thì đổ ra khuôn, cắt thành từng miếng và đóng gói.
Nghề rèn
Được mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất miền Bắc, làng Pác Rằng (xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa) hiện có 6 xóm với trên 150 lò rèn đang hoạt động, sản phẩm chủ yếu là các loại dao, kéo, búa, rìu, cuốc... có độ sắc, bền cao. Năm 2019, nghề rèn tại đây được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề nhuộm vải chàm
Phụ nữ ở xã Phúc Sen gắn bó với nghề nhuộm vải chàm với sản phẩm là những tấm vải có màu xanh tím than đậm, độ bền cao. Từ nhỏ, người phụ nữ Nùng An ở Phúc Sen đã phải làm quen và học các kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế cũng như khả năng thích nghi với công việc khá nặng nhọc này.