Lái xe khoảng một giờ về phía đông nam ra khỏi thành phố Abu DhabI - thủ đô của các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, bạn sẽ đến với "thế giới" của những
sa mạc
của tiểu vương quốc này và đặc biệt hơn là những khung cảnh khó tin từ sức sáng tạo vô tận của con người.
Thiên đường của động vật hoang dã Al Wathba (Ảnh: CNN)
Khu vực Al Wathba là nơi có một khu bảo tồn ngập nước xinh đẹp tựa như ốc đảo, được hình thành từ một vụ tràn nước của cơ sở xử lý nước. Giờ đây, nơi đây đã trở thành một khu vực địa hình tươi tốt, là nơi trú ngụ của những chú hồng hạc di cư.
Dọc theo những con đường rợp bóng cây, xa hơn là một quang cảnh siêu thực của núi nhân tạo nhô lên ở đường chân trời, bao bọc xung quanh bởi những bức tường bê tông khổng lồ.
Nhưng dường như nét duyên dáng thu hút hơn cả của Al Wathba không phải là tác phẩm nhân tạo mà là quang cảnh tự nhiên do khủng hoảng từ biến đổi khí hậu tạo nên.
Khu cảnh độc nhất vô nhị khó tin (Ảnh: CNN)
Sa mạc "đóng băng" trở thành địa điểm du lịch
Cồn cát hóa thạch của Abu Dhabi nhô lên khỏi sa mạc xung quanh giống như những con sóng đóng băng trong đại dương cát dữ tợn, hai bên của chúng gợn sóng với những hình thù được "điêu khắc" và tạo hình bởi những cơn gió dữ dội nhất.
Mặc dù những di tích địa chất đáng tự hào này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ nhưng chúng đã được mở cửa như một điểm thu hút khách du lịch miễn phí ở Abu Dhabi vào năm 2022 như một phần trong nỗ lực của Cơ quan Môi trường của tiểu vương quốc nhằm bảo tồn di sản vật thể này.
Trong khi những khách du lịch đã từng mất kha khá thời gian để đi đến những cồn cát hóa thạch thì giờ đây có thêm những dịch vụ di chuyển khiến việc tham quan dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trên đường đi còn có những chỉ dẫn cung cấp một số thông tin sơ lược về khoa học đằng sau sự hình thành của cồn cát.
Du khách không nên bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ này (Ảnh: CNN)
Thomas Steuber, giáo sư tại Khoa Khoa học Trái đất của Đại học Khoa học và Công nghệ Khalifa ở Abu Dhabi lý giải rằng nhiều thế hệ đụn cát được tạo ra bởi các chu kỳ của kỷ băng hà và tan băng xảy ra từ 200.000 đến 7.000 năm trước và mực nước đại dương giảm xuống khi nước đóng băng tăng lên ở các mỏm địa cực và trong những thời kỳ khô hạn này, các cồn cát sẽ hình thành khi cát thổi vào từ Vịnh Ả Rập cạn kiệt.
Steuber nói: "Vịnh Ả Rập là một lưu vực nhỏ rất nông. "Nó chỉ sâu khoảng 120 mét, vì vậy vào thời kỳ đỉnh cao của kỷ băng hà, khoảng 20.000 năm trước, có rất nhiều vật chất chất chồng lên các chỏm băng ở vùng cực đến mức nước ở đại dương bị thiếu hụt. Điều đó có nghĩa là Vịnh rất khô và là nguồn nguyên liệu cho cồn thạch."
"Một số trong số chúng khá lớn, nhưng cuối cùng gió sẽ phá hủy chúng. Về bản chất, chúng là những tảng đá, nhưng đôi khi bạn có thể dùng tay làm vỡ chúng. Đó là một vật liệu khá yếu." Đó là lý do tại sao, tại Al Wathba, du khách hiện đang bị giữ một khoảng cách với các đụn cát, song vẫn có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguyên sơ của chúng.
Hình ảnh những cồn cát được chụp lại vào buổi tối (Ảnh: CNN)
Tham quan địa điểm này tốt nhất là vào đầu buổi tối khi không còn ánh sáng ban ngày gay gắt. Mất khoảng một giờ để đi bộ dọc theo con đường đầy cát từ trung tâm du khách và quầy hàng lưu niệm đến bãi đậu xe ở đầu kia - và khoảng 10 phút để đi đường tắt trở lại.