Nguyên liệu chính để sản xuất mắm ong là nhộng ong. Để có nhộng ong, người dân Cà Mau vào rừng U Minh lấy mật ong và thu nhộng, thời điểm lý tưởng nhất là vào các tháng mùa khô sau Tết Nguyên đán.
Nhộng ong là những con ong non khoảng 20 ngày tuổi còn nằm trong tấm tàng ong.
Kỹ thuật làm mắm ong cũng đơn giản, không cầu kỳ và phức tạp. Trước khi làm, tàng ong được người dân rửa sạch và luộc cho ong non chín đều.
Tàng ong luộc chín được vớt ra để nguội và ráo nước, người dân Cà Mau dùng tay tách bóc ong non ra khỏi tấm tàng ong. Sau đó là công đoạn trộn ong non với thính, muối (với độ mặn vừa phải), đường cùng một số gia vị khác để tạo hương vị đặc trưng, đậm đà cho mắm ong.
Ong non sau khi đã tẩm ướp gia vị và để qua đêm được cho vào keo nhựa. Trước khi đậy kín nắp, người dân dùng bẹ cau khô và sóng dừa “ém” (gài) chặt để cho mắm “chín”. Như vậy, việc làm mắm ong đã hoàn tất.
Do mắm ong ướp ít muối nên rất mau chua. Mắm ong để càng lâu thì càng chua. Mắm ong sau khi làm khoảng 3 đến 5 ngày là có thể ăn được.
Mắm ong có thể làm gỏi, kẹp với thịt luộc, cá lóc nướng rơm và ăn kèm với các loại rau đồng như đọt chùm ruột, lá cách, lá sung, lá sộp, chuối chát, khóm, rau ngò om, hún lủi và không thể thiếu ớt với tỏi.
Hương vị cay cay, chát chát của rau đồng cùng mùi thơm của thính và vị chua chua, mặn mặn, béo béo của mắm ong U Minh từ lâu đã trở thành món ăn yêu thích của nhiều thực khách khi đến Cà Mau.