Trang Chủ > Du lịch > Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế

Báo Văn Hóa
22/09/2022 01:48:57
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-1

Tổng cục Du lịch đã báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng về tình hình triển khai thực hiện lập “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”

Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt, các lãnh đạo Tổng cục Du lịch, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Văn phòng của Bộ VHTTDL và các đơn vị liên quan.

6 quan điểm chính trong phát triển du lịch

Tổng cục Du lịch là đơn vị được lãnh đạo Bộ VHTTDL giao nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau khi Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lãnh đạo Bộ phê duyệt, Tổng cục Du lịch đã nghiêm túc tổ chức đấu thầu và lựa chọn ra đơn vị tư vấn lập Quy hoạch hệ thống du lịch theo đúng các quy định hiện hành của Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan.

Bắt đầu từ cuối năm 2021 đến nay, Tổng cục Du lịch luôn theo dõi, giám sát và đôn đốc nhà thầu thực hiện gói thầu “Tư vấn lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tổng cục Du lịch đã đề nghị các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp thông tin, số liệu, dữ liệu phục vụ công tác lập Quy hoạch và đã tiếp nhận, bàn giao cho đơn vị tư vấn số liệu, dữ liệu của 63/63 địa phương để nghiên cứu. Tổ chức nhiều đoàn khảo sát, thường xuyên làm việc, trao đổi thông tin, rà soát các nội dung chuyên môn với đơn vị Tư vấn; báo cáo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nghe và có ý kiến chỉ đạo đối với dự thảo Quy hoạch; tổ chức 2 Hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM xin ý kiến các Bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước, doanh nghiệp, các chuyên gia đối với dự thảo Quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-2

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Đến nay, dự thảo báo cáo Quy hoạch đã được chỉnh sửa, tiếp thu, hoàn thiện theo các ý kiến góp ý, cơ bản đã đảm bảo các nội dung chuyên môn để báo cáo Bộ trưởng trước khi gửi xin ý kiến các tỉnh/thành trực thuộc trung ương và các Bộ, ngành liên quan”.

Sau buổi báo cáo Bộ trưởng hôm nay, dự thảo Quy hoạch sẽ tiếp tục được hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ văn bản gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đối với Quy hoạch. Dự kiến đến tháng 10.2022 sẽ tiếp nhận, tập hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương; tháng 11.2022, tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ ngành, địa phương, hoàn thiện Báo cáo và toàn bộ hồ sơ Quy hoạch. Cuối tháng 11.2022, báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nêu các khó khăn, vướng mắc khi lập, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Luật Quy hoạch quy định Quy hoạch hệ thống du lịch thuộc nhóm quy hoạch về hạ tầng, theo đó quy định một số bản đồ có tỉ lệ rất lớn. Tuy nhiên, các nội dung của quy hoạch ngành đối với cả nước không có các thông tin chi tiết để thể hiện ở tỉ lệ này. Tổng cục Du lịch đã đề xuất nhiều lần nội dung này tại các văn bản rà soát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật, tình hình thực hiện quy hoạch. Nội dung này cũng đã được đề cập ngay từ giai đoạn lập nhiệm vụ quy hoạch. Bên cạnh, đó, đề xuất của một số địa phương về địa bàn tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia chưa có sự phù hợp và tính tương quan cả nước. Theo các tiêu chí đánh giá chi tiết không phù hợp để định hướng phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-3

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt phát biểu tại cuộc họp

Tại buổi báo cáo, ông Nguyễn Tiến Sỹ, đại diện liên danh tư vấn lập Quy hoạch đã trình bày tóm tắt nội dung Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Quy hoạch được lập bám sát theo Quyết định 933/QĐ-TTg ngày 14.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch; phù hợp và căn cứ vào Chiến lược phát triển du lịch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22.1.2020.

Quy hoạch cũng đã bám sát các nội dung dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch Không gian biển quốc gia cũng như các Quy hoạch tỉnh/ thành phố đang triển khai, đồng thời lập trong thời điểm hiện tại để đảm bảo tính phù hợp; tích hợp được các nội dung liên ngành, các đề xuất của các địa phương.

Các Quan điểm, mục tiêu phát triển của Quy hoạch đã có sự phù hợp, bám sát các quan điểm chỉ đạo của các văn bản lớn. Định hướng phát triển trong Quy hoạch có sự phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch, tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển hiện nay.

6 quan điểm chính trong Quy hoạch bao gồm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh. Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với khai thác có hiệu quả du lịch nội địa. Phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia, chú trọng phát triển du lịch gắn với Không gian biển, bảo tồn và phát huy và phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc; gắn kết chặc chẽ với các ngành, lĩnh vực; nâng cao hiệu quả liên kết giữa các vùng, địa phương và với quốc tế. Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ. Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo; ứng phó linh hoạt và hiệu quả với rủi ro, biến đổi khí hậu; phát huy yếu tố con người Việt Nam; đảm bảo an ninh trật tự, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-4

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh báo cáo tiến độ thực hiện lập Quy hoạch

Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh

Quy hoạch nêu định hướng tổ chức không gian theo 6 vùng để phù hợp với phân vùng kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tại các vùng kinh tế theo định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong đó, có vùng Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; ĐBSCL.  Quy hoạch đề xuất 6 khu vực động lực phát triển du lịch; 3 hành lang du lịch; phát triển du lịch không gian biển theo 4 vùng; 71 địa bàn phát triển thành khu du lịch quốc gia. Việc lựa chọn địa bàn được nghiên cứu đề xuất trên cơ sở các tiêu chí và phương pháp chấm điểm.

7 khu vực du lịch động lực được đề xuất bám sát theo Nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Xác định những khu vực có tiềm năng, đủ điều kiện để phát triển thành những động lực du lịch của Vùng và cả nước; ưu tiên nguồn lực, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và hệ thống cơ chế, chính sách hấp dẫn đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-5

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ VHTTDL) Lê Hồng Phong

Về sản phẩm du lịch, Quy hoạch xác định 4 dòng sản phẩm chủ đạo trên cơ sở khai thác thế mạnh, tạo thành thương hiệu quốc gia. Trong đó, sản phẩm du lịch biển, đảo (nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch tàu biển, phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng biển cao cấp; từng bước phát triển ra các vùng biển, đảo xa); du lịch văn hoá (di sản, lễ hội, tham quan, tìm hiểu văn hoá, lối sống, ẩm thực…, đẩy mạnh phát triển du lịch dựa trên công nghiệp văn hoá); du lịch sinh thái (phát huy giá trị nổi bật của Vườn quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên, rừng ngập mặn, miệt vườn, hang động, sông hồ… gắn kết với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ cao cấp, sinh thái nông nghiệp…); du lịch đô thị (văn hoá, lối sống, sự kiện, mua sắm, công viên chuyên đề… chú trong phát triển kinh tế ban đêm). Ngoài ra, Quy hoạch cũng nêu các sản phẩm du lịch bổ trợ dựa trên thế mạnh các vùng, miền, địa phương: du lịch kết hợp chăm sóc sức khoẻ, du lịch nông nghiệp- nông thôn, du lịch thể thao, du lịch công nghiệp….

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-6

Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Hiền

Quy hoạch cũng đã xác định các định hướng sử dụng đất trên cơ sở tổng hợp các dự thảo quy hoạch tỉnh và nghiên cứu tính toán nhu cầu theo dự báo. Đồng thời đề xuất các giải pháp, tổ chức thực hiện, nội dung tích hợp ĐMC (đánh giá môi trường chiến lược), hệ thống 24 bản đồ Quy hoạch.

Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2025, du lịch Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn; trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển cao. Đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển xanh; Việt Nam trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu.

Các chỉ tiêu cụ thể là đến năm 2025 thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế, 116 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 1.020 nghìn tỉ đồng, đóng góp 7,6% GDP, đạt 700 nghìn buồng phòng khách sạn, thu hút 3,6 triệu việc làm trực tiếp, chi tiêu của khách quốc tế đạt 3,2 triệu đồng/ ngày, khách nội địa 1,6 triệu đồng/ ngày.

Đến năm 2030 thu hút 35 triệu lượt khách quốc tế, 150 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 2.554 nghìn tỉ đồng, đóng góp 13,3% GDP, đạt 1,3 triệu buồng phòng khách sạn, thu hút 6,6 triệu việc làm trực tiếp, chi tiêu của khách quốc tế đạt 4 triệu đồng/ ngày, khách nội địa 2,5 triệu đồng/ ngày.

Tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định vai trò động lực kinh tế của du lịch Việt Nam; trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Dự kiến đón 70 triệu lượt khách quốc tế, 260 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch đạt 7.420 nghìn tỉ đồng, đóng góp 15-15,5%GDP.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-7

Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTTDL) Vi Thanh Hoài

Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đánh giá, tiến độ lập quy hoạch đến nay đảm bảo theo dự kiến và trải qua nhiều bước quan trọng, dự kiến hoàn thành đúng kế hoạch và được phê duyệt vào cuối năm 2022. Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn đã tổ chức các hội thảo, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các địa phương, Sở quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch góp ý, thu được nhiều ý kiến xác đáng, hợp lý, đơn vị tư vấn cũng đã tiếp thu.

Thứ trưởng cho rằng, việc xác định khu vực động lực trong Quy hoạch cần tính toán lại, bổ sung và làm rõ thêm vai trò của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An. Bên cạnh đó, mặc dù các tỉnh đều đề xuất phát triển các Khu du lịch quốc gia (đề xuất khoảng 100 khu) nhưng hiện nay, thực tế mới có 7 khu được Thủ tướng Chính phủ công nhận và các địa bàn có tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia chưa được quan tâm phát triển thành động lực, đòn bẩy kinh tế du lịch ở địa phương.

Thứ trưởng cũng đề nghị Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn làm rõ nội hàm của các dòng sản phẩm chủ đạo, không gian du lịch, từ đó thấy được sự đa dạng, sự gắn kết giữa các vùng miền trong phát triển, liên kết du lịch và phù hợp với các quy hoạch khác. Công tác thống kê du lịch cũng cần được đề cập rõ hơn trong Quy hoạch để thống nhất tiêu chí thống kê giữa thống kê nhà nước thống kê của ngành Du lịch. Đồng thời, định hướng cách tính, phương pháp thống kê, chứ không đơn giản chỉ là cộng các con số của địa phương lại.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về cơ bản tiến độ lập Quy hoạch được đảm bảo, dự thảo Quy hoạch đạt yêu cầu đề ra, Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn nghiêm túc thực hiện lập quy hoạch, tuân thủ các quy định của pháp luật, quy trình 5 bước trong  trong công tác lập quy hoạch.

Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Du lịch và đơn vị tư vấn làm rõ lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam, phân tích dự báo, xu hướng phát triển, các phương án, mục tiêu phát triển, nghiên cứu sâu hơn về vai trò liên kết trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, việc đề xuất các báo cáo, căn cứ lập Quy hoạch, thể chế hoá các mục tiêu của Đảng và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Vùng…

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Quy hoạch phải làm rõ đóng góp của ngành Du lịch với nền kinh tế-8

Sau cuộc họp này, dự thảo Quy hoạch sẽ được hoàn thiện, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương liên quan

Quy hoạch cũng cần bổ sung phạm vi nghiên cứu, ở đây là cấp quốc gia, có liên hệ nghiên cứu, so sánh tương quan trong khu vực và các quốc gia liền kề. Việc đánh giá hiện trạng cũng cần sâu sắc hơn. Ví dụ đánh giá tài nguyên văn hoá trong phát triển du lịch thế nào, sử dụng, khai thác tài nguyên này ra sao, bảo tồn và phát huy thế nào. Cơ sở hạ tầng du lịch đầy đủ chưa, sự chênh lệch giữa các vùng miền thế nào, hạ tầng giao thông có đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch không? Yếu tố con người phải được đề cao, phát huy; lấy yếu tố con người Việt Nam làm nền tảng để phát triển du lịch. Quy hoạch cần làm rõ thêm du lịch có đóng góp như thế nào cho nền kinh tế đất nước. Giai đoạn phát triển tới phải nhấn mạnh yếu tố chất lượng, thu hút các thị trường khách cao cấp, lưu trú dài ngày, chi tiêu nhiều chứ không khuyến khích đếm đầu khách.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, Quy hoạch phải làm rõ vai trò của 2 cực tăng trưởng, trung tâm du lịch, kinh tế chính trị, xã hội, tài chính lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM trong phát triển du lịch giai đoạn tới.

“Quy hoạch cũng cần chỉ ra những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để Bộ VHTTDL đề xuất với Quốc hội, báo cáo Chính phủ để sửa luật, có cơ chế chính sách đồng bộ, ưu tiên để phát triển du lịch”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

THUÝ HÀ; ảnh: TRẦN HUẤN