Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và MT Quốc hội: Đấu giá tần số là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ

Viettimes 23/10/2022 11:15:14

Về lý do 13 năm qua chưa thể đấu giá tần số, ông Lê Quang Huy – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, cuối năm 2009 các doanh nghiệp viễn thông mới được cấp phép sử dụng tần số 3G, trong khi doanh nghiệp cần có 7-10 năm để triển khai mạng và thu hồi vốn đầu tư. Vì vậy việc đấu giá không được áp dụng ngay khi luật có hiệu lực.

Tháng 12 năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã thành lập Hội đồng đấu giá băng tần 2600 Mhz theo yêu cầu của các doanh nghiệp viễn thông để triển khai mạng di động 4G. Trong quá trình triển khai, theo Luật đấu giá tài sản, Bộ TT&TT vừa là cơ quan phê duyệt giá khởi điểm, vừa là cơ quan phê duyệt dự án đầu tư đối với 2 doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, gây khó khăn vướng mắc khi thực hiện.

Trong các năm 2017 và 2018, sau khi Bộ TT&TT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, trên cơ sở ý kiến của Văn phòng chính phủ và các Bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo việc đấu giá được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật, đến tháng 4 năm 2020, Thủ tướng chính phủ đồng ý không áp dụng Quyết định 16/2012 về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện mà xây dựng Nghị định mới trước khi tổ chức đấu giá.

Ngày 1 tháng 10 năm 2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 88 về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Ông Lê Quang Huy nói rằng rằng đấu giá tần số vô tuyến điện là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, việc hoàn thiện chính sách pháp luật chưa theo kịp quá trình phát triển. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do Bộ TT&TT chậm trễ trong việc rà soát các quy định mới có liên quan, chưa tổ chức nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế để tham mưu sửa đổi kịp thời văn bản pháp luật để tổ chức đấu giá tần số vô tuyến điện, lúng túng trong xử lý tình huống mới.

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và MT Quốc hội: Đấu giá tần số là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ-1

Các đại biểu quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Về những thiệt hại trong việc chậm trễ đấu giá tần số vô tuyến điện, ông Lê Quang Huy nói rằng những thống kê đã được đề cập đến trong báo cáo số 330 ngày 1 tháng 10 năm 2022 của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Về giới hạn tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép sử dụng (theo khoản 3 điều 1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng hiện nay trong các băng tần số, chỉ có băng tần dành cho thông tin di động là quý hiếm vì khó hài hoà trên phạm vi toàn cầu. Nếu không giới hạn tổng độ rộng băng tần thông tin di động mà một doanh nghiệp được sử dụng, thì với phương thức cấp phép thông qua đấu giá và cho phép chuyển nhượng sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh thâu tóm lượng lớn tần số. Điều này có thể làm giảm, thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh. Quy định tổng độ rộng băng tần được cấp phép sẽ áp dụng với mọi doanh nghiệp.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung phân bổ các khối băng tần, ông Lê Quang Huy nói rằng phân bổ các khối băng tần là một trong các nội dung của quy hoạch băng tần. Nguyên tắc, nội dung đã được quy định tại điều 10, điều 11 Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, do đó không cần thiết bổ sung quy định về nội dung này.

Về cấp phép sử dụng băng tần, một số ý kiến cho rằng chỉ cấp giấy phép thông qua đấu giá chứ không tổ chức thi tuyển. Một số ý kiến khác yêu cầu đánh giá ưu nhược điểm của phương pháp đấu giá và không đấu giá băng tần. Về vấn đề này, ông Lê Quang Huy nói rằng Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 quy định 3 hình thức cấp phép là đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp. Đấu giá là cách phân bổ tài nguyên minh bạch, rõ ràng, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Hình thức thi tuyển và cấp trực tiếp đều là cấp phép thực hiện thủ tục hành chính để duy trì việc nhà nước có thể tác động trực tiếp vào thị trường khi cần thiết. Cả phương thức đấu giá và thi tuyển đều có thể gặp rủi ro khi doanh nghiệp được cấp giấy phép nhưng không triển khai hạ tầng mạng và cung cấp dịch vụ như cam kết.

Từ khi Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009 có hiệu lực đến nay, mới cấp phép trực tiếp đối với tần số sử dụng cho hoạt động dân sự thông thường mà chưa cấp trực tiếp, đấu giá hoặc thi tuyển đối với tần số có giá trị thương mại cao. Điều này càng thúc đẩy việc phải hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, để các doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác băng tần phục vụ lợi ích của người dân và xã hội.

Để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề trong đó có: Phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; Việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng an ninh kết hợp phát triển kinh tế.

Cho ý kiến thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng nên bổ sung tiêu chí thời hạn sử dụng băng tần vì đây là một tiêu chí quan trọng. Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) thì đồng tình với giải pháp cấp quyền sử dụng tần số thương mại cho doanh nghiệp nhà nước đang trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, để khi cần có thể huy động tần số này sử dụng cho quốc phòng, an ninh.

Thay mặt cơ quan soạn thảo dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp chân thành, sâu sắc. Bộ trưởng đã tóm lược 2 phương án mà chính phủ đề xuất để đảm bảo băng tần được phân bổ một cách hợp lý cho phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.

Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và MT Quốc hội: Đấu giá tần số là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ-2

Luật Tần số vô tuyến điện ra đời đã 10 năm, vì sao chưa nhà mạng nào được đấu giá băng tần 4G và 5G?

Nối

Khác

Xem tiếp đi