TTO - Ngày 24-6, tại 4 nhà hàng mì soba của Công ty Gangi ở thủ đô Tokyo có một sự kiện đặc biệt ý nghĩa với các nông dân tại Hà Giang: 4 nhà hàng đều dùng mì làm từ 100% bột tam giác mạch trồng tại cao nguyên đá Đồng Văn để nấu món ngon.
- Tân đại sứ Anh đến Hà Nội, khen phở bò ngon tuyệt
- CNN đưa bánh mì, phở, cà phê Việt... vào top 50 món ăn đường phố ngon nhất châu Á
- Tạ Đình Phong khen phở Việt
Hoa tam giác mạch
Đã không ai nhận ra sự khác biệt nào vì hương vị vẫn ngon lành như những tô mì soba họ thường ăn suốt mấy chục năm qua.
Sự kiện có quy mô nhỏ nhưng ý nghĩa của nó thì thật lớn, đặc biệt với những người đứng sau đã đổ rất nhiều mồ hôi, công sức cho dự án Soba.Love trồng tam giác mạch ở Việt Nam.
Trong số đó có doanh nhân Nhật Matsuo Tomoyuki, người đã dành hơn 8 năm gây dựng vùng trồng nguyên liệu tại Hà Giang.
"Miền đất hứa"
Đó là bước đi thật xa của những hạt tam giác mạch do bà con người dân tộc Mông gieo trồng và chăm sóc, mở ra tiềm năng mới cho những lựa chọn canh tác phù hợp, bền vững hơn ở vùng đất có những đặc thù thổ nhưỡng nhiều thách thức như Hà Giang.
Theo trang Sakura.co, bột soba làm từ tam giác mạch có từ thế kỷ thứ 8 tại Nhật. Ban đầu người ta chưa ăn loại bột này ở dạng mì, mà ăn ở dạng há cảo hay bánh quy.
Bột tam giác mạch bắt đầu được chế biến thành dạng mì sợi vào khoảng đầu thế kỷ 17 và là sáng tạo của các cư dân đô thị vùng Edo, tức thủ đô Tokyo ngày nay. Mì soba giờ đã phổ biến trên toàn nước Nhật.
Matsuo Tomoyuki là người rất có duyên với tam giác mạch. Lúc nhỏ, ông sống với người bà vốn rất am tường về tam giác mạch và mì soba. Ông được bà dạy cho biết thế nào là hương vị thuần khiết, tự nhiên của món mì truyền thống Nhật Bản.
Matsuo tốt nghiệp chuyên ngành khoa học máy tính tại ĐH Sacred Heart (Mỹ). Sau đó ông kinh qua nhiều cương vị quản lý doanh nghiệp ở các lĩnh vực tiếp thị, đầu tư...
Trong một chuyến công tác tới Việt Nam năm 2014, ông bắt gặp hương vị của tam giác mạch Hà Giang và những ý tưởng vừa hấp dẫn, vừa phiêu lưu ra đời.
Một tô mì soba ở Tokyo làm từ tam giác mạch Hà Giang
Tôi đã ăn mì soba lâu nay tại Nhật nhưng đây là lần đầu tiên ăn mì soba Nhật Bản được chế biến từ bột tam giác mạch trồng ở Việt Nam, cảm giác thực sự rất đặc biệt, rất vui”.
Ông TẠ ĐỨC MINH (tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật)
Ông Matsuo Tomoyuki đã tự thân lặn lội đi khắp các tỉnh thành miền núi có những điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với tam giác mạch như Cao Bằng, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai...
Nhưng rồi sau khi thấy Điện Biên ở vị trí quá xa xôi, Lạng Sơn có núi không đủ độ cao cần thiết, Lào Cai đã đô thị hóa rất nhiều, vị doanh nhân người Nhật "chốt hạ" ở Đồng Văn (Hà Giang) - vùng cao nguyên đá vốn không thuận lợi cho nhiều loại cây trồng nhưng lại là môi trường tuyệt vời cho loài cây nguyên liệu ông cần.
Cái duyên với tam giác mạch lại được nối dài khi tại Đồng Văn, ông Matsuo gặp được một nông dân là anh Vàng ở Phố Cáo, người đã giới thiệu cho ông những món ăn bản địa làm từ tam giác mạch, nói cho ông biết những nơi nào đã trồng loài cây này ở Hà Giang...
Một vụ tam giác mạch chỉ mất 3 tháng kể từ khi gieo tới lúc thu hoạch, nhưng hành trình để có thể gieo trồng và thu hoạch vụ mùa đầu tiên trên cao nguyên đá của ông Matsuo và các cộng sự tại JVGA đã mất hơn 30 lần khoảng thời gian đó.
Lâu nay tam giác mạch ở Hà Giang thường trồng tại các vùng sâu và xa tít trong bản nên đi lại đều phải bằng xe máy.
Những ngày đầu lặn lội cầm lái trên khắp các cung đường ngoằn ngoèo sương phủ tới 10 huyện của Hà Giang gặp gỡ người dân và chính quyền để bàn bạc kế hoạch trồng tam giác mạch giờ đã trở thành những thước phim đầy cảm xúc với ông Matsuo và các cộng sự thuở ban đầu.
Các thực khách tham dự sự kiện ngày 24-6 tại Tokyo khi 4 nhà hàng thuộc chuỗi Gangi ở thủ đô Tokyo phục vụ mì soba làm từ 100% bột tam giác mạch trồng tại Hà Giang. Ảnh: JVGA
Nhìn cách người đàn ông ngoài 50 tuổi lúc xông xáo vượt đèo lội suối, lúc say sưa trao đổi với bà con nông dân, lúc hồn nhiên như trẻ thơ khoe niềm vui bên những tô mì soba làm từ tam giác mạch, và lúc nào cũng là hình ảnh sôi nổi, nhiệt huyết bên những cộng sự thân thiết, người ta tin ông nhất định sẽ làm "được cái gì đó" cho "miền đất hứa" đã tìm thấy.
Cho mãi tới đầu năm nay, Công ty JVGA của ông Matsuo Tomoyuki mới bắt đầu thu hoạch vụ tam giác mạch đầu tiên từ cánh đồng 50ha ở thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, Hà Giang. Trong tháng 3-2022, số hạt này đã được chuyển tới Nhật.
Công ty chủ trương trồng tam giác mạch trên những diện tích đất người dân địa phương đang bỏ không sau khi thu hoạch các vụ ngô, lúa (thường là vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 1 năm kế tiếp) để giúp người dân sở tại tăng hệ số sử dụng đất. Công ty chi trả tiền nhân công, đầu tư phân bón, hạt giống để người dân trồng.
Theo kế hoạch, nếu sản lượng tam giác mạch tại Hà Giang đạt yêu cầu, JVGA sẽ xây dựng nhà máy sơ chế ngay tại địa phương. Những bước tiến chậm mà chắc của vị doanh nhân người Nhật Matsuo Tomoyuki đang ngày càng cụ thể và rõ nét hơn ngay trên những mảnh ruộng của người dân sở tại.
Ông Matsuo Tomoyuki, CEO Công ty JVGA (trái), và anh Hoàng Văn Chung, người phụ trách dự án trồng 50ha tam giác mạch ở xã Phương Thiện, TP Hà Giang của JVGA
“Ngoài ưu thế phù hợp của thổ nhưỡng, Đồng Văn cũng là nơi có địa hình hiểm trở, giao thông chưa thuận lợi nên tốc độ đô thị hóa chậm hơn nhiều so với các địa phương khác, nhờ đó mà nơi đây có sẵn điều kiện tự nhiên ổn định cho việc gieo trồng và chất lượng của tam giác mạch”.
Doanh nhân MATSUO TOMOYUKI
Từ Đồng Văn tới Tokyo
Theo chia sẻ của anh Tô Hoàng Tú - phụ trách truyền thông cho Công ty JVGA tại Nhật, kể từ năm 2020 tới nay, nhiều công ty chuyên kinh doanh mì soba tại Nhật đã rất quan tâm tới hạt tam giác mạch trồng tại Hà Giang. Trong đó có hai công ty đối tác lớn đang là khách hàng của họ là Gangi và Yudetaro.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Iwata Masaharu, chủ tịch kiêm CEO Công ty Gangi, cho biết sau khi sử dụng, họ nhận thấy bột tam giác mạch trồng tại Hà Giang rất đậm đà hương vị của loại tam giác mạch mọc trong tự nhiên.
Nhiều khách hàng của Gangi phản hồi với nhà hàng là mì soba làm từ tam giác mạch của Việt Nam rất ngon. "Chúng tôi sẽ tăng dần từng chút một lượng tiêu thụ và mong rằng JVGA sẽ tăng thêm sản lượng để chúng tôi có thể sử dụng 100% bột tam giác mạch từ Việt Nam!", người này nói.
Ông Matsuo Tomoyuki cho biết hiện mỗi năm Nhật Bản nhập khẩu khoảng 90.000 tấn nguyên liệu hạt tam giác mạch, chủ yếu từ Trung Quốc, ngoài ra còn nhập từ Mỹ, Nga, Nhật...
Ông đặt mục tiêu sẽ giành được thị phần cung cấp khoảng 500 tấn trong số ấy cho thị trường quê nhà và chỉ riêng diện tích vùng trồng nguyên liệu của JVGA tại Hà Giang đã có thể đáp ứng mục tiêu đó. Vào được Nhật rồi cũng có nghĩa tam giác mạch Hà Giang đủ chuẩn để tiếp cận thị trường khắp thế giới, theo doanh nhân người Nhật.
Khi chúng tôi hỏi: "Có phải 500 tấn chỉ là mục tiêu ngắn hạn không?", ông Matsuo cười nói: "Không, đó là mục tiêu lâu dài, bởi khi bạn tham lam, chạy đua doanh số lợi nhuận, bạn sẽ không thể duy trì được chất lượng".
Sau 8 năm theo đuổi một con đường riêng, giờ đây ông Matsuo đã có thể tự tin khi tam giác mạch thu hoạch từ vùng trồng nguyên liệu ở Hà Giang đã hòa quyện tự nhiên và êm ả vào dòng nguyên liệu phục vụ thực khách tại Tokyo. Những lô hạt tam giác mạch có dán nhãn in logo quốc kỳ hai nước Nhật - Việt đã và đang được thông quan ngày một nhiều hơn.
Mì soba Nhật mang hương vị Việt
Trong chiến lược lâu dài của ông Matsuo, JVGA sẽ là đơn vị bán trực tiếp tam giác mạch Việt Nam cho các chuỗi cửa hàng soba của Nhật, trực tiếp sản xuất bột soba cho các đối tác mà không phải thông qua trung gian nào. JVGA cũng đã thảo luận với hơn 10 công ty chuyên nhập tam giác mạch của Hà Giang, trong đó có những công ty lớn nhất tại Nhật.
Họ có cơ sở thực tiễn để tin vào cơ hội mở rộng thị phần tại Nhật.
Trong một "thử nghiệm mù" (thử nghiệm mà những người tham gia không biết họ đang được dùng sản phẩm nào) tại cửa hàng mì soba ở Tokyo, JVGA sử dụng đồng thời mì soba làm bằng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và Việt Nam nhưng không nói rõ loại nào từ Việt Nam. Kết quả bất ngờ: cả 3 nhân viên trong quán đều trả lời mì soba làm từ tam giác mạch Việt Nam ngon hơn của Trung Quốc.
Theo chiến lược của ông Matsuo, JVGA sẽ quản lý mọi quy trình liên quan "từ A đến Z", gồm sản xuất, kinh doanh (xuất/nhập khẩu) và phân phối (bán hàng tại Nhật). Để theo đuổi mục tiêu dài hạn, ông Matsuo sẵn sàng thuê nông dân là những người địa phương vào làm việc như các nhân viên chính thức của JVGA. Hiện có 37 hộ dân địa phương đang tham gia dự án Soba.Love của JVGA.
Tại huyện Mèo Vạc, các vùng trồng tam giác mạch hiện nay là Pả Vi, thị trấn Mèo Vạc, Pai Lũng, Tà Lùng, Khâu Vai. Trước đây huyện hỗ trợ nông dân 50 - 60kg hạt giống và 3 triệu đồng cho công canh tác. Hiện tại huyện hỗ trợ 6 - 7 triệu đồng cho 1ha đất khi người dân tham gia trồng tam giác mạch. Ngoài ra, công ty dự kiến kết hợp với huyện Mèo Vạc thực hiện dự án Soba.Love với quy mô 200ha/năm.
Cùng với khát vọng xây dựng một chuỗi chu trình khép kín của tam giác mạch Hà Giang, vị doanh nhân Nhật Bản còn có một kế hoạch lớn song song: tạo ra những bát mì soba Nhật Bản mang hương vị của Việt Nam khi dùng chính các nguyên liệu có sẵn tại địa phương để sáng tạo trong mỗi tô mì. Tại Hà Giang, ông đã dùng thịt dê, gà, rau cải mèo và tôm nước ngọt để nấu mì soba, những thành phần vốn không có trong mì soba truyền thống ở Nhật.
Cao nguyên đá Đồng Văn rực rỡ sắc hoa tam giác mạch
TTO - Hà Giang đang bắt đầu vào đông. Cùng ngắm cao nguyên đá đầy sắc cạnh và mê hoặc qua cảm hứng của tà áo dài truyền thống Việt, đan xen những sắc hoa tam giác mạch rực rỡ trong những ngày lễ hội hoa.
D.KIM THOA