Nấu canh chua cầu kỳ hơn các món canh khác vì muốn chuẩn vị phải chuẩn bị nhiều thứ “đồ màu”: me, thơm, cà chua, giá, bạc hà, đậu bắp, rau nêm… Tuy nhiên, “tính dễ chịu” của canh chua là nhờ các gia vị chua như lá giang, khế, tai chua, lá me.
Canh chua có thể nấu với cá, thịt, xương, tôm và canh chua chay nấu với đậu hũ, nấm…
Cá để nấu canh chua phải đúng loại cá nấu canh chua, ví dụ như: cá mú, cá lóc, cá bớp, cá đuối, cá basa, cá cơm, cá nục… Cái hay của món canh chua là tuy “đồ màu” theo công thức chuẩn nhưng, tùy theo loại cá mà thêm hay bớt vài thứ vào nồi canh.
Ngày xưa, khi nấu canh chua với cá lóc, má tôi thường thêm dưa cải chua, nếu nấu với cá đuối dứt khoát trong nồi canh phải có bắp chuối thái sợi. Tôi không hiểu “quy tắc” này có theo “tiêu chuẩn” không, hay kiểu “gia truyền”, đời này dạy qua đời khác. Rồi rau nêm của món canh chua “chuẩn” là: hành lá, ngò gai, ngổ, quế, tần dày lá… thì trong món cá giò nấu canh chua, bạn tôi người Ninh Hòa (Khánh Hòa) dứt khoát phải nêm lá é trắng mới đúng điệu.
Hay với canh chua cá cơm có người nấu “đồ màu’’ theo công thức chuẩn nhưng có người chỉ nấu với lá me non hay với lá giang, thậm chí có người còn không biết cá cơm có thể nấu được canh chua.
Nấu canh chua cần phải chuẩn bị: thơm cắt lát, cà chua cắt kiểu múi cau, đậu bắp, bạc hà cắt mỏng vừa, giá để ráo, và rau nêm cũng thái nhỏ sẵn… Bắc nồi nước, bỏ vào vài trái me già (hay me dằm, nhiều hay ít tùy theo khẩu vị), nước sôi thì me cũng vừa mềm, vớt me bỏ vào tô rồi dằm cho me ra hết nước chua. Trong khi chờ gạn xác me, cho cá vào nồi nước sôi. Nước sôi lại, cá chín cho thơm cà vào, cuối cùng cho giá, đậu bắp, bạc hà. Lúc này thì không cần chờ sôi lại, các thứ vừa nêm rất dễ chín, cho rau nêm lên mặt và nêm nếm vừa ăn. Để nồi canh chua ngon hơn và thơm dậy mùi, cho thêm ít tỏi phi. Thích ăn cay thì thêm vài lát ớt.
Canh chua có thể nấu với tôm, thịt bò và cả với xương. Đơn giản và nhanh nhất là thịt bò nấu với dưa cải và cà chua, ngon đậm đà. Bắc nồi lên bếp, chờ nóng chế dầu ăn vào, rồi phi hành cho thơm, xong bỏ thịt bò vào đảo đều (ngon nhất là nấu với bò diềm), sau đó cho nước vào chờ sôi, thêm dưa cải, cà chua, nêm nếm vừa ăn. Gà nấu lá giang cũng là món canh chua ngon, thích hợp cho mâm cơm đông người và có thể ăn với bún, mì…
Mỗi vùng miền có cách nấu canh chua khác nhau tùy theo loại cá, thịt, tôm… Người miền Trung thường không cho đường hay tỏi phi vào canh chua cá vì muốn tận hưởng độ thanh, vị ngọt của cá tươi. Và cũng tùy theo khẩu vị từng gia đình, thêm hay bớt “đồ màu” còn phụ thuộc vào tính “khảnh” ăn của các thành viên trong gia đình nữa.
Có một lần tôi được ăn món canh chua đơn giản chỉ là ruốc nấu với khế ở Quảng Ngãi, ngon khó quên. Về miền Tây có món canh cá rô phi nấu với mẻ, rất ngon. Trong món canh chua hôm ấy tôi thấy có mùi gừng, cà chua, thì là, hành, ớt.
Ở miền Đông Nam bộ tôi được ăn món canh chua cá lăng, ngon tuyệt vời khi nấu có măng chua, rau bắp chuối… Người miền Nam thích ăn ngọt nên thường nêm đường, nồi canh chua có vị ngọt đậm.
Mùa nắng, có hôm tôi luộc rau muống, lấy nước làm canh, vắt thêm tí chanh là có tô canh chua cho cả nhà xì xụp.
Bây giờ tôi nấu nồi canh chua nhanh gọn và đơn giản nhờ có hộp cốt me bán ở siêu thị. Tuy nhiên, vẫn phải chuẩn bị các “đồ màu” sẵn sàng trên bếp rồi mới nấu, nếu không sẽ dễ quên thứ này thứ khác, nồi canh sẽ mất ngon vì các “đồ màu” nấu canh chua phải cho vào nồi đúng thời điểm mới thơm, dậy mùi.
Canh chua phải ăn nóng, múc tô canh chua miếng cà không bị nát, rau nêm vẫn còn xanh, bạc hà, đậu bắp, thơm có độ giòn…
Tôi thường hay suy nghĩ về tình thương yêu của người mẹ khi nấu nồi canh chua. Ra chợ chọn cá tươi, “đồ màu” cũng phải tươi mới. Có bà mẹ kỹ tính, không mua thơm cắt sẵn ngoài chợ mà mua về nhà tự gọt. Biết con không ăn được cay, nhưng món canh chua cá phải có xíu ớt bỏ vào cho “bán” mùi tanh cá, bà mẹ nói nhỏ với con khi múc ra tô: “Mẹ có cho ớt nhưng không cay đâu, chỉ the the chút xíu thôi nhé!”. Chỉ nhiêu đó thôi, con hiểu được tình mẹ dành cho mình không gì sánh được.
Đào Thị Thanh Tuyền