Sở hữu vườn cây cảnh hoa trà vừa cổ vừa quý
Dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn cây cảnh hoa trà (cây trà cảnh) của mình, anh Biên kể, dưới các triều đại phong kiến, làng anh đã có nghề cha truyền con nối trồng trà cảnh tiến Vua, nên "máu" trồng và chơi trà cảnh đã thấm vào anh ngay từ khi mới lọt lòng mẹ. Thế nhưng vì phải mưu sinh ổn định cuộc sống mãi tới năm 2004 anh mới có điều kiện sưu tầm các loại cây cảnh hoa trà về trồng và kinh doanh trong vườn nhà.
Nhờ đam mê và gặp thời, anh Biên đã có được vườn cây cảnh hoa trà cổ thụ cho giá trị cao.
Nhớ lại thời điểm khi ấy đang là cuối của một trào lưu chơi trà cảnh, thế nên giá cây cảnh hoa trà của anh khá rẻ, rất dễ mua, kể cả những cây thuộc dòng quý hiếm. Nhờ đó, anh Biên đã có được vườn cây cảnh hoa trà cổ thụ cho giá trị cao.
Anh Biên nói : "Kể ra ai cũng nghĩ là được "ăn may", nhưng để trồng và chăm sóc được vườn toàn cây cảnh hoa trà quý hiếm đến thời điểm này, là cả một quá trình cân "não". Chỉ riêng việc duy trì hơn 3.000m2 trà cảnh suốt 14 năm gần như không sinh lợi, đã là một sự đấu tranh tư tưởng không ngừng. Nhớ lại có thời gian hay bị vợ, con không đồng tình, người ngoài đàm tiếu, tôi vẫn bỏ ngoài tai tất cả, để tiếp tục mua về những cây trà cổ thụ, bắt mắt, tin rằng rồi đây cây cảnh hoa trà sẽ lên "ngôi" trở lại".
Nhưng người thợ đang uốn tỉa tạo dáng cho cây cảnh trà cổ thụ.
Kết quả đúng như anh Biên dự liệu, từ năm 2018 đến nay, giá cây cảnh hoa trà trên thị trường đã từng bước được khôi phục trở lại, vườn trà của anh Biên trở thành của hiếm, không chỉ bán cho những khách trồng, chơi sành điệu, còn bán cho các nhà vườn mua để ngắt ngọn cành nhân giống, kinh doanh.
Theo đó, vườn trà cổ của anh Biên đã cho thu nhập 700-900 triệu đồng mỗi năm. Riêng dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, anh Biên chỉ bán 25 cây cảnh hoa trà đã thu về trên 1 tỷ đồng, đầu tư cây giống và công chăm sóc không đáng kể.
Một góc vườn cây cảnh trà cổ thụ của anh Biên ở Văn Giang, Hưng Yên.
Thăm dò thực tế về vườn trà cảnh của anh Biên, chúng tôi thấy, tại đây có khoảng 100 cây cảnh hoa trà từ 40-80 năm tuổi. Trong đó có một số cây tuổi đời lên tới 130 năm tuổi. Các cây cảnh này đều được trồng trên chậu đường kính rộng 2-4m, được chăm sóc tỷ mỉ, không tì vết sâu bệnh, nhiều cây còn được uốn tạo thành những kiểu dáng khác nhau, rất hấp dẫn. Theo đánh giá của giới sành chơi trà cảnh ở Hưng Yên, mỗi cây trà cổ thụ của anh Biên có giá từ 30-700 triệu đồng (tùy theo tuổi cây và độ "quái" của cây), tổng trị giá của vườn trà cảnh ước đạt 10 tỷ đồng.
Hướng tới phân khúc thị trường cây cảnh cao cấp
Các loại cây cảnh hoa trà đang được giá khá cao, nhưng anh Biên vẫn kiên trì với phương châm, không sản xuất, kinh doanh trà cảnh theo lối ăn "xổi" - mua, bán sang tay, kiếm lợi nhất thời. Bởi bài học chạy sô "săn" buôn cây cảnh bon sai những năm 2010-2012, và một vài dòng lan đột biến gần đây, vẫn còn nguyên giá trị với anh và những người trồng, kinh doanh cây cảnh.
Để có thể trồng trà cảnh có lãi, anh Biên chỉ hướng tới phân khúc thị trường cao cấp, gồm những khách hàng có sở thích riêng chơi cây trà hoa cảnh, có khả năng chi trả cao, mua trồng trong các biệt phủ, nhà thờ họ hoặc khu nghỉ dưỡng ở miền Bắc nước ta. Theo đó, bên cạnh mua gom, phục tráng những dòng trà cổ thụ "độc, lạ" ở trong nước, anh Biên còn du nhập thêm những cây cảnh trà lâu năm, mặt hoa đẹp từ nước ngoài về thuần hóa trong vườn nhà, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chơi trà cảnh của những khách mua kỹ tính.
Giống Trà bạch nở hoa vào dịp Tết Dương lịch.
Theo anh Biên, phân khúc thị trường trà cảnh cao cấp tuy hẹp, nhưng bền vững, vì gồm toàn những khách hàng đam mê chơi cây trà hoa cảnh, sẽ gắn bó với thị trường này lâu dài. Không như phân khúc thị trường phổ thông, người chơi thường chạy theo mốt hoặc cao trào, sau khi mốt thoái trào, họ sẽ bỏ các cây này chuyển sang chơi loại hoa, cây cảnh khác.
"Trà cảnh là cây trồng khó tính, nhưng ít nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm như sâu đục thân, nấm hại rễ, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, cây có thể sống được hàng 100 năm, mà vẫn ra hoa đều đặn vào các dịp tết Nguyên đán hoặc tết Dương lịch hàng năm (tùy chủng loại giống). Đây là nét khác biệt giữa cây hoa trà với nhiều loại hoa cây cảnh khác", anh Biên cho biết.
Anh Biên bên cạnh cây cảnh trà cổ thụ tới 130 năm tuổi.
Để giữ được trà cảnh bền lâu nên trồng cây trên chậu, định kỳ 1-2 năm bổ sung hoặc thay chậu và giá thể trồng mới, tùy theo độ lớn của cây để chọn kích thước chậu phù hợp. Chú ý theo dõi phòng trừ kịp thời một số sâu bệnh hại chính, thán thư và rệp mềm; cây trà ưa thời tiết mát mẻ, nhưng trồng ở các tỉnh phía Nam thường cho hoa bé và xấu, độ bền chơi hoa cũng rất thấp; trà cảnh không ưa bón nhiều phân, chịu được ánh nắng gay gắt và đất trồng quá ẩm hoặc quá khô.
"Cây cảnh hoa trà được tăng giá là nhờ xã Phụng Công được công nhận là làng nghề hoa, cây cảnh truyền thống (năm 2019). Và hàng năm UBND huyện Văn Giang đều tổ chức được lễ hội hoa tại địa bàn vào dịp tết Nguyên Đán", anh Phạm Hoành Sơn – Tổ trưởng Tổ Kỹ thuật trồng trà xã Phụng Công đánh giá.