Rau thối cũng giống như sầu riêng, không phải ai cũng vượt qua được mùi hương để thưởng thức.
Rau Pắc Nam hay còn gọi là rau hôi. (Ảnh: Esheep Kitchen)
Tây Bắc nổi tiếng với loại rau Pắc Nam có một mùi rất đặc trưng, khi xuống đến miền xuôi lại được gọi là rau hôi hay rau thối. Mùi của rau này rất đặc trưng và nồng, đứng xa cả mét vẫn có thể ngửi thấy được, khá kén người ăn nhưng ai ăn được rồi lại dễ bị nghiện.
Từ tháng 3 - tháng 6 là thời gian mà Pắc Nam cho nhiều lá non và ngon nhất. Theo kinh nghiệm của người dân vùng cao, rau sau khi được hái khỏi cây thì mùi hương, độ giòn sẽ giảm dần theo thời gian. Vì thế, nếu muốn giữ trọn mùi vị đặc trưng của Pắc Nam thì nên chế biến ngay, có như vậy mới cảm nhận rõ vị ngọt bùi tự nhiên và mùi hương lan tỏa trong hơi thở.
Pắc Nam khi được hái về nên đem đi chế biến ngay, càng để lâu mùi hương càng nhạt dần. (Ảnh minh họa)
Pắc Nam không cần phải chế biến quá cầu kỳ bởi thứ khiến người ta mê nhất ở loại rau này vẫn là hương vị dân dã. Người dân vùng cao thường xào Pắc Nam với thịt trâu, thịt lợn, trứng hoặc mớ cá mới bắt từ suối về.
Nếu vượt qua được thử thách mùi hương ban đầu, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi tự nhiên hấp dẫn bất ngờ. Rau được xào vừa chín tới, xanh mướt, ăn rất giòn, cộng với vị béo của thịt, cá hay trứng thì đây chắc hẳn là một món ngon khó cưỡng trên mâm cơm mùa hè.
Pắc Nam thường được đem đi xào chung với các loại thịt hoặc trứng. (Ảnh: Esheep Kitchen)
Rau ăn rất giòn, ngọt và bùi. (Ảnh: Esheep Kitchen)
Những năm gần đây, Pắc Nam không chỉ được ưa chuộng ở các tỉnh Tây Bắc mà còn được bán rộng rãi ở đồng bằng. Những mớ rau xanh mướt được bán với mức giá không hề rẻ, dao động từ 65.000 - 90.000 đồng/kg.
Nguồn Tin: