Cách trung tâm Hà Nội hơn 20km, lại nằm ngay gần “Đệ nhất đại danh lam” - chùa Đậu, vườn sen Cung đình của anh Tạ Hồng Đẹp là một điểm tham quan thú vị đối với mọi du khách muốn tránh xa những ồn ào, náo nhiệt chốn thị thành.
Theo chia sẻ của anh Đẹp, sen Cung đình thực chất là giống sen cổ của Việt Nam. Mọi đặc tính của sen Cung đình cũng giống như sen ta: mùa thu sen tàn rồi ngủ đông, đến mùa xuân mới lên mầm, ra hoa, đậu quả rồi ngủ đông.
Anh Đẹp chia sẻ: "Bản thân tôi cũng như mọi người dân Việt, tuổi thơ đã từng yêu và gắn bó với sen. Bởi sen gần gũi với mọi người. Sen đẹp, thanh cao nhưng cũng rất gần gũi. Sen vào hội họa, thi ca. Sen vào bữa cơm gia đình và các bàn tiệc bằng những món ngon, bổ dưỡng mà chắc ai cũng đã từng thưởng thức...
Từ lâu, ý tưởng đưa sen vào chậu đặt trong khuôn viên đã nung nấu trong tôi. Mấy lần hì hụi xuống đầm mò mẫm đào ngó về nuôi, mấy lần ươm hạt để trồng...đều không được như ý".
Và thế là, cơ duyên đến với sở thích chơi sen Cung đình của anh Đẹp cũng đầy bất ngờ, anh cho biết: "Tình cờ nhân một chuyến đi công tác, làm việc tại một cơ quan cách đây chục năm. Anh Đẹp bắt gặp một chậu sen đã thuần, chính hiệu sen Cung đình. Anh đã ngỏ ý xin giống và được chủ nhân đồng ý. Khó có thể diễn tả hết sự sung sướng khi anh Đẹp đã có trong tay một nhánh chồi mầm. Về nhà anh tiến hành thực hiện các bước để ươm trồng".
Theo anh Đẹp, chủ nhân vườn sen Cung đình cho biết, sen bản chất là cây mọc hoang dại nên cũng dễ tính. Do vậy, cách chăm sóc sen Cung đình cũng không quá cầu kỳ.
Sen đặc biệt ưa nắng, ưa sạch. Đất để trồng sen tốt nhất là lấy bùn ở ruộng lúa, hoặc lòng mương, không nên lấy ở ao tù, nước đọng. Nếu bùn đất bẩn hoặc bón phân không ủ kỹ sẽ khiến sen nhiễm bệnh mà chết.
Vì trồng trong chậu nên diện tích có hạn, cần bổ sung dinh dưỡng cho sen vừa đủ, nếu quá thì sen sẽ chỉ ra lá mà không có hoa, nếu bón quá nhiều thì thậm chí còn bị chết. Bên cạnh đó thì sen cần nhiều nước, cần hằng ngày tưới nước sạch.
Tay cầm bát nước lá sen, anh Đẹp hóm hỉnh chia sẻ: "
Sen Cung đình
giống như người con gái xinh đẹp mà không đỏng đảnh".
Sen Cung đình thường nở rực rỡ trong 3 ngày. Sau ngày thứ nhất nở hoa, qua 12 giờ trưa sen cụp cánh lại để sáng sớm hôm sau lại nở hoa rồi khép hờ để ngày thứ 3 tiếp tục nở. Trong 3 ngày này ong mật đến rất nhiều.
"Sen hé nở, ong mật đến nhiều thì ngày hôm đó chắc chắn nắng đẹp. Còn hôm nào sáng ra vắng ong mật, tức là sen hôm đó sẽ không nở và nắng sẽ không có nhiều"- anh Đẹp chậm rãi nói.
Sen Cung đình có 2 màu cơ bản là hồng và trắng. Sen Cung đình trắng thì hiếm hơn sen Cung đình hồng.
Ban đầu, vườn sen của anh Đẹp chỉ có giống sen cung đình hồng. Rất ngẫu nhiên, năm 2017, vườn sen xuất hiện 1 bông hoa trắng viền hồng, sau đó chủ nhân khu vườn đã nhân giống được 4 chậu sen trắng viền hồng.
Cũng như các loại sen khác, sen Cung đình cũng bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối tháng 9 mùa thu. Nếu cấy sớm thì đầu tháng 5 sen nở, nếu muộn thì đến đầu tháng 6 mới nở hoa, nhưng thường thì cuối tháng 9 là sen tàn.
Tất cả lu, chum, vại, chậu cây bonsai… đều được anh tận dụng trồng sen rất hiệu quả và tạo phong cách lạ. Khuôn viên rộng gần 1.000 m2 của nhà anh Đẹp sau 5 năm đã phủ kín hoa sen. Những chậu sen đẹp nhất được anh đưa vào cạnh thềm ngay trước bàn uống nước để khách đến nhà có thể vừa uống trà vừa ngắm sen.
Chia sẻ bí quyết trồng sen, anh Đẹp cho biết: "Quan trọng nhất là phải có giống sen tốt. Tốt nhất là xin được giống bằng chồi sen, đó là 1 đoạn thân ngầm và có 1 vài chiếc lá. Trồng sen chậu vất vả nhất là khâu lấy bùn. Bùn trồng sen tốt nhất là được lấy ở mặt ruộng lúa, vì sẽ có độ dẻo vừa phải và không bị lẫn tạp chất như rác và các chất hữu cơ đang phân hủy. Sen rất sợ bẩn. Sau khi tìm được chậu phù hợp (có chiều sâu và miệng rộng một chút), ta cho bùn vào sao cho đủ để củ và thân mầm bám rễ chặt và có điều kiện phát triển, hấp thụ dinh dưỡng.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật trồng sen, anh Điệp cho biết: Nước trong chậu phải luôn duy trì đủ ít nhất phải cao hơn mặt bùn khoảng 5cm trở lên. Khi cho bùn vào chậu nên bón thêm 1 ít phân vi sinh dạng bột có hàm lượng NPK vừa phải. Cho nước và bóp nhuyễn bùn, san phẳng mặt bùn và phơi nắng 1 – 3 ngày cho nước trong. Tốt nhất là nên thả 1 ít rong đuôi chó để làm sạch nước. Khi nước trong và rong phát triển bình thuờng thì cấy sen vào chậu".
Theo anh Đẹp, kỹ thuật cấy sen cũng rất quan trọng. Củ và thân ngầm dúi ngập trong bùn và lá để nổi lên mặt nước. Hàng ngày phải theo dõi sự phát triển của sen. Nếu thấy sâu bệnh phải phun thuốc ngay. Khi có nước đọng trên lá thì phải thổi đi, nếu không nước sẽ làm thối lá.
Trong quá trình chăm sóc nếu lá vàng, yếu thì phải bổ sung phân bón. Nếu lá quá tốt sẽ làm chậm ra hoa, phải bổ sung kali bằng tro bếp. Thời vụ trồng sen ở miền Bắc là khoảng giữa xuân đến cuối xuân, sau khi ngủ đông sen sẽ bắt đầu nhú mầm.
Yêu sen và ấp ủ trồng sen trong vườn nhà từ lâu, nhưng phải đến 1/6/2017, thời điểm anh Tạ Hồng Đẹp nghỉ hưu thì vườn sen mới bắt đầu mở cửa chào đón mọi người đến tham quan, ngắm sen, chụp ảnh, uống trà và đàm đạo với chủ nhân…
Không chỉ trồng sen, chơi sen, thưởng thức sen mà anh Đẹp còn tạo ra trà lá sen Cung đình để uống hàng ngày như một vị thuốc quý (trà lá sen có tác dụng an thần, làm tan mỡ máu và làm sáng da mặt...).
Mỗi mùa sen nở, khi những lá sen đã già hoặc sâu cắn ngắt bỏ thì anh Đẹp đều giữ lại, phơi trong nắng nhẹ, sau đó để vào tủ lạnh uống dần. Hằng ngày lấy ít lá sen khô hãm nước sôi uống trong ngày. Mỗi ấm tích cho khoảng 2 - 3 lá là vừa. Chè lá sen Cung đình có màu vàng xanh rất đẹp mắt, uống rất thơm và ngon. Đặc biệt nó không đắng như lá sen trong đầm vì bùn không bị nhiễm chất thải và kim loại nặng.
Những ngày tháng 6 nắng vàng oi ả này này đúng vào thời điểm sen Cung đình bung nở rực rỡ nhất. Hãy lên kế hoạch ghé thăm "khu vườn yên tĩnh" của ông Tạ Hồng Đẹp để hòa mình vào "lãnh địa của sen", cảm nhận trọn vẹn cái chất quê mộc mạc mà thanh tao ấy.