TTO - Từ một chiếc xe đẩy bán hàng trăm ly mỗi ngày, dần dần có nhiều hàng dừa tắc dừa thơm mọc lên, nối dài đến nỗi thực khách đến đây loay hoay không biết phải dừng lại thưởng thức ở hàng nào...
- Nhớ nồi canh chua lá giang của ngoại
- Số hóa ẩm thực Việt để tiếng lành đồn xa hơn
- Tiệm cháo lòng không thay món đổi vị suốt 80 năm ở Sài Gòn
Là thức uống giải khát đúng điệu ngày hè, những ly dừa tắc dừa thơm trên cung đường Pasteur và Võ Thị Sáu dần trở thành nét văn hóa ẩm thực đường phố
Dừa tắc vốn là thức uống tự chế của người Sài Gòn "ứng biến" với tiết trời oi bức, tới nay cũng không ai dám tự nhận mình là người đầu tiên phát hiện món nước này.
Cách làm dừa tắc hay dừa thơm không khó: nước dừa được chắt nguyên chất từ những trái dừa tươi, cái lợi ở chỗ dừa tắc được pha chế cho có vị ngọt vừa miệng, đôi khi cho chút muối để vị ngọt đậm đà.
Tắc hoặc thơm (khóm) xắt nhuyễn, được rim với đường cho sệt sánh, vị thì phải nếm sao cho vừa khi hòa vào với nước dừa. Điểm thu hút món dừa tắc dừa thơm chính không chỉ có vị chua ngọt từ trái thơm trái tắc, mà còn ở cơm dừa (hay cùi dừa) được thái sợi dày, cắt nhỏ tùy ý...
So với nhiều thức uống giải nhiệt khác, một ly dừa tắc dừa thơm hiệu nghiệm tức thì khi có thể xoa dịu cơn khát, cái nắng nóng tháng 6.
Góc đường một chiều nhỏ nhỏ với 5, 6 hàng nước cùng một loại - Ảnh: Minh Đức
Chủ trương "bán mang về", hàng dừa tắc đầu ngã tư Pasteur có bảng hiệu 246A không để ghế ngồi xếp hàng dài như cách bạn hình dung về một hàng quán bán đắt.
Thế nhưng chỉ cần đứng quan sát cũng thấy cô chủ tay làm thoăn thoắt những đơn hàng cho khách đặt qua ứng dụng. Tắc ở đây được cô chủ mua từ cửa hàng quen, còn thơm thì tự tay sên nên ngon và "sên tới đâu bán hết tới đó".
Mỗi ngày, hàng dừa tắc dừa thơm đầu con phố bán hết khoảng vài trăm ly. Khi có đơn hàng "khủng", cô chủ sẵn sàng tặng tài xế một ly!
Ngày bán 12-13 hũ thơm hũ tắc của hàng nước 246A - Ảnh: Minh Đức
Chị Thủy, với hàng dừa tắc lâu đời nhất con đường Pasteur, có lẽ là một trong những người đầu tiên mang món giải khát này đến với đông đảo người Sài Gòn.
Hàng của chị cũng không đề tên, chỉ có bảng hiệu là địa chỉ số 250 kèm theo dòng chữ "Bán trên 20 năm" như khẳng định thương hiệu của riêng mình.
Chị Thủy chia sẻ mình đã bán dừa tắc ở đây từ năm 2001, sau này những hàng quán chung quanh mọc lên cũng là từ hiệu ứng mà hàng quán của chị tạo ra.
Trước dịch, hàng chị Thủy vẫn dùng ly thủy tinh cho khách ngồi tại chỗ, nhưng sau này chị đổi sang ly nhựa loại tốt để tránh rơi vỡ - Ảnh: Minh Đức
Nổi tiếng là hàng dừa tắc dừa thơm rẻ nhất Sài Gòn, vợ chồng chị thuê luôn khu vỉa hè để tiện cho những khách tới ngồi ăn tại chỗ, do số lượng khách rất đông, vỉa hè đối diện bên đường cũng chuẩn bị sẵn những chiếc ghế cóc cho khách đa phần là thế hệ Z ngồi thưởng thức, trò chuyện rôm rả mỗi chiều.
Để giữ chất lượng và mức giá bình dân, chị Thủy "lấy công làm lời" tự tay ngào tắc cắt sợi với đường phèn, không pha thêm xí muội để giữ được mùi thơm đặc trưng của loại quả này.
Sài Gòn thú vị ở chỗ, khách văn phòng hay ăn mặc rất đẹp cũng chẳng ngại ngồi bệt vỉa hè thưởng thức món thức uống bình dị, mát lành này. Có nhiều vị khách đứng ăn tại chỗ, vừa ăn vừa trò chuyện với vợ chồng chị, lại cũng có những anh tài bác tài, ngồi yên vị trên xe húp từng ngụm nước dừa thơm mát, nhai cơm, dừa vui tai...
Mỗi ly dừa tắc dừa thơm bình dân, có giá (sau dịch) là 15.000 đồng, ly lớn 20.000 đồng với đầy ắp. Cơm dừa ở quán chị Thủy được cắt miếng lớn, dày và khá giòn, ăn sừng sực đã miệng, lâu lâu húp một ngụm nước ngọt thanh thơm lừng, chút nhẫn nhẫn từ tắc, chút xíu chua chua từ thơm.
Dừa của chị Thủy được lấy hàng từ tận Bến Tre, mối duy nhất trước giờ. Nước dừa phải ngọt vì chị muốn giữ vị nguyên chất có thể, rồi pha chút đường chút muối - Ảnh: Minh Đức
Tuy nhiên hàng dừa tắc dừa thơm chị Thủy chưa phải hàng duy nhất có vị ngon khó cưỡng, có một hàng nước nhỏ xíu nằm giữa các biển chữ trưng bày bắt mắt, là hàng dừa tắc "bà già" theo cách nói vui của hai cô chủ đã ngoài 60 tuổi.
Đây chắc là hàng nước đắt khách thứ ba sau hàng chị Thủy và hàng 246A, nhưng với người viết bài này nó lại là hàng dừa tắc dừa thơm ngon xuất sắc.
Nhiều thực khách "chê" cơm dừa của hai cô nhỏ quá, ít quá, nhưng chính vì thế cơm dừa mềm, dễ nhai và... hòa quyện tài tình với nước dừa. Nước dừa loãng, nếu cơm dừa dày và cứng sẽ tạo cảm giác hơi khó chịu khi thưởng thức.
"Cứ gọi dừa tắc bà già đi con. Địa chỉ đây nè con, 248...". Cô chủ cười tươi, ngại khi nhắc tên - Ảnh: Minh Đức
Không chỉ cơm dừa mềm (ưu điểm của những trái dừa non), sợi nhỏ dễ ăn, hàng nước dừa tắc bà già còn có ưu điểm là trữ nước dừa trong khay inox rất sạch sẽ, nước dừa ngọt đậm đà, ai thích vị ngọt ngay thì sẽ cực kỳ u mê với hàng nước này.
Tắc và thơm ở đây mùi vị không khác những hàng nước còn lại, tuy nhiên vị của nó không nhẫn hoặc chua. Có lẽ vì thế mà mỗi lần khát nước ghé đây, mình phải kêu cả hai ly dừa tắc dừa thơm ăn cho đã thèm.
Hàng dừa tắc dừa thơm 248 bị khách chê "mắc" nhưng chất lượng lại vượt trội - Ảnh: Minh Đức
Người ta bảo Sài Gòn ít khi chán, vì ở mỗi nơi trong Sài Gòn, lại có những điều thú vị nho nhỏ như thế.
Cũng có người bảo Sài Gòn không có nét đặc trưng, bị trộn lẫn nhiều nền ẩm thực, nhưng thật ra Sài Gòn chỉ đang cố tình chiều lòng tất cả vì yêu thương lẫn nhau đó thôi.
Trời mưa thì mình tìm hàng cháo lòng nóng hổi, còn trời nắng, mình ghé làm ly dừa tắc rồi tự khắc yêu đời, suy nghĩ chi mà nhiều!
Người viết bài này có một kỷ niệm khá vui về món dừa tắc khi cách đây ba năm gặp tai nạn phải nằm viện hai tuần. Thời gian này bác sĩ bắt phải uống nước dừa mỗi ngày để giúp cơ thể hạ sốt, tăng chất điện giải bù nước cho cơ thể sau mổ...
Uống nước dừa hoài thì ngán, mới sực nhớ ra món dừa tắc "thần thánh", nhờ bố mua giùm, và nửa tiếng sau ông xách lên một ly nước dừa đầy ụ, kèm... 3-4 trái tắc nguyên xi.
Vừa mắc cười vừa tuyệt vọng nhưng vì không thể làm gì khác, đành vắt nước tắc vào ly dừa. Rõ ràng vị của nó vừa chua vừa nhạt, thế mới nói đâu đơn giản để làm được vị nước uống ưa thích.
Cà phê vợt: Có nơi ở Sài Gòn gì cũng từ từ
TTO - Trong khi mô hình nhượng quyền và chuỗi coffeeshop liên tục "mọc lên như nấm", đâu đó ở Sài Gòn vẫn còn những không gian chỉ sáng tinh sương mới cảm nhận được: mùi cà phê, mùi của bình minh, và tiếng ôn tồn của... người già.
ĐỨC NOISE