- Tranh thủ mùa cốm thơm trổ tài làm 4 món chè cốm tuyệt ngon này cho cả nhà thưởng thức nhé bạn ơi!
Cách nấu chè cốm nước cốt dừa
Nguyên liệu:
400gr cốm tươi (hoặc cốm khô)
70ml nước cốt dừa
100gr bột năng
1 muỗng canh bột béo
20gr đường trắng
1 ít dừa khô
1 tô đá bào
Chè cốm nước cốt dừa
Các bước chế biến món chè:
Bước 1: Sơ chế cốm xanh
Cốm tươi mua về rửa sạch với nước, đãi trong khoảng 2 – 3 phút là được. Không nên ngâm nước quá lâu dễ làm cốm bị mủn nát khi nấu.
Nếu bạn mua cốm khô, phải rửa sạch bụi bẩn, ngâm trong nước khoảng 7 – 10 phút để cốm mềm hơn.
Bước 2: Nấu chè cốm & nước cốt dừa
Nấu chè cốm:
Bắc 1 lít nước sôi vào nồi, đun ở lửa lớn rồi cho 200gr đường, cốm sơ chế vào đun.
Từ từ hạ lửa nhỏ nhất, dùng đĩa khuấy đều hỗn hợp nấu trong khoảng 10 phút. Cần thường xuyên kiểm tra để cốm mềm vừa đủ, không bị nát.
Pha loãng 100gr bột năng với 100ml nước cho tan hoàn toàn rồi đổ từ từ vào nồi đang đun.
Đảo đều tay liên tục trong khoảng 3 phút đến khi hỗn hợp hơi sánh dẻo lại thì tắt bếp.
Nấu nước cốt dừa:
Hoà tan 70ml nước cốt dừa cùng 1 muỗng canh bột béo hoặc bột năng.
Khuấy đều trên bếp ở lửa nhỏ. Đun đến khi được hỗn hợp hơi đặc sánh theo mong muốn là được.
Bước 3: Hoàn thiện món ăn
Múc chè cốm ra 1 cái chén, rưới nước cốt dừa lên trên.
Rắc chút dừa khô, thêm đá bào vào nếu bạn thích ăn lạnh và thưởng thức ngay nhé!
Cách nấu chè cốm đậu xanh
Nguyên liệu chè cốm đậu xanh:
200g cốm khô
50g đậu xanh
250g đường
2 muỗng bột sắn
Dừa nạo
Lá dứa
Chè cốm đậu xanh
Cách nấu chè cốm đậu xanh:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Cốm khi mua về, bạn cho cốm vào chiếc rổ lượt, sàng nhẹ để các tạp chất được loại bỏ. Tiếp theo, bạn cho cốm vào rổ và xả cốm với vòi nước từ 2 – 3 lần. Sau đó, bạn cho cốm vào nước ngâm khoảng 5 phút cho mềm. Lưu ý, bạn không nên ngâm cốm quá lâu để tránh làm cho cốm bị nhão hoặc nát khi nấu.
Đậu xanh khi mua về bạn cho nước vào vo sạch, đãi bỏ các tạp chất. Rồi ngâm đậu xanh với nước khoảng 2 tiếng cho đậu xanh mềm và vớt ra để ráo. Như vậy sẽ giúp cho món chè ngon và mềm thơm.
Bạn cho bột sắn dây và nước vào chén hòa tan để bột không bị vón cục.
Lá dứa bạn đem rửa sạch, cắt khúc rồi cho vào cối xay sinh tố xay nhuyễn cùng với nước. Khi xay xong, bạn vắt lấy nước cốt dứa và bỏ bã.
Dừa nạo bạn cho vào tô, rồi cho nước nóng vào, sau đó nhào và vắt lấy nước cốt dừa. Tiếp theo, bạn cho nước cốt dừa lên bếp, nêm với ít muối, đường cho vừa ăn thì tắt bếp.
Bước 2: Nấu chè cốm đậu xanh
Bạn cho đậu xanh đã ngâm vào nồi cùng với 1 lít nước và nước cốt dứa sau đó nấu với lửa nhỏ để đậu xanh chín nhừ. Lúc này, bạn cho đường vào nồi đậu, đảo đều tay, rồi nêm nếm cho vừa ăn. Tiếp đến, bạn cho cốm vào nấu chung.
Khi chè cốm sôi lên, bạn nêm nếm lại lần nữa. Rồi cho bột sắn vào, vừa đổ từ từ bạn vừa khuấy nhẹ cho bột hòa tan. Khuấy nhẹ đến khi chè sánh lại thì bạn tắt bếp.
Vậy là hoàn thành, bạn múc chè ra chén, khi chè nguội bạn cho phần nước cốt lên trên mặt và thưởng thức.
Cách nấu chè cốm khoai môn
Nguyên liệu:
Khoai môn: 1 củ
Cồm: 100gr
Nước cốt dừa: 1 lon (200-250ml)
Lá dứa: 3-4 lá
Đường trắng
Bột năng: 1-2 muỗng cà phê
Vani: 1-2 ống
Dừa tươi nạo sợi
Muối
Chè cốm khoai môn
Hướng dẫn cách nấu chè cốm khoai môn thơm ngon:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cốm nếu là cốm tươi bạn chỉ cần rửa sạch, để ráo. Còn với cốm khô, ngâm từ 5-10 phút rồi vớt ra để ráo.
Lá dứa cắt bớt phần thừa, sâu đi rồi cũng rửa sạch, để ráo.
Khoai môn mua về gọt vỏ, rửa sạch, cắt thành miếng vừa ăn, ngâm khoảng 20-30 phút rồi mới vớt ra. Tiếp theo, mang khoai đi luộc hoặc hấp khoảng 7-10 phút đến khi khoai vừa chín tới, không nên để lâu, khoai bị nát nấu chè sẽ không ngon và đẹp mắt. (Lưu ý: Khi gọt khoai môn nhớ đeo gang tay tránh nhớt khoai lỡ dị ứng bị ngứa).
Nước cốt dừa: Bạn bắc nồi lên bếp cho 200 ml nước cốt dừa, cho ít muối, thêm 1 -2 muỗng cà phê bột năng (Tùy vào độ sánh bạn muốn vừa hay đặc), đun với lừa nhỏ kết hợp đảo nhẹ cho tan bột năng. Nấu thêm 5 phút rồi tắt bếp.
Bước 2: Nấu chè cốm khoai môn
Bạn cho nồi lên bếp cho khoảng 500ml nước lọc vào rồi đun sôi (lúc nước chưa sôi bật lửa lớn). Tiếp đến thả cốm và lá dứa vào nồi nấu khoảng 10 phút với mức lửa nhỏ, nhớ đảo nhẹ tay để tránh cốm dính vào nồi.
Khi cốm nở hết tức là đã chín, bạn cho đường vào. Cuối cùng cho phần khoai môn đã hấp chín trước đó vào, đun thêm khoảng 10 phút cho khoai ngấm đường rồi tắt bếp.
Bước 3: Thưởng thức
Phút giây bạn chờ đợi đã đến, giờ chỉ việc múc chè ra bát, rưới thêm ít nước cốt dừa lên là có thể măm măm. Với món chè cốm khoai môn bạn ăn khi nóng hoặc lạnh đều được.
Cách nấu chè cốm hạt sen
Nguyên liệu:
Cốm: Bạn có thể chọn cốm khô hoặc cốm tươi. Nếu đúng mùa cốm thì bạn nên làm cốm tươi thì sẽ ngon hơn. Nếu là trái mùa thì bạn có thể mua cốm khô về rồi sơ chế trước khi nấu. Cốm khô cũng không làm ảnh hưởng đến hương vị của bát chè thành phẩm. Bạn chuẩn bị khoảng 150 gram cốm nhé.
Hạt sen khô: 300gr (bạn có thể sử dụng hạt sen tươi)
Bột sắn dây (bột năng): 50gr - dùng để tạo độ sánh, độ kết dính cho món chè cốm.
Đường cát, muối
Lá dứa
Chè cốm hạt sen
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Cốm: Nếu là cốm tươi, bạn chỉ cần rửa qua với nước cho sạch bụi bẩn là có thể thực hiện các bước tiếp theo của cách nấu chè cốm hạt sen tại nhà. Nếu là cốm khô, bạn cũng đem rửa sạch nhưng sau đó cần ngâm với nước lạnh cho hạt cốm mềm ra. Ngâm cốm trong khoảng 10 phút rồi xả lại với nước lạnh sau đó để cho ráo.
Hạt sen rửa sạch, ngâm với nước cho mềm. Nếu các bạn dùng hạt sen tươi thì bạn bỏ tâm sen đi, trần qua hạt sen tươi với nước sôi để loại bỏ hết những vị đắng còn sót lại của tâm sen nhé.
Cho bột sắn dây (bột năng) vào bát con sau đó hoà loãng với nước. Cần hoà kỹ để đảm bảo bột không bị vón cục. Sử dụng bột sắn dây sẽ giúp bát chè cốm hạt sen sánh và đẹp mắt hơn.
Đường phèn: Tiếp theo của cách nấu chè cốm tại nhà đó là lấy 2 thìa đường phèn sau đó đun cho đường chảy thì cho tiếp vào đường chừng 20ml nước lọc sau đó khuấy đều.
Lá dứa: Rửa sạch phần lá dứa đã có. Tiếp đến, bạn cắt lá dứa thành các khúc nhỏ rồi cho vào máy xay với khoảng 1 lít nước. Xay xong, bạn vắt lấy nước cốt và bỏ bã.
Bước 2: Thực hiện cách nấu chè cốm hạt sen
Đầu tiên bạn thả hạt sen vào nồi nước, đun sôi rồi hạ lửa nhỏ để ninh cho hạt sen nhừ. Nhìn hạt sen nở như nụ hoa, các bạn mới cho đường vào đun cùng để hạt sen ngấm đường nhé.
Kế tiếp bạn cho phần nước cốt lá dứa đã lọc vào nồi. Sau đó, bạn đặt nồi lên bếp và đun với mức lửa nhỏ. Khi nước bắt đầu sôi lăn tăn, bạn đổ cốm vào nồi và đun cho thật sôi. Khoảng 5 phút sau, bạn cho vào nồi chè cốm 1/3 thìa cafe muối và khuấy đều để món chè được thanh hơn.
Tiếp tục đun chè trong khoảng 1 phút nữa. Lúc này, bạn trút phần nước đường phèn + bột sắn đã sơ chế rồi cho vào nồi, khuấy cho thật đều tay để chè được sánh và không bị khê ở phần đáy. Khuấy liên tục như vậy cho đến khi chè sánh mịn thì nêm đường cho vừa vị ngọt rồi đun khoảng 1 phút nữa thì tắt bếp nhé.
Chúc bạn thành công!
Bồ Đào (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm
Bí quyết trị mụn, dưỡng trắng da hiệu quả từ gừng tươi