Việt Nam cần xây dựng hệ thống “an sinh xã hội thích ứng” trên nền tảng số

VnMedia 01/10/2022 18:24:14

-

Với mức thu nhập và trình độ phát triển hiện nay, Việt Nam cần có khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc khủng hoảng; Các cơ chế, thể chế và tài chính… và các nền tảng số có thể giúp xây dựng được một hệ thống “an sinh xã hội thích ứng.” – Giám đốc WB tại Việt Nam nói.

Ngày 30/9, Ngân hàng Thế giới phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận - thực tiễn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI vể một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu giảm nghèo ấn tượng trong thập kỷ qua, đặc biệt liên quan đến tình trạng nghèo cùng cực, giảm từ 16,8% năm 2010 xuống còn 5% năm 2020 (theo chuẩn nghèo của các nước có mức thu nhập trung bình thấp của Ngân hàng Thế giới).

Tuy vậy, tỷ trọng dân số trong khu vực phi chính thức vẫn còn khá cao trong khi thời kỳ dân số vàng đang gần kết thúc.

Theo Giám đốc WB tại Việt Nam, để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước thu nhập trung bình cao của Việt Nam vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, nền kinh tế sẽ phải đạt được năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tăng hòa nhập xã hội cũng như khả năng chống chịu mạnh mẽ trước các cú sốc liên quan đến biến đổi khí hậu.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống “an sinh xã hội thích ứng” trên nền tảng số-1

Việt Nam cần xây dựng hệ thống “an sinh xã hội thích ứng” trên nền tảng số - ảnh minh họa

3 thách thức với hệ thống an sinh xã hội

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ rõ, hệ thống an sinh xã hội (ASXH) của Việt Nam sẽ phải giải quyết ba thách thức.

Thứ nhất, về việc làm phi chính thức, bất chấp kết quả tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao. Nhìn chung, khoảng 76% tổng số lao động và 55-60% lao động phi nông nghiệp vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức.

Carolyn Turk phân tích: Bất chấp kết quả tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao. Nhìn chung, khoảng 76% tổng số lao động và 55-60% lao động phi nông nghiệp vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức.

"Tính phi chính thức là một phép thử đối với hệ thống ASXH xét về ít nhất ba phương diện. Rõ ràng nhất là nhiều người lao động không có bảo hiểm trước những rủi ro như thất nghiệp và khuyết tật. Ba phần tư lực lượng lao động ở Việt Nam không được bảo vệ khỏi những cú sốc này."- Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống “an sinh xã hội thích ứng” trên nền tảng số-2

76% tổng số lao động và 55-60% lao động phi nông nghiệp vẫn làm việc trong khu vực phi chính thức - ảnh minh họa

Bà Carolyn Turk cũng chỉ rõ: Phi chính thức cũng đồng nghĩa với doanh thu thuế thấp hơn và nguồn tài chính cho bảo hiểm xã hội kém bền vững hơn. Tình trạng phi chính thức còn liên quan đến năng suất thấp hơn do thiếu vốn, hạn chế khả năng tiếp cận tài chính, kỹ năng và thường nằm ngoài phạm vi của các chương trình thị trường lao động chủ động.

Về già hóa dân số, Giám đốc WB tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam đang đứng trước thời điểm quan trọng về nhân khẩu học khi là quốc gia có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất trên thế giới. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với hệ thống ASXH nếu hầu hết trong số họ không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu xã hội. Ngoài ra, với lực lượng lao động lớn tuổi, năng suất lao động cao hơn có ý nghĩa rất quan trọng để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống “an sinh xã hội thích ứng” trên nền tảng số-3

Hầu hết trong số họ không có bảo hiểm xã hội hoặc lương hưu xã hội - ảnh minh họa

Giám đốc WB tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tăng trong những thập kỷ tới, tăng thêm mối nguy trước các cú sốc cho hộ gia đình và nền kinh tế. Khoảng 60% diện tích đất và 70% dân số của Việt Nam phải hứng chịu nhiều thiên tai.

Tuy nhiên, cho đến nay, hệ thống ASXH vẫn chưa đủ khả năng thích ứng để chuẩn bị và ứng phó với thảm họa ngoài các biện pháp cứu trợ truyền thống.

Cần khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc khủng hoảng

Nhấn mạnh tỷ lệ bao phủ của các chương trình bảo hiểm xã hội, đặc biệt là lương hưu, không tăng nhiều như kỳ vọng, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, có một số rủi ro mà chương trình BHXH truyền thống không thể giải quyết được.

“Với mức thu nhập và trình độ phát triển hiện nay, Việt Nam cần có khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với các cuộc khủng hoảng. Các cơ chế thể chế và tài chính cũng như khả năng tận dụng dữ liệu hành chính và các nền tảng số, bao gồm việc chi trả điện tử, có thể giúp Việt Nam xây dựng được một hệ thống “an sinh xã hội thích ứng.” – bà Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk nêu ý kiến.

Lấy ví dụ về những bước tiến quan trọng để khắc phục những hạn chế nói trên, như việc triển khai nhanh chóng căn cước công dân mới và ứng dụng trong việc làm sạch các cơ sở dữ liệu lớn là một trụ cột quan trọng để tăng cường quản trị dữ liệu. Hay việc xây dựng nền tảng trao đổi dữ liệu quốc gia, ban hành nghị định định danh và xác thực điện tử và các tiêu chuẩn về chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các cơ quan, bộ ngành hiện cũng đang được khẩn trương tiến hành…; Việc các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở các các vùng có nguy cơ lũ lụt cao đang được lập bản đồ dựa trên các thông tin không gian địa lý…, bà Carolyn Turk hy vọng hội thảo sẽ giúp đưa ra những định hướng chính để cải cách hệ thống ASXH của Việt Nam đến năm 2030, qua đó giúp đất nước đạt được một hệ thống ASXH kết nối, thích ứng và hiệu quả hơn.

Xuân Hưng

Nối

Khác

Xem tiếp đi